Bảo vệ rừng cộng đồng - Mô hình ở Vĩnh Thành
(Baonghean) - Về Vĩnh Thành (Yên Thành) những ngày cuối Thu, trên dọc những triền đồi bát ngát một màu xanh của rừng thông, rừng...
(Baonghean) - Về Vĩnh Thành (Yên Thành) những ngày cuối Thu, trên dọc những triền đồi bát ngát một màu xanh của rừng thông, rừng keo lai. Bà Nguyễn Thị Lân - Trưởng xóm Cao Sơn, cho biết: Thôn Cao Sơn được giao nhiệm vụ bảo vệ trên 47 ha rừng theo Dự án “Bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng” do các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Ngay trong năm 2007 triển khai dự án, xóm đã xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng do cộng đồng tham gia xây dựng và biểu quyết nhất trí trong các cuộc họp. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con trong xóm thực hiện đầy đủ các quy định bảo vệ, phát triển rừng. Thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng dưới sự chỉ đạo của Ban quản lý rừng cộng đồng. Các tổ thường xuyên thay nhau tuần tra, quản lý bảo vệ diện tích rừng được phân công. Bà con nghiêm túc thực hiện những việc theo quy ước: Không khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, không săn bắn, đặt bẫy thú rừng, không dùng lửa tuỳ tiện trong rừng để đốt ong lấy mật, đốt cây lấy than. Và khuyến khích những việc nên làm như, trồng các loại cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Khuyến khích các thành viên trong cộng đồng phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy ước.
Rừng ở xã Vĩnh Thành
Bên cạnh đó, người bảo vệ rừng được chia sẻ lợi ích cộng đồng như: Được thôn xác nhận đơn xin khai thác gỗ làm nhà, gỗ gia dụng theo kế hoạch quy định của cộng đồng. Chia sẻ lợi ích chung của cộng đồng như trong tổng lợi ích của cộng đồng thu từ rừng (chủ yếu khai thác nhựa thông) được phân bổ tỷ lệ sau. Trích nạp ngân sách xã 3%, trích ban quản lý thôn 10%, tổ quản lý bảo vệ rừng 25%, quỹ bảo vệ phát triển rừng, phòng chữa, cháy rừng cấp thôn 20%, chia đều cho các thành viên trong thôn 42%.
Xóm tổ chức cuộc họp cộng đồng định kỳ 1 tháng/lần để tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, quản lý và sử dụng quỹ của cộng đồng, xét khen thưởng và kiểm điểm các vi phạm quy ước, điều chỉnh bổ sung quy ước. Bà Lân tâm sự thêm: Trước đây, Cao Sơn thường xảy ra tình trạng chặt phá rừng, đốt than… tuy nhiên, từ khi thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng thì ý thức bảo vệ rừng của người dân tăng lên rất cao. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, theo định kỳ mọi người dân đều tham gia xử lý thực bì để PCCR, khi xảy ra cháy rừng thì tất cả người dân đều tham gia tích cực chữa cháy. Đặc biệt Cao Sơn còn trồng mới được hàng chục ha rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Như hộ ông Trần Hữu Khầm trồng được trên 6 ha rừng keo lai, tràm đã cho thu hoạch, dự tính gần 400 triệu đồng.
Ông Thái Huy Hoàng-Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết thêm: Vĩnh Thành có trên 172 ha rừng, trong đó 47 ha được bảo vệ theo Dự án phát triển rừng cộng đồng từ năm 2007-2008. Tuy dự án đã hết nhưng Vĩnh Thành vẫn duy trình “tinh thần” giữ rừng cộng đồng trên toàn bộ diện tích rừng của toàn xã. Cụ thể như xóm Cao Sơn vẫn duy trì các tổ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, nguồn kinh phí chi trả được trích ra từ khai thác bán nhựa thông. Xã luôn củng cố các tổ đội PCCR với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ với nhiều người dân tham gia ở các xóm. Nhờ vậy, khi xảy ra cháy rừng Vĩnh Thành đều xử lý kịp thời không để gây hậu quả lớn. Xã giao rừng cho từng cá nhân, nhóm hộ tham gia khoanh nuôi, bảo vệ để thực sự rừng là của dân.
Văn Trường