Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Tương Dương là địa bàn có nhiều dân tộc anh em chung sống: Kinh, Thái, Khơ mú, Mông, Ơ đu, Tày Pọong... Mỗi dân tộc có những nét đặc sắc riêng về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, trang phục... tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Nhưng, do thời gian và nhiều yếu tố khác, các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây có nguy cơ bị mai một.
Có số dân ít, sống xen kẽ lâu năm với người Khơ mú và người Thái nên người Ơ đu (Bản Văng Môn - xã Nga My) chịu ảnh hưởng nền văn hóa của 2 dân tộc trên. Cũng vì lẽ đó mà hầu như văn hóa của người Ơ đu đang đứng trước nguy cơ bị mai một và biến mất. Trước thực trạng đó, vấn đề bảo tồn văn hóa của tộc người Ơ đu được đặt ra. Cùng với việc di dân theo cộng đồng, qui hoạch dân cư tập trung bắt đầu từ năm 2008, Phòng VH-TT-DL huyện Tương Dương mời 6 cụ cao niên biết nói tiếng Ơ đu xây dựng, biên soạn giáo trình dạy tiếng cho đồng bào bằng phương pháp truyền khẩu. Các lớp dạy tiếng Ơ đu được mở ra và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào. Và những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của tộc người này đang dần được khôi phục...
Tiết mục văn nghệ của bản Phòng (Thạch Giám- Tương Dương)
tại đêm giao lưu Đại hội Dân tộc thiểu số Nghệ An lần thứ I.
Tháng 4/2010, CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái ở bản Phòng (xã Thạch Giám-Tương Dương) được thành lập. Đều đặn vào buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, họ lại tập trung về hội trường của bản để cùng nhau thảo luận, sáng tác, lưu giữ các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái. Trong các lần sinh hoạt ấy, những người già, người am hiểu dân ca, dân vũ trở thành những người thầy trực tiếp truyền thụ các kiến thức về văn hoá dân gian cho các thành viên khác, đặc biệt là lớp trẻ. Để nét văn hoá dân gian đồng bào Thái được lan toả, thấm sâu, có sức hút mạnh mẽ, câu lạc bộ đã tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ bà con trong các dịp lễ hội, tết, thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới...
Ngoài hình thức sinh hoạt CLB, huyện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của dân bản về truyền thống văn hóa.
Đồng thời chú trọng khôi phục các lễ hội dân gian: lễ hội chọi bò của người Mông, đám cưới cổ của người Thái, lễ hội Xăng Khan. Chọn xây dựng các bản điểm, xã điểm về văn hóa góp phần quan trọng trong việc lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, chính sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc trên cùng một địa bàn là trở ngại trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hơn nữa, trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn cũng là "bài toán khó" trong việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ngoài nỗ lực từ chính quyền địa phương, của đồng bào thì cần có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành...
Thanh Phúc