Bảo quản nông sản sau thu hoạch: Còn nhiều khó khăn
(Baonghean) - Đa số nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thu hoạch và chế biến theo phương pháp thủ công, năng lực nghiên cứu và chế tạo máy móc phục vụ cho bảo quản, chế biến, thu hoạch ở nước ta còn nhiều hạn chế… Vì vậy, tổn thất giá trị kinh tế sau thu hoạch các loại nông sản như: ngô, lạc, lúa, rau đậu… là khá lớn.
Anh Trần Tuấn ở xóm 5, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) phơi ngô bằng biện pháp thủ công. |
Chúng tôi về xã Đỉnh Sơn - Anh Sơn vào những ngày đầu tháng 4, khi đang rộ mùa thu hoạch ngô vụ đông trên đất bãi sông Lam. Chị Nguyễn Thị Lý xóm 3 Đỉnh Sơn đang bẻ ngô cho biết: Vụ này ngô được mùa, bình quân đạt trên 3 tạ/sào, nhưng thu hoạch vụ đông tiết trời mưa nắng xập xìu, ngô đưa về không phơi nắng được hạt bị ẩm rồi lên mộng nên phải bán với giá rẻ. Chị Lý làm phép tính: Gia đình tôi làm 3 sào được 9 tạ ngô nhưng bị hỏng một tạ do ẩm mốc, số còn lại do chưa phơi được kỹ nên chỉ bán với giá 3.500 đồng/kg ngô được 2,8 triệu đồng (riêng thiệt hại ẩm mốc 1 tạ ngô đã mất 350.000 đồng). Anh Trần Tuấn ở xóm 5 Đỉnh Sơn - cơ sở chuyên thu mua ngô nói: “Vụ đông này cơ sở tôi thu mua trên 30 tấn ngô cho bà con, do mấy ngày nay trời âm u nên hầu hết bà con đều bán ngô tươi cho chúng tôi, giá dao động từ 3.500 - 3.800 đồng/kg ngô tươi. Chúng tôi phải đầu tư mua hàng trăm m2 bạt trải rộng để phơi ngô từ 2 - 3 ngày sau đó bán cho các “đầu nậu” ở Hà Nội, Hải Phòng”. Anh Tuấn nói thêm: Nghề thu mua ngô khá mạo hiểm, vì gặp khi trời mưa rét kéo dài không phơi được có khi bán lỗ vốn. Tôi hỏi Tuấn sao không đầu tư lò để sấy ngô, anh Tuấn lý giải: Sấy ngô bằng công nghệ điện và than như một số các tỉnh phía Bắc tính ra chi phí cao nên phải tận dụng để phơi bán mới có lãi.
Dọc các xã bãi bồi sông Lam, nhiều hộ dân đang ứ đọng ngô do thời tiết, như hộ ông Trần Văn Kiên ở Thạch Sơn thu hoạch 2,5 tấn ngô bị mốc 2 tạ ngô, mới bán được 1,7 tấn, hộ chị Vĩ Bình ở xóm 5 xã Hoa Sơn đã thu hoạch 1,5 tấn ngô nhưng mới bán được 1 tấn ngô.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Toàn xã Đỉnh Sơn có trên 200 ha ngô, khó khăn nhất vẫn là ngô vụ đông, do tiết trời nên mặc dù được mùa ngô, đạt năng suất 6 tấn/ha nhưng do ngô bị ẩm mốc nên vẫn bị tổn thất về giá trị kinh tế. Xã khuyến cáo bà con giai đoạn thu hoạch ngô cần thường xuyên theo dõi thời tiết để khi thu hoạch khi ngô đưa về không mắc mưa thấm nước. Xã mong muốn là huyện có một cơ sở chế biến sau thu hoạch như xây dựng lò sấy lớn chuyên sấy ngô để người nông dân không còn phải lo khi vụ thu hoạch đến.
Trưởng phòng Nông nghiệp Anh Sơn, ông Nguyễn Công Thế cho biết: Anh Sơn là vựa ngô của tỉnh với diện tích trên 3.000 ha ngô. Bảo quản sau thu hoạch gặp không ít khó khăn nhưng cũng chưa khắc phục được. Chủ yếu người dân bán ngô tươi cho các cơ sở thu mua hoặc phơi thủ công, trước đây có một số hộ dân đầu tư lò sấy nhưng do chi phí đắt nên đã không sử dụng.
Không chỉ ngô, lạc cũng gặp không ít khó khăn sau thu hoạch. Lạc Diễn Thịnh (Diễn Châu) lâu nay được đánh giá chất lượng hàng đầu của tỉnh, tuy nhiên bảo quản sau thu hoạch chưa được tốt dẫn đến sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ yếu các tư thương mua xuất qua các đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và thường xuyên bị ép giá. Chị Hoàng Thị Thanh ở xóm 9 xã Diễn Thịnh - Diễn Châu tâm sự: Làm 4 sào lạc, năng suất bình quân đạt 1,8 tạ/sào, sau khi thu hoạch chúng tôi thường cất trữ để “chờ giá”, nhưng do chỗ cất lạc không đảm bảo chỉ qua thời gian 1 - 2 tháng thì lạc thường xuống màu, bị ẩm nên khi bán thường bị tư thường kén chọn và ép giá.
Ngô, lạc, rau, và ngay cả cam cũng vậy, công tác chế biến để nâng cao giá trị còn rất hạn chế. Nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất bình quân các vườn cam ở Yên Khê, Con Cuông, Minh Hợp - Quỳ Hợp cho năng suất cao. Với sản lượng cam lớn nên việc bảo quản cam sau thu hoạch đối với người trồng cam rất quan trọng, đảm bảo cam tươi lâu, bán được giá và không độc hại cho người tiêu dùng. Vụ cam năm 2013 tại xã Yên Khê do cam chín, trong khi đầu ra tiêu thụ khó khăn dẫn đến tình trạng quả rụng hàng loạt, trong khi người dân chưa được hướng dẫn công nghệ bảo quản sau thu hoạch gây thất thiệt kinh tế không nhỏ. Như gia đình ông Nguyễn Hòa ở bản Tân Hương bị rụng trên 30 tấn cam Vân Du, cả xã có 50 ha cam bị rụng hư hỏng trên 100 tấn. Ngay như tại vùng chuyên canh cam của Công ty TNHH - MTV nông nghiệp Xuân Thành vào mùa cam chín lượng quả hư hỏng khá nhiều. Nguyễn Minh Lý ở xã Minh Hợp - Quỳ Hợp (thuộc Công ty TNHH - MTV nông nghiệp Xuân Thành) kể: Có những thời điểm do bán không kịp nên cam bị hỏng, như năm 2013 gia đình làm 3 ha cam nhưng bị 500 kg bị hỏng, giá bình quân 35.000 đồng/kg cam.
Anh Tuấn Bảy ở xóm 2 Diễn Thịnh - Diễn Châu đưa ra một giải pháp hay đối với bảo quản lạc. Mặc dù lạc được phơi khô nhưng nếu đóng bao chồng trong kho bãi vẫn bị ẩm mốc, cách bảo quản lạc tốt nhất vẫn là chứa vào Si lô. Si lô được cấu tạo là ống hình trụ, đáy có dạng hình chóp cao 30 - 35 cm có nắp đậy kín để có thể bảo quản lạc trong trạng thái kín hoặc lạnh. Vật liệu xi lô thường làm bằng kim loại hoặc kim loại tráng men, xi lô được áp dụng nhiều tại Ấn Độ chủ yếu chứa gạo và lạc giảm được hư hỏng sản phẩm và giảm chi phí lao động. Tại Diễn Thịnh hiện có hàng chục doanh nghiệp thu mua lạc tuy nhiên vẫn chưa ai đầu tư xi lô vì kinh phí khá cao. Một xi lô chứa được 20 tấn lạc trị giá từ 150 - 200 triệu đồng.
Còn đối với cam, được biết 2 năm gần đây người trồng cam tại huyện Bắc Cam tỉnh Hà Giang đã sử dụng công nghệ sau thu hoạch bằng cách ứng dụng phun chế phẩm Kivica lên cây, quả cam đã làm chậm chín cam và chín không đồng đều trên cùng một cây, một vườn, kéo dài thời gian thu hoạch chậm hơn 1 tháng so với vụ cam chín bình thường. Phun chế phẩm Kivica có thể ứng dụng tốt cho vùng cam chín sớm giống Vân Du ở Yên Khê - Con Cuông. Bên cạnh đó bà con ở Hà Giang còn bảo quản cam bằng công nghệ bán thấm, sử dụng chế phẩm BOQ - 15 như cách xoa đều chế phẩm lên cam quả sau đó cho vào kho bảo quản. Công nghệ này có ưu điểm là không gây độc hại, sau khi thực hiện quy trình bảo quản cam vẫn có thể sử dụng được ngay. Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê, Con Cuông cho rằng: Nếu bảo quản được cam sau thu hoạch vừa không thiệt hại cho người trồng cam và sẽ bớt đi nỗi lo được mùa mất giá.
Có thể nói rằng bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất, vừa bảo quản sản phẩm không hư hỏng các loại nông sản vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định khi xuất bán ra thị trường. Vì vậy, người nông dân đang rất cần được các nghành liên quan đầu tư nghiên cứu cho khoa học công nghệ sau thu hoạch, hỗ trợ cả về tài chính lẫn kiến thức đáp ứng được yêu cầu để bảo quản sản phẩm nâng cao chất lượng các loại mặt hàng nông sản.
Văn Trường