Bảo tồn bản sắc văn hóa ở Kỳ Sơn

06/04/2013 14:53

Khi màn sương đang còn dày đặc, nặng trĩu trên từng ngọn cây, cành lá, khắp các ngả đường, bà con bản Na Cáng (xã Na Ngoi) đã hồ hởi kéo nhau đi xem hội chọi bò. Đây là thú chơi dân gian truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông ở Kỳ Sơn, thể hiện khát vọng ấm no, đủ đầy của những người dân nơi miền sơn cước. Cùng với hội chọi bò, bà con nơi đây còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của người Mông như tiếng nói, trang phục, tập quán sinh hoạt, kiến trúc nhà ở…

(Baonghean) - Khi màn sương đang còn dày đặc, nặng trĩu trên từng ngọn cây, cành lá, khắp các ngả đường, bà con bản Na Cáng (xã Na Ngoi) đã hồ hởi kéo nhau đi xem hội chọi bò. Đây là thú chơi dân gian truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mông ở Kỳ Sơn, thể hiện khát vọng ấm no, đủ đầy của những người dân nơi miền sơn cước. Cùng với hội chọi bò, bà con nơi đây còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của người Mông như tiếng nói, trang phục, tập quán sinh hoạt, kiến trúc nhà ở…

Chúng tôi đến bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, nơi cư trú của đồng bào Khơ mú vào một ngày đầu xuân, tiếng khèn, tiếng nhạc rộn ràng khắp bản mường. Già trẻ, gái trai đều tập trung về nhà văn hóa cộng đồng để vui chơi, múa hát. Bên vò rượu cần nồng ấm, họ say sưa trong điệu hát tơm rộn ràng. Những cụ già mái tóc pha sương vẫn bước chân nhịp nhàng theo nhịp cồng chiêng, tươi cười khoe hàm răng đen óng ả. Những vị khách từ xa ghé thăm đều hòa mình vào bầu không gian rộn ràng để cảm nhận sâu sắc nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khơ mú nơi đây.

Chia tay bản Huồi Thợ khi tiếng cồng chiêng còn chưa dứt hẳn, chúng tôi lại hòa mình vào các trò chơi dân gian của bà con dân tộc Thái ở bản Na, xã Hữu Lập như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ… Những cô gái Thái dịu dàng, duyên dáng trong điệu xòe và giọng hát mượt mà, sâu lắng qua điệu khắp, điệu nhuôn…Những bàn tay mềm mại, uyển chuyển trong từng nhịp điệu này cũng là những bàn tay ngày đêm đưa thoi, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một nét văn hóa ăn sâu vào máu thịt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phụ nữ của bản Na đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm gồm hơn 60 thành viên tham gia. Với nghề dệt thổ cẩm, nhiều gia đình nơi đây đã thoát nghèo, đồng thời góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Huyện Kỳ Sơn hiện có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Mông, Khơ mú, Thái, Kinh và Hoa. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán, truyền thống sản xuất khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú về màu sắc văn hóa. Xác định văn hóa là nền tảng của sự phát triển kinh tế, nhiều năm qua, các cấp ủy chính quyền đã quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân. Trong đó, phải kể đến việc khôi phục Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu được tổ chức vào dịp đầu xuân theo đúng phong phục tập quán, văn minh, trật tự, mang đậm bản sắc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con các dân tộc. Năm 2009, đền Pu Nhạ Thầu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu trở thành nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc huyện Kỳ Sơn.



Lễ rước tại đền Pu Nhạ Thầu.

Bên cạnh Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, mấy năm gần đây, huyện Kỳ Sơn còn tổ chức Lễ hội Đền Cây đa bản Cánh ở xã Cà Tạ phục vụ đời sống tâm linh cho nhân dân. Hiện nay, đền đã được tôn tạo lại với quy mô khá uy nghi với hơn 400 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Trao đổi với chúng tôi, anh Moong Thái Nhi- Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát, kiểm kê hệ thống di sản văn hóa phi vật thể trong các bản làng trên địa bàn; nghiên cứu, phục dựng đám cưới cổ của người Khơ mú ở bản Huồi Thọ (Hữu Kiệm), duy trì hội chọi trâu bò và lễ hội văn hóa dân tộc Mông tại các xã Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ.

Tổ chức khôi phục Lễ hội Xăng Khan ở bản Na, xã Hữu Lập; đồng thời phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức 2 lớp truyền dạy âm nhạc, múa dân gian và nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho 30 học viên người Khơ mú, 30 học viên người Mông; nghiên cứu và phục dựng một số đặc trưng văn hóa dân tộc Khơ mú ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm và dân tộc Mông ở bản Sơn Hà, xã Cà Tạ; tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác dụng cụ âm nhạc, đúc rèn…

Anh Moong Thái Nhi cho biết thêm: Ngoài công tác bảo tồn giá trị văn hóa, huyện Kỳ Sơn còn hướng đến mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo và quản lí tốt các di tích lịch sử, danh thắng để gắn phát triển văn hóa với du lịch, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.


Nguyễn Lê

Mới nhất
x
Bảo tồn bản sắc văn hóa ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO