Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể "Khó !"

14/02/2012 09:37

(Baonghean) Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Nghệ An đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương xứ Nghệ, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến tìm hiểu khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư.

(Baonghean) Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Nghệ An đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương xứ Nghệ, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến tìm hiểu khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn văn hóa phi vật thể hiện nay khó khăn hơn di sản văn hóa vật thể rất nhiều, bởi các nghệ nhân ngày càng già đi, lớp trẻ thì không mặn mà. Cán bộ làm công tác sưu tầm lại quá ít, không tâm huyết. Bên cạnh đó, sự đầu tư giữa hai loại di sản này lại chênh lệch quá lớn. Chúng ta có thể bỏ hàng tỷ đồng để trùng tu và phục hồi các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa... nhưng những cuộc hội thảo thật sự nghiêm túc để tìm cách sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể thì chưa nhiều. Một buổi tôn vinh các nghệ nhân cũng chưa được tổ chức. Xa hơn là một công trình thật sự cuốn hút và phổ biến về các di sản văn hóa phi vật thể lại càng không.



Buổi tập luyện của CLB ca trù Diễn Liên (Diễn Châu).

Di sản văn hóa phi vật thể là biểu tượng của bản sắc văn hóa truyền thống, là cái sống còn của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Ông Đoàn Nam - Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở VHTT và DL cho rằng, Nghệ An đang mất mát rất nhiều các di sản văn hóa phi vật thể. Khi đã sưu tầm được một loại hình di sản văn hóa phi vật thể nào đó, thì cũng chỉ lưu giữ trong sách vở, tài liệu mà chưa tìm cách để phát huy. Cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ ... vang vọng khắp năm châu là nhờ người dân ở đó sống được với chính loại hình nghệ thuật của mình. Để người dân sống được với chính bản sắc văn hóa vùng miền của mình, thì lúc đó mới có thể lưu giữ một cách nghiêm túc các di sản văn hóa phi vật thể này. Nghệ An cũng đã làm được điều đó, nhưng rất ít. Dệt thổ cẩm của người Thái hay làn điệu khắp, nhuôn, đu đu điềng điềng của người Thổ; hát dân ca, hò ví dặm, hát ca trù của người Kinh... đã giúp đồng bào ở đó yên tâm với cuộc sống để sáng tạo. Nhưng các giá trị văn hóa phi vật thể của Nghệ An tiềm tàng thì rất nhiều. Cũng theo ông Đoàn Nam, trong năm 2011, Sở VHTT và DL đã tiến hành tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, từng bước lập danh sách các di sản theo vùng, miền, tìm hiểu thực trạng và sẽ đưa ra những định hướng, giải pháp cho công tác bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa phi vật thể có tính lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.


Bao nhiêu năm nay, ông Phan Văn Lạng (73 tuổi) - một nghệ nhân hát tuồng cổ của CLB tuồng cổ làng Kẻ Gám xóm 5, xã Xuân Thành - huyện Yên Thành vẫn đau đáu về sự tồn vong của tuồng, loại hình nghệ thuật đã gắn bó với mảnh đất Xuân Thành hàng bao đời nay.

Thế nhưng, các nghệ nhân như ông dần vắng bóng, lớp trẻ thì không dám đeo đuổi. Hơn thế, nghệ nhân hát tuồng vẫn chưa có nguồn hỗ trợ nào. Nghệ thuật tuồng rất khó bảo tồn, phát triển khi mỗi năm chỉ được diễn vài ba trích đoạn ở các lễ hội, vào dịp đầu Xuân năm mới. Để thắp sáng niềm đam mê tuồng cổ, chính ông Lạng là người may trang phục cho CLB tuồng của xóm mình bằng chính kinh phí do ông tự bỏ ra. Những nghệ nhân tâm huyết như ông, liệu còn bao nhiêu người?


Thực hiện NQ TƯ 5 khoá 8 về giữ gìn phát huy bản sắc VH dân tộc, thời gian qua, Yên Thành đã khôi phục một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Lễ hội đền Canh (Đức Thành), Lễ hội đền Chùa Gám (Xuân Thành), Lễ hội đền Cả (Hoa Thành)... được tổ chức theo hình thức XHH. Điều quan trọng là qua các lễ hội này, các CLB vốn cổ có dịp giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân trong vùng. Về Yên Thành vào dịp đầu Xuân năm mới cũng là dịp nở rộ mùa trẩy hội, không khí đầu làng cuối xóm luôn rộn ràng, nhộn nhịp. Điều đáng mừng là việc thành lập các CLB vốn cổ rất được sự đồng tình của nhân dân, các đoàn thể địa phương. Nhưng điều đáng lo là hầu hết các CLB chỉ thu hút được các cụ và xã vẫn mới chỉ dừng lại ở động viên chứ chưa có một chính sách nào dành cho các CLB.


Nghệ sỹ ưu tú Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết:Hiện nay, tỉnh ta đang hết sức quan tâm, đưa dân ca xứ Nghệ về với đời sống nhân dân, chuẩn bị để đến năm 2015 được UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Để đưa dân ca về với nhân dân, trả dân ca về với không gian diễn xướng, không gian gốc, một trong những mục tiêu của trung tâm đó là tiến hành xây dựng, thành lập các CLB dân ca. Có thể nói đây đang là hướng đi có tính tích cực nhất để có thể hoàn chỉnh đề án một cách nhanh nhất, đúng đắn nhất, hiệu quả nhất. Hiện nay toàn tỉnh đã có trên 70 CLB được thành lập. Số CLB này tập trung ở 15 huyện, thành, thị chạy dọc sông Lam (trừ các huyện miền núi cao: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong). Các tổ chức này thành lập theo sự tự nguyện của các thành viên, có đóng góp quỹ hàng năm, có quy chế hoạt động.

Tuy nhiên, do nguồn lực về kinh tế yếu, trong quá trình hoạt động, giao lưu, họ có thu được một khoản kinh phí nhưng rất ít. Một vài CLB có kêu gọi được sự đầu tư ủng hộ của các nhà tài trợ như CLB xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc), nhưng cũng chỉ là thi thoảng với một lượng nhỏ. Bởi vậy, hầu như tất cả các CLB duy trì được chỉ nhờ vào lòng say mê, sự nhiệt tình của các thành viên. Do thiếu kinh phí nên trang phục, nhạc cụ của các CLB đều đang rất nghèo nàn, không đồng bộ. Họ có thể tận dụng bất cứ thứ nhạc cụ gì mà gia đình có. Bởi vậy, đa phần chương trình của các CLB dường như mới chuyển tải được tình yêu đằm thắm của họ với vốn dân ca truyền thống của quê hương, chứ chưa thực sự là những chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt.


Cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An được đặt ra còn muộn, chưa được như mong muốn. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn mang tính phiến diện, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống. Các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống như: truyện cổ tích, thần tích, thần phả, sắc phong, ca dao, tục ngữ, văn học dân gian... đã được nghiên cứu, sưu tầm, tuy nhiên, chưa được tổng hợp, biên tập một cách khoa học và có hệ thống; trang phục, tiếng nói chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một... Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan khi mà các nghệ nhân đang còn đủ minh mẫn, nhiệt huyết để truyền dạy cho lớp trẻ.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể "Khó !"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO