Bấp bênh làng chài

LTS: Sau những chuyến ngược núi đến với một số bản làng vùng cao khó khăn nhất của tỉnh nhà, bắt đầu từ số này, Báo Nghệ An Cuối tuần xin mời bạn đọc tiếp tục cùng chúng tôi xuống vùng thấp, đến với bà con xóm nghèo nơi cửa biển. Đến để chia sẻ, cảm thông và cũng đến để đợi chờ, hy vọng nữa...

 

(Baonghean) - Những năm trước ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP. Vinh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Những năm gần đây nhiều hộ thoát được nghèo nhờ có con em đi xuất khẩu lao động. Nhưng do đã có phương án di dời thoát khỏi vùng nguy hiểm vì lũ lụt, nên hầu hết nhà cửa của các hộ dân nơi đây chỉ tạm bợ. các cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà văn hóa... nhiều năm qua không được xây dựng. Nước sinh hoạt cũng chỉ sống nhờ vào nước trời...

 

Làng nghèo bên miệng "Hà bá"


Trong chiều đông giá buốt, đến xóm Hòa Lam vừa lúc gặp ông Nguyễn Văn Mão vừa đi đăng đáy về. Tay lẩy bẩy buộc thuyền ông buột miệng thở dài nói với chúng tôi: "Không ăn thua chi các chú ơi, bây giờ kiếm được con cá con tôm khó quá! Nhiều thứ như rác thải, hóa chất... trên thượng nguồn đổ về, từ thành phố tuồn ra sông, bên cạnh đó lại còn một người dùng kích điện bắt cả to lẫn nhỏ nên cá, tôm bây chừ hiếm lắm. Ông cho biết: Dân cả xóm chỉ sống bằng đánh bắt cá nơi giáp cửa bể, bình quân mỗi nhà đặt hai đáy nhưng lại phụ thuộc vào thủy triều lên xuống nên mỗi tháng chỉ làm được khoảng 16 ngày. Thu nhập hộ cao nhất mỗi tháng được từ 2 đến 2,5 triệu đồng, trong lúc đó mua sắm thuyền, ngư cụ: Thuyền, đáy, te, dạ kéo đã mất khoảng 40 triệu đồng. Ruộng vườn không có tất cả chỉ trông vào hai cửa đáy ngoài sông. Mỗi năm cũng chỉ đánh bắt được trong khoảng thời gian từ 30/9 đến mùa lũ tiểu mãn 30/4 năm sau thì người dân nơi đây chỉ biết ở nhà ngồi chơi, hoặc đi làm thuê phụ hồ, vào Tây Nguyên hái cà phê...

Bấp bênh làng chài ảnh 1

           Dân Hòa Lam đều sống bằng nghề chài lưới nhỏ, thu nhập bấp bênh.


Ông Đậu Xuân Thương, xóm trưởng cho biết: Ông sinh năm 1956, lớn lên đã có làng chài này rồi. Nghe ông cha kể, trước đây thường gọi là làng Mốc hay còn gọi là An Lưu. Từ những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, vùng đất nhỏ nằm ở cuối xã Hưng Hòa nơi rộng nhất khoảng 200 m, nơi hẹp nhất khoảng 90 m bà con vạn chài đến cư ngụ ở đây. Đến nay, xóm Hòa Lam có 57 hộ, 195 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề chài lưới nhỏ, thu nhập bấp bênh. Thu nhập đã thấp vậy, nhưng nỗi lo thường trực nhất của bà con khi mùa mưa bão về vẫn là chuyện sạt lở đất, trôi nhà.

Năm 2007, xóm Hòa Lam được UBND TP. Vinh hỗ trợ gần 30 tấn xi măng, xã hỗ trợ vật liệu đá, bà con trong xóm góp cát, ngày công xây được 260 mét kè chạy dọc mép sông của xóm. Do kinh phí quá ít, kè chỉ xây cao một mét lại không có thiết kế khoa học nên năm 2011, nước xói sạt lở gãy mất 1/3 diện tích được kè. Đến năm 2012 vừa qua lại tiếp tục làm sạt thêm khoảng 100 mét nữa. Riêng phần đất chưa được kè tiếp tục bị xói lở mất khoảng 2-3 mét. Cả dãy tre gai, hóp nằm phía mép sông hàng chục năm nay cũng bật gốc, đổ nghiêng xuống mặt nước. Xóm Hòa Lam ngày càng bị thu hẹp dần. Để khắc phục bị sạt lở thêm, mỗi khi thuỷ triều rút mọi người lại rủ nhau ra móc đá đã bị nước cuốn ra bờ sông đắp thêm phần móng bờ kè. Nhưng vừa đắp xong ngày hôm nay thì ngày mai lại bị sóng nước đánh bật ra. Ông Thương kể thêm: Có trận lũ lụt lớn tháng 10/2011, nước tràn vào trong nhà, dâng cao quá đầu người. Vật dụng trong nhà nổi lềnh bềnh rồi trôi theo dòng nước, may là các gia đình đã kịp sơ tán lên trên đê. Hàng năm những đồ dùng trong nhà cho đến thuyền, lưới đều bị hư hỏng, nhà cửa bị tốc mái do mưa bão gây ra, đã nghèo lại nghèo thêm.

Bấp bênh làng chài ảnh 2

        Sạt lở nghiêm trọng đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân.


Nhà bà Đậu Thị Năm, một trong số hơn 50 ngôi nhà của xóm Đà Lam nằm cách bờ kè sông khoảng 5 mét nhìn dòng sông đùng đục nói: Mùa ni thì yên chứ đến mùa mưa to gió lớn thì đêm về cả xóm không ai dám ngủ. Nhà nào nhà nấy đều lo thu dọn đồ đạc phòng nước lên là chạy. Bà Nguyễn Thị Tiến, 67 tuổi, cũng lo lắng không kém nói: "Nhà tui chỉ cách mép nước khoảng 2,5 mét nên sợ lắm. Nếu không có dãy tre chắn mép sông, chắc ít bữa nữa nhà này cũng đổ xuống sông Lam. Hai vợ chồng có năm đứa con đều vào trong miền Nam làm ăn, chỉ còn hai vợ chồng già ở nhà, đêm mưa xuống canh không sao chợp mắt được, cứ ngồi trông, sợ nước lên bị nước cuốn ra biển". Ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Hòa, 70 tuổi ở đầu xóm, sạt lở vào nhà chỉ cách mép nước khoảng 3 mét. Gia đình ông cũng có hoàn cảnh như gia đình bà Tiến, các con đều đi làm. Vợ ông lo lắng nói: "Trời đổ mưa lớn, bờ sông lở ầm ầm, không sao ngủ được, sợ trôi nhà".


Bao giờ mới an cư?


Ông Đậu Xuân Thương dẫn chúng tôi mục sở thị nỗi hiểm nguy đang rình rập những người dân vạn chài nơi đây. Ông Thương kể: Đợt mưa lớn đầu tháng Chín năm ngoái cả tuần, xóm luôn ở trong tư thế sΩn sàng chạy lụt bởi bờ kè dọc sông bảo vệ xóm đã bị nước sông Lam cuốn trôi gần hết. Các đoạn kè còn lại cũng bị lung lay, đổ nghiêng xuống sông đe dọa đến các hộ dân sát mép sông.

Bấp bênh làng chài ảnh 3

Không có hệ thống nước sinh hoạt nên người dân phải hứng nước mưa để dùng.


Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa Lê Văn Thương trao đổi về vấn đề này với chúng tôi: Thấy được sự nguy hiểm đó, xã đã lập kế hoạch cho các hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao, đề nghị cấp trên sớm có phương án di dời dân. UBND xã Hưng Hòa có tờ trình số 50 ngày 11/10/2011, gửi UBND TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai sạt lở của xóm Hòa Lam.

Mục tiêu di dời hơn 50 hộ dân xóm Hòa Lam ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao có tổng kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa thấy có động tĩnh nào. Trong lúc chờ đợi, để đảm bảo tài sản tính mạng cho nhân dân, cứ đến mùa mưa bão, xã thường xuyên theo dõi thông báo cho bà con chủ động phòng tránh, chủ động sơ tán khi cấp bách. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thương cho biết thêm: Qua theo dõi của xã, trung bình, mỗi năm xóm Hòa Lam mất khoảng từ 10-15m đất do sạt lở. Xã mong Nhà nước sớm có biện pháp di dời dân khỏi vùng này hoặc triển khai dự án kè bờ sông để nhân dân yên tâm sinh sống. Tại nhiều cuộc họp cũng như tiếp xúc cử tri, người dân Hòa Lam đã đề đạt nguyện vọng trên nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có một quyết định chính thức được đưa ra. Tình hình sạt lở đất tại xóm Hòa Lam là rất nghiêm trọng.


Nguyện vọng của người dân xóm Hòa Lam là được chuyển đến ở nơi an toàn để an tâm làm ăn. Những năm trước đây hộ nghèo ở xóm Hòa Lam chiếm tỷ lệ khá cao, những năm gần đây nhiều hộ đã thoát nghèo được nhờ có con em đi xuất khẩu lao động. Do đã có phương án di dời, nên hầu hết nhà cửa của các hộ dân nơi đây chỉ tạm bợ, các cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà văn hóa... không được xây dựng. Nước sinh hoạt chỉ nhờ vào nước trời.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết: Việc xin nguồn vốn Trung ương để làm bờ kè cho xóm Hòa Lam, xã Hưng Hoà là rất khó, phải chờ sang năm 2013.

Minh Thư

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.