Bất cập trong đánh giá học sinh tiểu học

Bất cập trong đánh giá học sinh tiểu học

03/06/2015 15:40

(Baonghean) - Kết thúc năm học đầu tiên thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, điều nhận thấy rõ ràng nhất đó là có rất nhiều danh hiệu được khen thưởng cho học sinh, qua đó tạo sự động viên kịp thời, gây hứng thú trong học tập. Tuy vậy, cách ghi giấy khen ở các trường không đồng nhất khiến nhiều phụ huynh và cả giáo viên băn khoăn về việc xét các danh hiệu ở các nhà trường hiện nay.

Kết thúc năm học 2014 - 2015, hầu hết các phụ huynh bậc tiểu học đều băn khoăn với kết quả đánh giá học lực của con em mình. Các em được khen ở các mặt như: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trường khác lại ghi là “Học sinh giỏi tiêu biểu”, “Học sinh xuất sắc tiêu biểu”, “Học sinh vượt khó vươn lên”, “học sinh hăng say với công tác Đội”, “Học khá môn Toán”, “Có năng khiếu ca hát”... khiến các phụ huynh bị rối.

Chị Nguyễn Thị T. có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Hưng Dũng chia sẻ: Hầu như em nào cũng được khen thưởng nhưng không hiểu các hình thức khen đó khác nhau như thế nào. Mặt khác, một số trường còn khống chế tỷ lệ học sinh xuất sắc tiêu biểu, một số trường khác thì không gây mất công bằng trong việc đánh giá học sinh.

Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng Giáo dục Thành phố Vinh thừa nhận: Thực tế ở Thành phố Vinh việc đánh giá cuối năm học ở các trường đang “không trường nào giống trường nào”. Thông tư 30 không quy định khống chế tỷ lệ học sinh tiêu biểu ở các trường học mà chỉ đưa ra các tiêu chí đánh giá. Trên cơ sở đó, các trường tùy vào điều kiện thực tế mà xếp loại cho học sinh. Để đánh giá học sinh, ngoài điểm số của kiểm tra cuối năm, giáo viên còn đánh giá dựa vào quá trình cố gắng, tham gia các phong trào và qua kênh học sinh tự đánh giá với nhau như học tốt, hoạt động xã hội tốt, quan hệ tốt với bạn bè, thầy cô... Vì vậy, để có một định lượng tuyệt đối chính xác trong đánh giá học sinh là rất khó.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).

Sở dĩ có tình trạng này là bởi các phụ huynh chưa hiểu về bản chất của các loại khen thưởng, các danh hiệu mà con em mình nhận được. Tất cả các danh hiệu đều được in trang trọng trên cùng một loại giấy khen khiến phụ huynh bị rối.

Trong khi đó, theo quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An tại Công văn số 573/SGD&ĐT-GDTH, có 5 nhóm khen thưởng gồm: Học sinh có quá trình hình thành và phát triển tốt về phẩm chất, năng lực và kết quả học tập các môn học, có điểm kiểm tra định kỳ các môn học đều đạt từ 9,0 trở lên được xếp danh hiệu “Học sinh tiêu biểu năm học 2014 - 2015”; học sinh có thành tích cao ở một mặt nào đó trong 3 nội dung giáo dục được xếp danh hiệu “Học sinh có thành tích về… năm học 2014 - 2015”; Học sinh có quá trình và kết quả học tập vượt trội ở một hay một số môn học được xếp danh hiệu “Học sinh có thành tích về môn học hay hoạt động giáo dục ….., năm học 2014 - 2015”; Học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng vượt khó học tập được xếp “Học sinh tiêu biểu về tinh thần vượt khó học tập, năm học 2014 - 2015”. Quy định là vậy nhưng việc tuyên truyền cho phụ huynh chưa thấu đáo, trong khi các trường tiểu học trong trên địa bàn không bám sát vào hướng dẫn này để thực hiện mà tự ý ghi thêm vào danh hiệu trên giấy khen… điều này vô hình trung gây nên tình trạng “loạn” khen thưởng.

Trao đổi về việc khen thưởng cho học sinh tiểu học theo Thông tư 30 hiện nay, ông Trần Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo nói rằng: Những năm trước việc đánh giá học sinh chỉ dựa trên kết quả của các bài kiểm tra và do vậy chúng ta rất dễ định lượng để đánh giá một học sinh giỏi, khá, trung bình dựa trên kết quả học tập như cách làm truyền thống. Còn cách đánh giá theo Thông tư 30 cũng giúp giáo viên phát hiện và điều chỉnh kịp thời phương pháp dạy học để tác động thường xuyên, tích cực đối với học sinh; giúp cán bộ quản lý thay đổi cách thức quản lý dạy học và hoạt động giáo dục; giúp phụ huynh thay đổi nhận thức về sự học của con em mình từ mục đích học để lấy điểm, để thi thố nay chuyển sang học để phát triển toàn diện.

Ông Sơn cho rằng, vì đây là một chủ trương mới nên nhiều cán bộ quản lý và giáo viên chưa quen với cách đánh giá mới và nhiều giáo viên còn ảnh hưởng của cách đánh giá, xếp loại truyền thống. Quá trình đánh giá học sinh, do giáo viên nhận thức chưa đầy đủ, sự trao đổi, thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chưa được chú trọng thường xuyên và hướng tới hiệu quả; kỹ năng tổng hợp các nhận xét hàng ngày thành nhận xét chung cuối tháng nhiều giáo viên còn vướng mắc, lúng túng dẫn đến thời điểm cuối năm học khó đánh giá đúng năng lực học sinh. Một số lớp vì có sỹ số quá đông nên việc theo dõi kết quả học tập, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của từng học sinh khó khăn, tính chính xác, khách quan chưa cao; một số giáo viên do sức ỳ quá lớn nên ngại đổi mới, ngại tiếp nhận cái mới; một số giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về Thông tư 30 (mục đích đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá...) nên việc đánh giá, xếp loại cuối năm cho học sinh vẫn còn hiện tượng đối phó, hình thức. Để Thông tư 30 đem lại hiệu quả thiết thực, các trường cần sớm khắc phục những bất cập trong việc đánh giá xếp loại học sinh như hiện nay.

Mỹ Hà

Thông tư 30 quy định, hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, cuối năm học tập thể lớp sẽ đánh giá với 3 tiêu chí: Quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập; hình thành và phát triển một số năng lực (tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); hình thành và phát triển một số phẩm chất (chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn, người khác, yêu trường lớp, quê hương, đất nước). Trên cơ sở đó, học sinh được khen nếu nổi bật về ba, hai hoặc một nội dung trên với các mức độ, trong đó được đánh giá cao nhất là học sinh tiêu biểu.

Mới nhất
x
Bất cập trong đánh giá học sinh tiểu học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO