Bấp bênh con chữ

24/03/2014 23:18

(Baonghean) - Năm, sáu túp lều nhỏ bé dựng tạm bên mép hồ, đó là nhà ở của những học sinh không thuộc diện nội trú của Trường Tiểu học và THCS Dân tộc bán trú Hữu Khuông (Tương Dương). Các em là con của những gia đình từ vùng tái định cư Thanh Chương quay về quê cũ làm ăn, sinh sống...

Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ mênh mông nước. Hai bên núi rừng xanh thẳm. Giữa lòng hồ, thỉnh thoảng nhô lên những thân cây trơ trụi khẳng khiu, vết tích còn sót lại của những làng bản dưới chân núi trước ngày dòng Nậm Nơn được kiến tạo thành hồ thủy điện. Con thuyền máy tiến sâu vào lòng hồ Bản Vẽ, bắt đầu thấy rải rác dăm ba ngôi nhà nổi dựng tạm bợ dựa vào nhau ven bờ... Ấy là nơi ở của những hộ dân từ nơi tái định cư Thanh Chương quay lại làm ăn.

Nơi ở của các em ở cạnh mép hồ.
Nơi ở của các em ở cạnh mép hồ.

Cách đây đúng 10 năm, dự án xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ nằm trên thượng nguồn dòng Nậm Nơn, thuộc địa bàn 4 xã: Yên Na, Hữu Khuông, Mai Sơn và Nhuôn Mai (huyện Tương Dương), được Chính phủ tập trung đầu tư, xây dựng.

Để phục vụ xây dựng công trình này, công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đặc biệt là công tác di dân ra khỏi lòng hồ là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương huyện Tương Dương, cũng như tỉnh nhà.

Cuộc di dân hoàn tất, những tưởng bà con dân bản sẽ sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Thế nhưng, dân bản quen với cuộc sống tự do, bắt cá dưới sông, trỉa hạt trên nương rẫy, lấy rau, lấy măng trong rừng, khi về dưới xuôi, không bắt nhịp được với môi trường mới. Họ không “quen” cải tạo đất, ứng dụng kỹ thuật. Và lúc những đồng tiền, hạt gạo trợ giúp cuối cùng đã hết, không biết làm gì để kiếm tiền, đói ăn bà con lại quay về bản cũ, dựng nhà trên lòng hồ hoặc những khoảnh đất rừng ven hồ để mưu sinh...

Có những đứa trẻ được gửi lại dưới xuôi đi học, có ông bà trông. Nhưng cũng có nhiều em phải theo cha mẹ dắt díu quay lại lòng hồ, theo cha mẹ trong cuộc mưu sinh bấp bênh, bữa đói, bữa no cùng nỗi lo thất học. Thương con, bố mẹ xin cho các em về trường cũ. Để thuận tiện cho việc học của các em, trong hoàn cảnh không có đường giao thông, bố mẹ đã dựng những cái lán tạm ngay cạnh khu nội trú của Trường THCS Hữu Khuông. Các em ở lại đi học, còn bố mẹ mải miết với cuộc mưu sinh. Vài ba cái nồi, bát, đũa và một cái rương nhỏ để dựng sách vở, quần áo. Nhìn những túp lều bé nhỏ cùng với chừng ấy “tài sản”, ai cũng chạnh lòng. Em Lương Thị Thao hiện học lớp 9 Trường THCS Hữu Khuông cho biết: “Nhà em ở bản Mà, trước kia, cả nhà cũng về Ngọc Lâm (Thanh Chương). Em học lớp 3, Trường Tiểu học Hưng Tiến. Nhưng đến năm lớp 4 phải theo bố mẹ về đây. Về bản cũ, em cũng thích, nhưng em muốn học ở Thanh Chương hơn, điều kiện học tập thuận lợi hơn nhiều, trên ni cực lắm!”.

Những đứa trẻ đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đã sớm phải di dân cùng gia đình, trở nên chững chạc, biết tự lập, lo toan trong sinh hoạt hằng ngày. Hai chị em Lô Thị Thắm (5A) và Lô Thị Mỹ Nương (3A) sớm phải tự chăm sóc nhau để bố mẹ đi kiếm sống. Mỗi buổi đi học về, hai chị em lại phân công nhau đi nấu cơm, giặt quần áo. Các em cho biết, bố mẹ dựng nhà ở ven hồ, nhưng xa lắm, nên thỉnh thoảng bố mẹ mới đi thuyền đến đón về nhà, còn chủ yếu là các em ở lại đây đi học. Em Lô Thị Mỹ Nương kể: “Hơn 3 tuần, bố mẹ mới đến đây một lần, đưa thức ăn và đưa tiền cho bọn em” - Thế bố mẹ cho bao nhiêu tền? – “50 nghìn ạ”!

Với chừng ấy tiền, các em tự bảo ban lo cơm nước sinh hoạt và học hành. Buổi nào không phải lên lớp, hai chị em rủ nhau lên rừng hái thêm măng, rau về làm thức ăn. Những bữa ăn chỉ có xôi chấm muối đã thành quen. Đêm đến, nghe tiếng trống, lại cùng ùa ra cùng các bạn đi học, sau đó trở về căn chòi.

Bên cạnh những túp lều tạm bợ, là khu nhà ở nội trú của các bạn. Khu nhà ở mới được tài trợ xây dựng khá kiên cố. Sau mỗi buổi đi học về, trong khi các bạn được nấu cơm và tập trung ăn ở ngoài sân, dù bữa cơm cũng còn thiếu thốn, nghèo nàn, đã khiến cho những đứa trẻ ấy không khỏi tủi phận. Nguyên nhân của sự “thiệt thòi” đó, là do việc bố mẹ các em về lòng hồ trái phép, hộ khẩu của các em không nằm ở Hữu Khuông mà ở khu tái định cư, nên các em không được hưởng các chế độ như bạn bè.

Các em tự giặt quần áo mỗi khi đi học về.
Các em tự giặt quần áo mỗi khi đi học về.

Thầy Lê Đăng Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hữu Khuông cho biết: “Nghĩ cũng thương các em. Nhưng chúng tôi không thể nào làm khác. Chế độ của nhà trường chỉ dành cho học sinh nội trú. Chúng tôi cũng đã hết sức tạo điều kiện, để các em được đi học như các bạn khác...”.

Ông Nguyễn Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) cho biết, sau khi bà con trong lòng hồ di dời ra vùng tái định cư, số diện tích rừng núi còn lại của các xã Hữu Dương, Kim Đa, Kim Tiến đều được bàn giao cho xã Hữu Khuông quản lý. Vài năm gần đây, bà con ở khu tái định cư Thanh Chương kéo nhau về lại lòng hồ sinh sống là xâm canh trái phép. Con em của những hộ này cũng theo bố mẹ quay về, chúng tôi không thể giải quyết chế độ ưu tiên, hỗ trợ cho các em, vì hộ khẩu các em nằm dưới Thanh Chương...

Bản thân những đứa trẻ không có lỗi gì. Nhưng người lớn, vì nhiều lý do, đã đẩy con em mình vào những thiệt thòi không đáng có?!

Hồ Lài

Bấp bênh con chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO