Bảo tồn, bồi đắp nét đẹp văn hóa bằng hương ước – Bài 2

Đến thăm bản Trường Sơn thuộc xã vùng biên Nậm Cắn, nơi có 305 hộ thuộc 8 dòng họ lớn của đồng bào Mông sinh sống, hỏi thăm già làng – người có uy tín Lầu Gà Lồng về những thay đổi trong thực hiện nếp sống văn hóa mới theo quy ước, hương ước của bản làng, ông thẳng thắn trả lời “rõ nhất là trong việc cưới, việc tang của đồng bào Mông ta đó”. Nói rồi, cây “đại thụ” của bản Trường Sơn nêu dẫn chứng: Trước đây, ví dụ nếu cha mẹ mất trong nhà có bao nhiêu đứa con trai thì phải mổ chừng ấy con bò, tốn kém lắm, giờ theo quy ước, hương ước của bản làm tiết kiệm, chỉ mổ một con thôi. Hay như đối với việc cưới hỏi, trong hương ước của bản ghi rõ “không thách cưới, không ở rể… không mở loa đài, băng đĩa nhạc sau 22h và trước 6h sáng”.

Chi bộ và Ban quản lý bản Trường Sơn xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn luôn quan tâm đến việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Mông qua thực hiện hương ước, quy ước thôn bản.
Chi bộ và Ban quản lý bản Trường Sơn xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn luôn quan tâm đến việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Mông qua thực hiện hương ước, quy ước thôn bản.

Việc ăn Tết cũng vậy, cách đây vài năm thôi còn ăn hai cái Tết. “Tết sớm cách Tết âm lịch khoảng 1 tháng, kéo dài khoảng 10 ngày cũng mổ bò, mổ lợn, vui chơi nhưng thời gian này trùng với thu hoạch lúa cuối năm nên bà con rất vất vả, giờ thì người Mông chỉ ăn Tết cổ truyền của dân tộc thôi” – Bí thư Chi bộ bản Trường Sơn Lầu Bá Tu vui vẻ cho hay.

Thực tế trong phong tục của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, nhất là trong việc cưới, việc tang như: Bắn súng thông báo khi có người chết; người chết không được bỏ vào quan tài ngay mà để nằm trên cáng tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên; còn giết nhiều gia súc, gia cầm gây tốn kém, lãng phí. Tập tục để người chết lâu trong nhà (từ 3 ngày trở lên). Bởi quan niệm của đồng bào Mông là không được chôn cất trùng ngày (trùng tang) với người đã chết trước trong dòng họ; để lâu ngày để chờ con cháu đi làm ăn xa, lấy vợ, lấy chồng xa về phúng viếng rồi mới đem đi chôn cất. Nơi chôn cất do gia đình, dòng họ tùy chọn, vì từ xưa đến nay có nhiều bản vẫn chưa có nghĩa địa tập trung hoặc đã có nhưng không thực hiện. Còn trong việc cưới xin trên thực tế vẫn còn hiện tượng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi thực hiện các bước tục lễ trước, trong và sau cưới còn rườm rà, lạc hậu. Do đó, tại một số dòng họ ở các thôn bản đã có sự đổi mới rút gọn một số khâu trong việc cưới, việc tang, tiến tới từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không cần thiết  để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Chọi gụ là trò chơi dân gian dành cho nam giới được đồng bào Mông ưa thích. Ảnh: Đình Tuân
Chọi gụ là trò chơi dân gian dành cho nam giới được đồng bào Mông ưa thích. Ảnh: Đình Tuân

Điển hình như dòng họ Thò ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy đã thống nhất soạn thảo quy ước riêng của dòng họ với những quy định cụ thể về trách nhiệm các hộ gia đình trong dòng họ. Chẳng hạn như đối với việc cưới, quy ước họ Thò thống nhất: Xóa bỏ việc “lạy quỳ” bái bố mẹ, anh chị em ruột đối với người bên họ nhà trai đến báo tin khi lớp trẻ lấy nhau. Bỏ không thực hiện các thủ tục như: Hát các bài phong tục cưới; các lượt vòng rượu sau khi các chủ hôn (ông mối đại diện 2 bên) đã bàn thống nhất quan điểm bước đầu về mọi việc. Lễ đặt tên cho con rể thay vì làm 3 con lợn to thì nay chỉ cần làm 01 con lợn không quá 50 kg trở lại. Đặc biệt, quy ước dòng họ Thò nghiêm cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ép duyên,  hoặc bắt vợ khi chưa được sự đồng ý của đối phương.

Đối với việc tang, quy ước dòng họ Thò quy định xoá bỏ tục bắn súng thông báo khi có người chết; Tục để người chết lâu trong nhà (3 ngày trở lên hoặc hơn) vì không phù hợp với quy định nếp sống văn hóa mới, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe người thân trong nhà, dòng họ. Thời gian tổ chức tang lễ được rút ngắn xuống còn không quá 24 tiếng đồng hồ. Tục tổ chức ăn uống linh đình tại gia đình có người chết cũng được xoá bỏ, bởi theo lý giải của Trưởng họ Thò Chống Lồng: “Tâm lý con cháu càng mổ nhiều gia súc, gia cầm càng thể hiện có hiếu với người chết nhưng phần lớn các gia đình đều là hộ nghèo, nên việc chi phí cho đám tang luôn là gánh nặng cho hộ nghèo không may có người chết”. Giờ mỗi đám tang chỉ được phép làm thịt 1 con bò (kể cả gia đình có điều kiện kinh tế). Bên cạnh đó, một số tục khác không phù hợp và gây tốn kém, lãng phí cũng được xoá bỏ như tục người chết ban phước cho con cháu, tục mời toàn bộ trưởng các bộ phận liên quan ngồi lại để thực hiện một số nghi lễ từ 5-7 tiếng đồng hồ hay tục thực hiện các bài khèn – trống tràn lan cũng được rút gọn, bỏ bớt những bài không cần thiết…

Phụ nữ Mông với trò chơi đẩy gậy. Ảnh: Đình Tuân
Phụ nữ Mông với trò chơi đẩy gậy. Ảnh: Đình Tuân

Theo ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, người khởi xướng và đi đầu trong việc thực hiện xoá bỏ tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang của dòng họ Thò ở xã Huồi Viêng cho hay: Phải mất 5-6 tháng kiên trì thuyết phục bắt đầu từ trưởng họ đến những người có uy tín trong dòng họ mới nhận được sự đồng ý thay đổi một số cái không còn phù hợp. “Cái khó là dòng họ mình thông gia với các dòng họ khác nên nhiều thủ tục trong việc cưới, việc tang mình muốn tiết giảm nhưng chưa chắc bên kia đã đồng ý. Bởi vậy nên mới có quy định phong tục tập quán của dòng họ trước sau như một phải thu về một mối, tuân thủ thống nhất tổ chức thực hiện, quản lý theo thứ bậc mà cha ông tổ tiên để lại. Các thành viên trong gia đình, trong dòng họ có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy ước này đến tận mọi người thân trong gia đình (bên nội – ngoại) hiểu rõ bản chất vấn đề để từng bước đồng thuận thực hiện có hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong gia đình phải là người tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện quy ước này nhằm xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa góp phần xây dựng làng bản văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang ”- ông Thò Bá Rê cho hay.

Tại nhiều bản làng người Mông ở rẻo cao Kỳ Sơn, hương ước, quy ước không chỉ giúp bài trừ cái lạc hậu, mà còn đẩy lùi cái xấu, đẩy lùi TNXH, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong Nhân dân, quản lý bảo vệ rừng… đưa đồng bào bước sang cuộc sống mới ấm áp và yên vui. Điển hình như ở bản Xám Xúm -một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lống, trước đây vốn được coi điểm “nóng” nhức nhối về buôn bán và sử dụng ma túy khiến cuộc sống của người dân rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Quy ước bản Pù Khả 1 được dán ở trước mỗi nhà dân.
Quy ước bản Pù Khả 1 được dán ở trước mỗi nhà dân.

Trước thực trạng đó, UBND xã Mường Lống đã ra quyết định về ban hành hương ước kèm quy ước riêng của bản, gồm 13 nội dung với những quy định chặt chẽ; đồng thời yêu cầu Chi bộ, Ban quản lý và các đoàn thể ở bản cùng với Công an, Ban Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp xã vào cuộc vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện các nội quy đã đề ra. Từ đó, Xám Xúm bắt đầu thay đổi, trong từng nếp nhà, các câu khẩu hiệu phòng, chống ma túy được người dân treo nghiêm túc thực hiện. Hay bản Mông Phù khả 1, xã Na Ngoi thời gian gần đây có một số người dân nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo, xúi giục của người xấu, tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây bức xúc trong dòng họ, làm xáo trộn tình hình trị an trong bản. Cùng với mô hình An dân do Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đảng ủy xã Na Ngoi, bản Pù Khả 1 còn xây dựng hương ước và nội quy riêng của bản với 12 điều khoản cụ thể. Trong đó, nêu cao tinh thần đoàn kết xóm giềng, vận động các thành viên trong gia đình chấp hành pháp luật, hương ước của bản, không tham gia vào tệ nạn xã hội, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông. Nghiêm cấm đưa các phong tục, tôn giáo khác để truyền bá cho người dân, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc; gây mất đoàn kết trật tự, trị an trong bản.

Theo Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 1 Vừ Bá Tổng: Quy ước của bản với những điều khoản cụ thể ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu được dán ở cửa từng gia đình để mọi người ghi nhớ và không vi phạm. Giờ thì, các cá nhân và hộ gia đình đã tự nguyện cam đoan từ bỏ không tham gia sinh hoạt và truyền đạo trái pháp luật, trở lại theo phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên, đoàn kết cùng dân bản xây dựng cuộc sống mới.

Nhiều trò chơi dân gian của đồng bào Mông được lưu giữ, phổ biến rộng rãi. Ảnh: Đình Tuân
Nhiều trò chơi dân gian của đồng bào Mông được lưu giữ, phổ biến rộng rãi. Ảnh: Đình Tuân

Nhìn chung, đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn nói chung, đồng bào Mông nói riêng từ lâu đời đã hình thành các hương ước theo từng làng bản, và được mọi thành viên tự giác thực hiện, những người vi phạm hương ước, quy ước khi bị làng, bản xử phạt đều phải chấp hành, ít có trường hợp chống đối. Hương ước, quy ước của các bản làng có tác dụng toàn diện, nhưng rõ nhất về bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia, thể hiện trên các mặt: Quy định việc qua lại biên giới thăm thân phải xin phép chính quyền và Đồn Biên phòng; tôn trọng luật pháp của nước láng giềng; không được mua bán trao đổi hàng quốc cấm như vũ khí, ma túy, buôn bán người; không được chứa chấp người lạ trong nhà, trong bản…

Theo Tiến sỹ Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc “Mô hình quản lý xã hội dựa trên quan hệ dòng họ, gia đình, uy tín của trưởng họ, già làng thể hiện khả năng điều hành quản lý xã hội của người Mông. Hệ thống luật tục của người Mông khá toàn diện nhiều điểm hợp lý, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ rừng, nguồn nước, quy ước an ninh, xây dựng tình làng nghĩa xóm”. Bởi vậy, nếu biết “gạn đục, khơi trong” sẽ phát huy hiệu quả trong xây dựng thiết chế tự quản, hỗ trợ đắc lực cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư.

Được biết, hiện nay, huyện Kỳ Sơn cũng đang chỉ đạo xây dựng đề án tuyên truyền, vận động thực hiện cải cách đơn giản hóa phong tục tập quán trong việc cưới, việc tang vùng đồng bào Mông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đến năm 2030 và những năm tiếp theo tại 75 bản thuộc các xã có liên quan. Từ đó, dần dần nhân rộng thực hiện ở các cộng đồng dân tộc khác trong toàn huyện.