Bảo Thắng: Điểm sáng giáo dục ở Kỳ Sơn

28/10/2013 14:21

(Baonghean) - Từ trung tâm huyện Kỳ Sơn, chúng tôi vượt chặng đường khoảng 50km đến xã Bảo Thắng. Những ngày này, trời mưa như trút, nước qua các cầu tràn dâng cao, nhiều đoạn đất đá từ ta-luy dương sạt xuống mặt đường. Bản Cha Ca 1 hiện ra trong làn mưa dày đặc cùng những nếp nhà đơn sơ. Bước chân vào sân Trường PTCS Bảo Thắng, được chứng kiến niềm vui của các em học sinh, bao vất vả, mệt mỏi… chợt ban biến.

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền

Trường PTCS Bảo Thắng còn rất đơn sơ, từ phòng học, thư viện, nhà công vụ, sân trường đến ký túc xá cho học sinh còn khá tạm bợ. Phía cuối khuôn viên, dãy nhà học 2 tầng (8 phòng học) đang thi công dở dang, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chưa thể tiếp tục thi công. Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giờ đây, việc đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều, vì tuyến đường Xiêng Thù- Bảo Thắng đã được hoàn thành gần 2 năm. Trước đây, muốn đến Bảo Thắng phải xuống ngã ba Cửa Rào (Tương Dương), rẽ về xã Lượng Minh, qua cầu Xốp Mạt, men theo sườn núi gập ghềnh, khe suối hiểm trở. Vất vả không thể kể hết. Khi đường thông, lại đúng thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, trong đó có nội dung cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, nên trước mắt thầy và trò chúng tôi vẫn phải sử dụng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp cũ”.

Bảo Thắng từ lâu được biết đến là một trong những xã vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Nơi đây còn được xem là một trong những “thủ phủ” của người Khơ mú, vì dân tộc này chiếm 100% dân số của xã. Bảo Thắng có 5 bản với 385 hộ (gần 2.050 khẩu), tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (khoảng 80%). Bản xa nhất của Bảo Thắng là Xao Va, phải mất 6 tiếng đi bộ. Tiếp đến là các bản Thà Lạng, Ca Da, mất 4 tiếng đi bộ. Hiện tại, Bảo Thắng vẫn chưa có nguồn điện lưới, chưa có sóng điện thoại, đời sống người dân cơ bản vẫn tự cung tự cấp. Do điều kiện về hệ thống cơ sở vật chất và số lượng học sinh nên ở Bảo Thắng hiện vẫn duy trì trường học PTCS (gồm bậc tiểu học và THCS). Năm học này, trường có 31 lớp (505 học sinh) với 5 điểm trường. Nói vậy để thấy rằng việc “gieo chữ” và “trồng người” ở Bảo Thắng vẫn còn lắm gian nan, vất vả. Sự nghiệp giáo dục nơi đây đang thử thách tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và bản lĩnh của các thầy cô giáo cũng như thử thách nghị lực vươn lên của các em học sinh trên hành trình đi tìm con chữ.

Điều đáng nói nhất về Bảo Thắng ở chỗ, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nhưng trong mấy năm gần đây, chất lượng giáo dục ở địa phương này đã được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, xã Bảo Thắng được xếp vào tốp trên về chất lượng đại trà, vượt qua một số xã vùng gần trung tâm, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều như Hữu Kiệm, Tà Cạ, Chiêu Lưu.

Để làm nên thành công ở Bảo Thắng, theo thầy Nguyễn Hồng Hoa- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân cơ bản do sự quan tâm đặc biệt từ cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Những năm qua, nguồn ngân sách địa phương luôn được ưu tiên cho giáo dục. Khi trường PTCS thực hiện thí điểm mô hình bán trú, xã trích kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước sạch và mua máy phát điện. Đội ngũ cán bộ các ban ngành cấp xã luôn tích cực giúp đỡ nhà trường trong việc vận động các em trong độ tuổi đi học đến trường, đảm bảo duy trì sỹ số... Qua trao đổi, ông Cụt Thanh Hoài- Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Chúng tôi xác định hướng thoát nghèo bền vững cho Bảo Thắng chỉ có cách nâng cao trình độ dân trí và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì thế, công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục phải được quan tâm hàng đầu. Đời sống nhân dân còn khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp nhưng hàng năm chúng tôi đều thống nhất ưu tiên hàng đầu cho giáo dục”.

Đến sự nỗ lực của thầy và trò.

Năm học này, Trường PTCS Bảo Thắng được chọn làm thí điểm thực hiện chế độ bán trú cho học sinh theo Quyết định 85 của Chính phủ. Theo đó, mỗi học sinh nhà ở cách trường từ 6 km trở lên, không thể đi về trong ngày, được hưởng chế độ bán trú, với mức hỗ trợ 460.000 đồng/tháng. Toàn trường có 125 em được hưởng chế độ bán trú. Tuy điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng các em học sinh bán trú vẫn được nhà trường bố trí nơi ở tốt nhất, bố trí người cấp dưỡng chuyên phục vụ việc ăn uống và cán bộ quản sinh.

Bữa cơm trưa của học sinh bán trú Trường PTCS Bảo Thắng (Kỳ Sơn).
Bữa cơm trưa của học sinh bán trú Trường PTCS Bảo Thắng (Kỳ Sơn).

Chúng tôi có mặt tại khu nội trú vào thời điểm cô giáo Lô Thị Hà đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Nồi cơm to cho 125 em học sinh đã chín, cô Hà và các đồng nghiệp cần mẫn xới vào từng bát tô. Vừa lúc tiếng trống báo hiệu tan trường, các em học sinh ùa về và xắn tay giúp đỡ các thầy, cô giáo soạn bữa cơm, phân chia khẩu phần cho từng mâm. Thực đơn bữa ăn ngoài cơm canh còn có thịt, rau và măng rừng. Ăn xong, một số em tranh thủ nghỉ trưa, nhiều em tranh thủ làm bài tập hoặc chuẩn bị cho buổi học chiều. Thầy Mùa A Lềnh- cán bộ quản sinh đến từng phòng nhắc nhở các em giữ gìn trật tự.

Việc triển khai thực hiện mô hình chế độ bán trú tại Trường PTCS Bảo Thắng chưa được 1 kỳ học nhưng hiệu quả đã thấy rõ. Theo thầy Nguyễn Văn Sơn, hiệu quả trước tiên là duy trì được sỹ số cho các lớp học. So với các năm học trước, năm nay gần như không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Đồng thời, do đảm bảo chế độ dinh dưỡng nên tỷ lệ học sinh đau ốm giảm xuống đáng kể, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, ngày nghỉ nhiều em ở lại trường để tranh thủ học bài. Cuộc sống ở khu nội trú giúp các em hình thành kỹ năng sống trong môi trường tập thể, nâng cao ý thức lao động, vệ sinh... Em Xeo Văn Kiểm (học sinh lớp 8A) chia sẻ: “Nhà em ở bản Xao Va, phải đi bộ xa lắm. Những năm trước, em với các bạn cùng bản phải dựng lều ở trọ, tự túc cơm nước. Năm nay, được ở bán trú, không phải lo nấu cơm hàng ngày, việc học của em thuận lợi hơn rất nhiều. Em đang cố gắng học để dự thi học sinh giỏi cấp huyện”.

Có được điều này, nhờ sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ các thầy, cô giáo trong toàn trường, bởi hiện tại chưa có định biên cho công tác cấp dưỡng và quản sinh. Nhà trường phải chủ động hợp đồng với cô giáo Lô Thị Hà để làm công tác cấp dưỡng. Thầy Mùa A Lềnh hàng ngày vừa đảm bảo công tác giảng dạy trên lớp, vừa phải làm tròn công việc của một quản sinh. Mỗi thầy, cô giáo đều được phân công trách nhiệm trong việc giúp đỡ học sinh bán trú như hướng dẫn tự học ban đêm, tổ chức sinh hoạt văn nghệ tập thể, lao động tăng gia... Có thể nói, đối với học sinh bán trú ở Bảo Thắng, các thầy cô giáo vừa làm thầy, vừa làm bố, mẹ, vừa là những người bạn.

Người dân Bảo Thắng đang bước vào mùa thu hoạch lúa. Trên nương rẫy giờ đây không còn thấy bóng dáng trẻ nhỏ, vì các em đang đến trường, không còn phải nghỉ học để giúp đỡ bố mẹ thu hoạch mùa màng như trước. Một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của các bậc phụ huynh, góp phần rất lớn trong việc duy trì sỹ số lớp học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Một số hình ảnh về lớp học bán trú ở Trường PTCS Bảo Thắng:

Thầy giáo hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Thầy giáo hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Học sinh tranh thủ lao động tăng gia.
Học sinh lao động tăng gia.

Ôn bài trước lúc lên lớp.
Ôn bài trước lúc lên lớp.

Tường Anh

Mới nhất

x
Bảo Thắng: Điểm sáng giáo dục ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO