Bảo vệ sức khỏe ngư dân chưa được quan tâm
Nghệ An hiện có gần 4.200 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có hơn 1000 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên. Tổng số lao động, ngư dân làm việc trên biển từ 21.000 đến 23.000 người. Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng mà ngành khai thác thủy sản mang lại thì cũng tồn tại một thực tế là việc ngư dân, người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đối phó với các rủi ro trong quá trình lao động sản xuất.
(Baonghean) - Nghệ An hiện có gần 4.200 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có hơn 1000 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên. Tổng số lao động, ngư dân làm việc trên biển từ 21.000 đến 23.000 người. Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng mà ngành khai thác thủy sản mang lại thì cũng tồn tại một thực tế là việc ngư dân, người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đối phó với các rủi ro trong quá trình lao động sản xuất.
Năm nay 25 tuổi, nhưng Ngô Tiến Đạt (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) đã đi biển được 10 năm. Trước đây, Đạt “đi vẹt”, nghĩa là làm chân phục vụ, nấu nướng trên tàu, còn nay đã “đi bạn ngang” như những ngư dân khác. Đạt đã rất cởi mở khi nói rằng: “Em nghỉ học sớm nên không biết chi về sơ cứu hay kỹ năng bảo vệ sức khỏe trong quá trình đánh bắt trên biển. Em học hỏi từ các anh, các chú…”. Điều Ngô Tiến Đạt nói cũng chính là những gì đã và đang diễn ra đối với nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển.
Ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đánh bắt cá xa bờ ở Vịnh Bắc Bộ.
Đối với nghề biển, rủi ro không chỉ đến từ gió bão, tố lốc mà còn do chính những người lao động tạo ra. Người đi biển hẳn đã tự hào vì có thể làm chủ những chiếc tàu đánh bắt xa bờ với công suất 500 – 600CV. Nhưng bất cứ ai cũng sẽ có cảm giác ái ngại nếu nhìn những chiếc tàu câu, tàu sào với trăm thứ kèo, cột, chằng buộc chênh vênh trên biển.
Trong quá trình đánh bắt, việc xảy ra các tai nạn thương tích là khó tránh khỏi nhưng lại thiếu các phương tiện, công cụ y tế cần thiết để xử lý. Tuy vậy, thông thường các chủ phương tiện và người lao động ít khi công khai những vấn đề xảy đến với mình.
Ông Hồ Khắc Huynh – Trưởng Ban Nông nghiệp phụ trách nghề cá thuộc xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu cho biết, thông thường khi người lao động trên biển gặp nạn thì được gửi tàu bạn đưa về đất liền. Đây dường như là phương án duy nhất của các thuyền trưởng, chủ tàu. Nguyên do, một chuyến ra khơi chủ tàu đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng, nếu chưa đánh được cá mà vào bờ thì coi như mất trắng. Năm 2012, ở Quỳnh Nghĩa có một trường hợp người lao động bị hỏng mắt khi khai thác trên biển. Gia đình người này đã tốn hàng trăm triệu đồng để chạy chữa nhưng đành bó tay.
Thực tế cho thấy, lâu nay ngư dân, người lao động trên biển chưa được trang bị các kiến thức cần thiết về bảo vệ sức khỏe và ứng phó với các tai nạn thương tích nếu gặp phải. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu nói rằng, huyện đã phối hợp với một số đơn vị chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên môn, cấp chứng chỉ cho các thuyền trưởng, máy trưởng, nhưng các vấn đề liên quan đến kỹ năng ứng phó với tai nạn thương tích trong môi trường đặc thù chỉ là nội dung lồng ghép, từ trước đến nay chưa có một khóa tập huấn nào dành riêng cho lĩnh vực này. Huyện Quỳnh Lưu cũng là địa phương có số phương tiện tàu thuyền nhiều nhất Nghệ An với 2250 chiếc, trong đó 874 tàu có công suất 90CV trở lên, chiếm 80% toàn tỉnh.
Thời điểm hiện tại Quỳnh Lưu có từ 8.000 đến 12.000 lao động đang tham gia khai thác, đánh bắt trên biển. Số lao động có thể còn cao hơn, do phần lớn các xã không thống kê đối với các tàu công suất nhỏ.
Qua thực tế cho thấy, do không có người được đào tạo về y tế nên mỗi ngư dân đi biển thường tự chuẩn bị cho mình một số loại thuốc thông dụng như đau đầu, đau bụng. Bản thân họ tự “làm bác sĩ” cho riêng mình khi chẳng may gặp sự cố.
Đối với các loại phương tiện trên 90 CV mỗi chuyến đánh bắt xa bờ thường kéo dài 5 – 7 ngày, hoạt động khai thác chủ yếu diễn ra ban đêm, trong thời gian đó ngư dân hoàn toàn phó mặc cho vận may. Điều ngư dân lo ngại nhất không chỉ là tai nạn gãy chân, gãy tay, mà thực sự lo sợ bệnh viêm ruột thừa. Anh Nguyễn Văn Trung ở xã Nghi Hải (Nghi Lộc) nói rằng, nếu chẳng may bị viêm ruột thừa thì vô cùng nguy hiểm, vì không mấy ai hiểu về triệu chứng cũng như cách đối phó với căn bệnh này.
Với một ngành nghề mũi nhọn và đem lại giá trị kinh tế cao như khai thác, đánh bắt thủy sản, tại sao chúng ta chưa dành được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý Nhà nước ? “Vấn đề là thiếu kinh phí” – ông Trần Hữu Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã khẳng định như vậy.
Năm 2011, cùng với nhiều địa phương, Nghệ An được lựa chọn tham gia Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản của Chính phủ Đan Mạch (gọi tắt là FSPS). Chương trình FSPS hướng tới mục tiêu: Nâng cao kiến thức cơ bản cho ngư dân về y tế, các bệnh lây nhiễm thường gặp khi đi biển; xác định một số bệnh thường mắc phải; cách phát hiện dấu hiệu, triệu chứng bệnh, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa, một số hướng dẫn sơ cứu, chữa trị khi mắc bệnh...
Mặc dù vậy, Chương trình FSPS mới chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, không nhiều, hay nói đúng hơn là có rất ít ngư dân biết đến chương trình này. Trong khi chờ đợi những chính sách cụ thể của các ban, ngành hữu quan thì người lao động trên biển vẫn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân.
Tuấn Đạt