Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Cần chính sách cụ thể

27/08/2014 10:42

(Baonghean) - Cùng với công tác trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở đòi hỏi phải có chính sách dài hơi, cụ thể...

Khắc luống tại Lễ hội Đền Chín Gian.Ảnh: Trần hải
Khắc luống tại Lễ hội Đền Chín Gian. Ảnh: Trần hải

Hiện nay, Nghệ An có khoảng hơn 20 lễ hội lớn nhỏ khác nhau cùng những di sản văn hóa phi vật thể là các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian đặc sắc. Loại hình này chủ yếu diễn ra trong các lễ hội đầu xuân, ngày hội của bản mường. Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương xứ Nghệ, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến Nghệ An tìm hiểu khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư.

Một trong những di sản văn hóa phi vật thể mà thời gian qua tỉnh ta đang trăn trở trong công tác bảo tồn, phát huy đó là dân ca, hò, ví dặm xứ Nghệ. Bằng chứng là từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức 2 Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò – ví – dặm xứ Nghệ” vào tháng 3/2011, Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh)” được tổ chức vào tháng 5/2014. Cả hai cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu dân gian trong nước và quốc tế để cùng tìm ra những giải pháp thích hợp cho công tác bảo tồn, chính sách để thu hút, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian. Năm 2009, tỉnh ta thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện, quảng bá và truyền dạy dân ca ví, dặm, trong đó đưa dân ca vào trường học, thành lập các CLB dân ca ở các địa phương… Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, vào tháng 5, các địa phương lại tổ chức Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ trên địa bàn toàn tỉnh để khơi dậy tình yêu dân ca của các tầng lớp nhân dân, tạo nên một sân chơi ý nghĩa cho người dân lao động.

Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn văn hóa phi vật thể hiện nay khó khăn hơn bảo tồn di sản văn hóa vật thể rất nhiều. Bởi các nghệ nhân ngày càng già đi, lớp trẻ không mấy mặn mà. Cán bộ làm công tác sưu tầm quá ít, không tâm huyết. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho việc bảo tồn loại hình này còn quá ít ỏi, chưa tương xứng: Chưa tổ chức tôn vinh các nghệ nhân; chưa có một công trình thật sự cuốn hút và phổ biến về các di sản văn hóa phi vật thể… Di sản văn hóa phi vật thể là biểu tượng văn hóa truyền thống, của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Khi giao lưu trong cộng đồng quốc tế, thứ để chúng ta khác mọi nơi chính là bản sắc có từ ngàn đời. Làm sao giới trẻ ngày nay không khỏi thờ ơ với các giá trị truyền thống, một khi họ chỉ biết mù mờ về văn hóa truyền thống? Ông Đoàn Nam – Nguyên trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở VHTT và DL cho rằng, Nghệ An đang dần mất đi các di sản văn hóa phi vật thể, bởi rất ít người đứng ra làm công việc này. Bên cạnh đó, khi đã sưu tầm được một loại hình nào đó, thì cũng chỉ lưu giữ trong sách vở, tài liệu mà chưa tìm cách để phát huy. Cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ… vang vọng khắp năm châu là nhờ người dân ở đó sống được với chính loại hình nghệ thuật của mình. Chừng nào người dân sống được với chính bản sắc văn hóa vùng miền của mình, thì lúc đó mới có thể lưu giữ một cách nghiêm túc các di sản văn hóa phi vật thể này.

Bao nhiêu năm nay, nghệ nhân Chu Văn Tỵ – CLB Dân ca Cát Văn – Thanh Chương vẫn nặng lòng với Dân ca xứ Nghệ và luôn đau đáu nghĩ về sự tồn tại của dân ca ví, dặm xứ Nghệ trong tương lai. Sinh năm 1950 tại vùng quê Cát Văn, từ nhỏ từng được nuôi dưỡng bằng những khúc hát ru và làn điệu dân ca của bà của mẹ. Vì thế ông đã có tiếng là người hay hát và hát hay những khúc hát dân ca khi còn ấu thơ. Ông tâm sự: Ở quê ông, lớp trẻ bây giờ ít hát dân ca và nghe dân ca. Làm thế nào để khơi dậy trong lớp trẻ biết hát câu ca đó là điều mà ông luôn đau đáu trong lòng. Là người hát hay, sáng tác các làn điệu mới cũng hay, khi CLB Dân ca xã Cát Văn thành lập năm 2010, chính ông là người tiên phong vận động các thành viên cùng tham gia đóng góp để mua đạo cụ tập luyện. Không có kinh phí, các thành viên tự bỏ tiền túi xây dựng quỹ với mong muốn ngoài niềm vui còn có thể góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa của địa phương. Cứ thế, với vai trò sáng tác, truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ, đến nay ông đã sáng tác được trên 20 tác phẩm dân ca mới. Nhưng để đào tạo lớp trẻ hát dân ca hay, hát đúng là rất khó. Thế hệ nghệ nhân hát dân ca bây giờ còn lại rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, điều ông mong muốn là các cấp liên quan nên có cơ chế khuyến khích; đào tạo, phát hiện bồi dưỡng tài năng hát dân ca ngay từ cơ sở.

Trao đổi với Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, bà cho rằng: Cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An được đặt ra muộn, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, phiến diện, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống. Nhiều nếp sống sinh hoạt văn hóa không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Để bảo tồn, gìn giữ, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị to lớn của di sản văn hóa phi vật thể; tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ bằng sách, đĩa, chụp ảnh, ghi âm, quay phim… để làm tư liệu. Cũng như di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể phải được trả về với cộng đồng, bản thân nó phải sống, tồn tại được trong nhịp sống hiện đại hôm nay. Ví như từ chất liệu dân ca, thời gian qua chúng ta đã phát triển thành những ca khúc mới mang hơi thở và cuộc sống hiện đại qua sự sáng tạo của các nhạc sỹ, qua sự dàn dựng bằng những vở diễn của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ…Tăng cường bồi dưỡng hiểu biết của thế hệ trẻ về vốn di sản quý mà cha ông để lại. Để làm được điều đó các địa phương cần đưa di sản vào dạy, giới thiệu ở trường học như dân ca đã từng làm. Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới, làn điệu mới trong nhân dân và học sinh, tạo một phong trào sáng tác mang tính quần chúng. Phát triển hơn nữa các CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ và các địa phương cần có chính sách động viên, khuyến khích để các CLB hoạt động. Mỗi địa phương phải xác định được di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất của mình là gì để có định hướng bảo tồn, gìn giữ, phát huy cụ thể chứ không dàn trải, chung chung. Những địa phương có tiềm năng du lịch, có thể gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ khách du lịch. Ví như khách du lịch đến Nam Đàn sẽ được nghe hát phường vải, đến Hang Bua – Quỳ Châu sẽ được nghe dân ca Thái, đến Yên Thành là được thưởng thức tuồng Kẻ Gám…

Điều tiên quyết vẫn là cơ chế, chính sách nhằm duy trì hoạt động của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Không giống như di sản văn hóa vật thể, khi đã được phục dựng, trùng tu, tôn tạo tự nó sẽ có thể nuôi nó, thế nhưng các CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ lại khác. Để bảo tồn, phát huy không đơn giản chút nào. Như dân ca, chúng ta đi đến ngày hôm nay để đệ trình lên UNESCO công nhận là cả một hành trình. Thế nhưng điều trăn trở là sau khi được UNESCO công nhận dân ca là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì chúng ta phải phát huy, gìn giữ như thế nào để danh hiệu đó được trở về đúng nghĩa của nó, để dân ca tồn tại mãi mãi trong đời sống của người dân lao động.

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Cần chính sách cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO