Bảo tồn và phục tráng giống cam Xã Đoài

11/09/2013 14:40

Nhắc tới xã Nghi Diên (Nghi Lộc) không thể không nhắc tới cam Xã Đoài - giống cam đặc biệt thơm, ngọt, từ lâu đã trở thành đặc sản cây ăn quả xứ Nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, người biết và mua được cam Xã Đoài ngày một ít dần. Không ít người còn lầm tưởng cam Vinh hiện nay chính là cam Xã Đoài...

(Baonghean) - Nhắc tới xã Nghi Diên (Nghi Lộc) không thể không nhắc tới cam Xã Đoài - giống cam đặc biệt thơm, ngọt, từ lâu đã trở thành đặc sản cây ăn quả xứ Nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, người biết và mua được cam Xã Đoài ngày một ít dần. Không ít người còn lầm tưởng cam Vinh hiện nay chính là cam Xã Đoài...

Nức tiếng một thời...

"Cam Xã Đoài mọng nước.
Giọt vàng như mật o­ng.
Bổ cam ngoài cửa trước.
Hương bay vào nhà trong...".

Những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật cứ vấn vương trong tâm trí tôi trên quãng đường từ TP Vinh đến vùng đất Xã Đoài - Nghi Diên. Và tôi cứ chắc mẩm rằng sẽ được lạc chân vào những vườn cam, thoả thích ngắm nhìn trái chín vàng ươm, nặng trĩu cành... Thế nhưng, đến nơi chỉ thấy những vườn cam chỉ còn toàn lá xanh, thân phớt trắng.

Đó đây cũng còn ít quả nhà vườn giữ lại để bày mâm ngày Tết khẽ đung đưa như thể trêu ngươi kẻ chậm chân. "Tất cả những gốc cam ở vùng đất Xã Đoài này đều đã được các thương lái chọn lựa ngay từ khi hoa mới đậu quả ... Tết năm vừa rồi giá bán cam đạt mức cao kỷ lục, có nhà vườn “hét” giá tới 65.000 đồng/quả nhưng vẫn "cháy" hàng" - ông Phan Công Hưởng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên và là Chủ tịch Hội những người khôi phục giống cam Xã Đoài cho biết.

Đã có nhiều lần được cho, tặng cam Xã Đoài, vậy mà chiều ấy tôi mới biết rằng mình lần đầu tiên được thưởng thức cam Xã Đoài đích thực. Trái cam nặng chừng 150- 200 gam, vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương (tinh dầu) thơm dịu, ruột cam vàng óng, vị ngọt, thanh... Thảo nào, đôi khi ngồi chuyện gẫu về các quả đặc sản xứ Nghệ, bạn bè tôi có người nói cam Xã Đoài ăn cũng tạm được, nhưng vẫn thua nhiều giống cam khác. Cam tuy thơm nhưng nhiều hạt, múi nát và vị vẫn hơi chua. Ông Phan Công Hưởng cười buồn: "Thì đấy, ngay ở đất Nghi Lộc và cả Thành phố Vinh, vào dịp cận Tết Nguyên đán là có những chiếc xe tải nhỏ chất đầy cam, người bán luôn miệng quảng cáo là cam Xã Đoài chính gốc chỉ với giá bán 40.000- 50.000 đồng/kg. Cũng có nhiều người dừng chân hỏi mua, nhưng thực ra đó là cam ở các địa phương khác chuyển tới. Thành ra cam Xã Đoài mang tiếng là... ngon chỉ vì đồn thổi, chứ không phải ngon thật. Sự thực, trong sử sách có ghi giống cam này đã từng được mang tiến Vua kia đấy"...



Cây cam Xã Đoài đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng để đưa vào sử dụng chồi ghép nhân giống sản xuất đại trà.

Theo cuốn biên niên sử xã Nghi Diên, khoảng 150 năm trước, nhờ một linh mục người Pháp khi sang vùng đất này truyền đạo đã mang theo một giống cam để trồng tại vùng đất tòa giám mục (nay thuộc địa bàn xóm 8, 9). Thật bất ngờ, loại cam này phù hợp với thổ nhưỡng ở đây và nhanh chóng nổi tiếng với mùi thơm và vị ngọt khó thấy ở giống cam khác. Tương truyền từ thời triều đình Huế có tổ chức cuộc thi hoa quả trên cả nước, ở địa phương có ông Châu đưa cam Xã Đoài đi thi và đạt giải Nhất. Nhờ có giống cam quý này tiến vua mà ông Châu được đặc cách phong hàm "Cửu phẩm". Dân trong vùng từ đó quen gọi ông là ông Cam Châu...

Cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp và được ví như một loại xoài đặc sản của nước bạn Lào: "Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc". Vào thời điểm năm 1980, Nghi Diên có hơn 60 ha cam, trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế lớn từng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Theo ông Nguyễn Duy Hảo ở xóm 9- là một trong những hộ còn nhiều gốc cam nhất xã Nghi Diên (gần 100 gốc), thì thường vào dịp gần Tết Nguyên đán, có nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh tìm về xã Nghi Diên để xem và mua cam dùng để thờ cúng hoặc để làm quà biếu bạn bè, người thân và yêu cầu chủ nhà phải cắt từng quả cam đang còn nằm trên cành chứ không mua quả đã thu hái để tránh bị nhầm. Có tiểu thương đặt hàng từ khi quả đang non và mua nguyên cả cây...

"Điều quan trọng tạo nên hương vị riêng của cam Xã Đoài đơn giản chỉ là do đặc trưng của thổ nhưỡng; nhờ thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này tầng đất thịt nặng hiếm hoi, lại được kênh nhà Lê bồi lắng phù sa hàng năm nên đã tạo sinh lực cho cây. Bởi thế, nếu đem giống này đi trồng ở đất khác thì hương vị đặc trưng sẽ không còn. Bên cạnh đó, cam Xã Đoài mỗi năm chỉ có một mùa nên có thể tất cả "tinh tuý" của cây đều dồn vào quả, do đó quả nào quả nấy đều to, căng mọng. Đặc biệt hơn, nếu như ở các vùng cam khác cây càng già, càng cỗi, quả càng chua thì cam Xã Đoài những quả thơm ngon nhất đều nằm ở trên những thân cây có tuổi đời cao, từ 10 năm tuổi trở lên" - ông Nguyễn Duy Hảo cho biết thêm...

Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập Xuân và bắt đầu chín vào tháng 11 ÂL hàng năm. Nếu nhìn cây, giống cam Xã Đoài so với giống cam ở các địa phương khác chẳng có gì khác nhau, nhưng quả cam Xã Đoài thì có hai loại, đó là giống nhót và giống bầu. Giống nhót quả cao thành, phần đầu hơi nhô lên và cuống nhỏ, giống bầu quả hơi dẹt và phần đầu lõm xuống. Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, bề ngoài có lớp the mỏng, nếu bị xây xát sẽ toả mùi thơm...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân như sâu bệnh phát sinh gây hại nặng, người dân ít đầu tư thâm canh, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, các cơ quan chuyên môn cũng chưa xây dựng được các phương án bảo tồn nên cam Xã Đoài đang dần bị mai một và đứng trước nguy cơ mất giống. Từ hơn 60 ha cam ở thời điểm năm 1980, nay toàn xã Nghi Diên chỉ còn khoảng 6- 7 ha, trồng rải rác chủ yếu ở xóm 1, 8, 9; nguyên nhân là vì đất vườn đang dần bị thu hẹp do các gia đình cắt đất tách hộ cho con cái.

Mặt khác, do trồng trong khu dân cư nên không quy hoạch được hệ thống tưới tiêu, mà đặc tính của cây cam Xã Đoài là rất cần nước, nhưng đòi hỏi đất phải khô ráo. Nếu bị ngâm nước lâu cây sẽ chết, những cây sống được thì quả cũng bị rụng nhiều. Cộng với cam đang bị bệnh vàng lá gân xanh và nhện đỏ, người dân ít đầu tư thâm canh dẫn đến cây còi cọc, ngày càng thoái hóa, năng suất không cao.

Là một trong những hộ đang sở hữu vườn cam đẹp nhất xã, anh Nguyễn Văn Phúc ở xóm 8- xã Nghi Diên phấn khởi cho hay: Vào thời điểm sát Tết vừa rồi, một quả cam Xã Đoài bán tới 60.000 đồng nhưng chẳng nhà nào có nhiều để bán. Như vườn cam của gia đình tôi có 30 cây nhưng chỉ 10 cây đang giai đoạn "sung sức ", đạt khoảng 100 quả/cây, các cây còn lại chỉ được 40- 50 quả... Nghi Diên có 13/13 xóm trồng cam, nhưng chỉ cam trồng tại đất Xã Đoài (thuộc xóm 8 và xóm 9) là quả cứng, hương vị thơm ngọt nên giá bán thường cao hơn 10.000 đồng/quả so với cam trồng trên đất các xóm khác. Việc chăm bón, phòng sâu bệnh để cam cho quả ngọt là một quá trình hết sức khắt khe. Nhiều người không biết kỹ thuật chăm sóc, cây cho năng suất kém nên nản chí bỏ cuộc. Một cây "khỏe" có thể cho 100- 120 quả, với giá trung bình 50.000 đồng/quả như trong dịp Tết vừa rồi thì hiện tại địa phương không cây trồng nào kinh tế bằng".

Cần khôi phục và phát triển

Trong chuyến đi thực tế tìm hiểu về giống cam đặc sản này, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại của anh Nguyễn Quốc Tuấn- là người con của xã Nghi Diên đang sinh sống tại Hà Nội đã mạnh dạn lập dự án xây dựng và phát triển vùng cam Xã Đoài tại xứ đồng Đông Thường và Bà Miêu trên diện tích 12 ha; trong đó có 7,5 ha cam hàng hóa. Với mục đích nhân giống, mở rộng và tiến tới xây dựng lại thành vùng sản xuất cam Xã Đoài hàng hoá. Sau 5 năm chăm bón, trang trại cam của anh Tuấn đã có 2.500 cây sinh trưởng tốt. Vụ mùa năm 2013 đã có 300 cây cho quả bói, bình quân mỗi cây cho 50 quả.

Là người có tâm huyết gắn bó với cây cam, và cũng là người nhận đảm nhận phụ trách phần kỹ thuật trồng cam cho trang trại, ông Phan Công Hưởng chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi trồng cam phải bổ sung một lớp đất bồi trên bề mặt, vì đất bồi vừa xốp nhưng không bị nứt nẻ khi gặp phải thời tiết nắng nóng, đất giữ độ ẩm tốt nên cây không bị cắt rễ. Bên cạnh đó, công tác phòng trừ sâu bệnh rất quan trọng, người trồng phải thường xuyên theo dõi, phát hiện thời điểm nào thường hay xuất hiện sâu để có biện pháp phòng trừ.

Khâu chăm bón cũng không kém phần quan trọng, nếu bón sớm thì cây khó đậu quả, còn bón muộn quả hay bị nứt nẻ. Giai đoạn bón phân thích hợp nhất là từ trung tuần tháng 3 cho đến đầu tháng 4 âm lịch, vì lúc này cây đã đậu quả ổn định. Và quy trình khâu trồng cho đến chăm sóc đòi hỏi rất khắt khe; bón phân phải bón phân hữu cơ, tỉa cành đòi hỏi phải công phu, tỷ mỷ, nhất là công tác phòng trừ sâu bệnh phải dùng phương pháp sinh học. Tuyệt đối không được dùng các chất kích thích sinh trưởng để phun cho cam.



Trang trại cam của anh Nguyễn Quốc Tuấn ở xóm 8- xã Nghi Diên (Nghi Lộc).

Nói về giống cam Xã Đoài, ông Phạm Văn Chương - Giám đốc Viện KHKT- NN Bắc Trung Bộ cho biết: Cam Xã Đoài hiện đã được trồng ở nhiều vùng đất khác nhau nhưng về chất lượng và hương vị thì không đâu bằng ở vùng nguyên sản đất Nghi Diên; giá bán cam ở đây luôn cao hơn cam ở các vùng khác gấp 4- 5 lần. Nhưng hiện nay nhiều vườn trồng nguồn gen cây đã có hiện tượng thoái hoá, năng suất giảm sút. Mặt khác, trong quá trình chăm sóc người nông dân chưa áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, không chú trọng đến việc cắt tỉa, tạo tán, do đó tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển gây hại nặng như bệnh chảy gôm, sâu đục gốc, đặc biệt là bệnh vàng lá (greening)…

Trên cơ sở phục tráng và nhân giống theo quy trình tạo và chọn giống hiện đại, Viện đã thực hiện đề tài: "Nghiên cứu phục hồi và phát triển cam Xã Đoài ở vùng nguyên sản". Bằng các biện pháp nhân nhánh ở vùng bản địa, xây dựng quy trình thâm canh tại vùng nguyên sản; tiến hành bình tuyển tại các vườn của nông hộ còn lưu giữ được gốc có thâm niên cao… Sau 3 năm nghiên cứu, từ 82 cây chọn ban đầu, Viện đã tuyển chọn ra 5 cây đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng, được Hội đồng Khoa học tỉnh Nghệ An đánh giá và công nhận. Những cây đầu dòng đều sinh trưởng và cho quả chất lượng tốt, ít sâu bệnh, được đưa vào sử dụng chồi ghép để nhân giống cây so phục vụ nhu cầu sản xuất ở địa phương và một số vùng trồng cam khác trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Viện đã xác định và lưu giữ được 100 cây so; xây dựng được mô hình sản xuất giống cam Xã Đoài sạch bệnh trên diện tích 2 ha tại vùng nguyên sản và ghép được trên 40.000 cây con cung cấp cho khoảng trên 80 ha sản xuất đại trà.

Cũng theo ông Phan Công Hưởng, để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ở Nghi Diên thì cây cam cao gấp nhiều lần so với những cây trồng khác. Nếu đầu tư chăm bón tốt, 1 ha cam 500 gốc, 1 gốc có thể cho thu hoạch 100 quả, chỉ cần tính với giá 30.000 đồng/quả thì đã có nguồn thu ít nhất 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hiện diện tích có thể mở rộng để trồng cam Xã Đoài vẫn còn trên dưới 300 ha… Từ năm 2011, xã đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài và đưa cây cam ra đồng thay cây lúa, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 50 ha cam. Theo quy hoạch nông thôn mới, xã có chủ trương chuyển đổi 100 ha diện tích đất 2 lúa tại đồng Chăm thành vùng sản xuất cây cam hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, để dự án này khả thi, huyện, tỉnh cần có cơ chế quy hoạch vùng, đầu tư đường, cơ sở hạ tầng kênh mương và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể cho các hộ trồng, bởi để đầu tư 1 ha cam, riêng tiền cây giống cũng đã rất lớn, chưa kể các chi phí khác.

Trong khi giống cam Xã Đoài đang ngày một thoái hóa, sâu bệnh, nguồn giống gốc khan hiếm nên việc khôi phục, phát triển loại cam này trên đất Nghi Diên đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do giá cam Xã Đoài cao, lợi nhuận thu được từ nghề trồng cam lớn và có rất nhiều hộ trên địa bàn xã muốn tham gia trồng theo quy mô hàng hóa nhưng không dám mạo hiểm, nguy cơ mất dần giống cam này đang thấy rõ. Với những mong muốn của người dân và quyết tâm của các cấp, các ngành, hy vọng trong tương lai không xa, những vườn cam Xã Đoài sẽ lại xanh tươi trên đất Nghi Diên. Để đến một ngày không xa, cam xã Đoài (coschir chỉ dẫn địa lý được bảo hộ) sẽ nằm bên các loại quả đặc sản ở các siêu thị trong nước và nước ngoài. Người dân Nghi Diên nói riêng, Nghi Lộc nói chung sẽ giàu lên nhờ giống cam quý quê mình.


Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất

x
Bảo tồn và phục tráng giống cam Xã Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO