Bầu cử ở Bangladesh: Bạo lực leo thang

05/01/2014 17:39

(Baonghean) - Ngay trước thềm bầu cử quốc hội diễn ra vào hôm nay (5/1), ít nhất 30 địa điểm bỏ phiếu ở Bangladesh bị các cử tri của Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đốt phá. Đây là diễn biến mới nhất của chuỗi hoạt động biểu tình, tẩy chay cuộc bầu cử, khởi xướng bởi bà Khaleda Zia lãnh đạo Đảng BNP. 

(Baonghean) - Ngay trước thềm bầu cử quốc hội diễn ra vào hôm nay (5/1), ít nhất 30 địa điểm bỏ phiếu ở Bangladesh bị các cử tri của Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đốt phá. Đây là diễn biến mới nhất của chuỗi hoạt động biểu tình, tẩy chay cuộc bầu cử, khởi xướng bởi bà Khaleda Zia lãnh đạo Đảng BNP.

Đã 2 ngày kể từ khi cuộc biểu tình tẩy chay cái gọi là “trò lố tai tiếng” của cuộc bầu cử bắt đầu. Tổng kết của cảnh sát và nhân viên bầu cử cho biết ít nhất 100 người đã bị thiệt mạng trong tuần lễ bầu cử đầy bạo lực này. Ít nhất 30 địa điểm bầu cử trên khắp cả nước bị đốt phá, bao gồm ở thủ đô Dhaka. Con số này thậm chí lên đến 60 trong một số báo cáo. Chủ yếu nằm ở các trường học và các toà nhà hành chính, 3 trong số các địa điểm bầu cử đã được di chuyển đến vị trí mới, theo như ông Mohammad Abdullah người đứng đầu tỉnh Chittagong ở phía Đông Nam cho hay. Động thái kịp thời này đảm bảo công tác bầu cử diễn ra đúng thời hạn, bất chấp các hành vi gây rối của phe đối lập. Chuỗi bạo lực của phe biểu tình đang có xu hướng leo thang khi mà ngay trước đó, những người biểu tình quá khích đã ném một quả bom xăng qua cửa sổ một đoàn tàu ở thị trấn phía Tây Bắc Natore. Phía cảnh sát cho biết ít nhất đã có 12 người thiệt mạng trong vụ việc trên, tương tự đó là nhiều vụ tấn công vào các xe bus, thiêu sống thường dân bằng bom xăng.

2 nhà lãnh đạo Khadela Zia (trái) và Sheikh Hasina (phải).
2 nhà lãnh đạo Khadela Zia (trái) và Sheikh Hasina (phải).

Tất cả những hành vi bạo lực trên nhằm “minh hoạ” cho cuộc tổng tẩy chay bầu cử của Đảng BNP (và một số Đảng đối lập khác). Được biết, phe đối lập yêu cầu thành lập chính phủ trung lập tạm thời chịu trách nhiệm giám sát cuộc bầu cử nhưng chính quyền tại nhiệm Awami của thủ tướng Sheikh Hasina từ chối. Trên thực tế, bầu cử tại Bangladesh đã luôn được đặt dưới sự giám sát của một chính phủ lâm thời từ năm 1991. Hệ thống này bị chính quyền Awami bãi bỏ vào năm 2010 nhờ vào 2/3 số ghế mà Đảng này nắm giữ trong Quốc hội, lấy lý do rằng duy trì hệ thống này là không cần thiết. Đảng BNP thì cho rằng đó chẳng qua là để Đảng cầm quyền dễ dàng giàn xếp phiếu bầu và gian lận trong bầu cử. Đó là lý do vì sao BNP tuyên bố không tham gia bầu cử lần này, đồng nghĩa với việc 153/500 ghế Quốc hội đã có kết quả vì chỉ có 1 ứng cử viên duy nhất, cuộc bầu cử sẽ diễn ra để định đoạt 147 ghế còn lại. Tuy nhiên, với sự vắng mặt của những Đảng đối lập lớn, lựa chọn cho cử tri quả thực là không nhiều nhặn gì.

Tuy nhiên, việc đẩy bạo lực leo thang đến mức độ như trên có vẻ như là dấu hiệu của cực đoan quá khích hơn là đấu tranh vì dân chủ. Cũng không đáng ngạc nhiên khi mà “đồng minh” bắt tay với BNP lần này là Đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami. Jamaat đã từng khơi dậy nhiều phong trào bạo lực trong những năm vừa qua nhằm áp đặt tư tưởng của mình, tấn công và giết các nhân viên an ninh của chính phủ. Lần này, Jamaat bắt tay với BNP khởi xướng những vụ tấn công, phá hoại, phong toả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đóng cửa các cửa hàng, trường học, cơ quan.

Để kích động cử tri, bà Khadela Zia cáo buộc chính quyền Awami quản thúc mình tại nhà, điều mà chính quyền phủ nhận. Theo như tuyên bố của chính quyền thì Đảng Hồi giáo Jamaat, với hầu hết các nhân vật lãnh đạo vừa bị xử án vì những tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến giành độc lập quốc gia vào năm 1971. 4 trong số đó đã bị kết án tử hình và 1 thì vừa bị treo cổ tháng trước. Cộng thêm vào đó là nỗi sợ bị chính quyền tại nhiệm, cùng với sự chống lưng của Ấn Độ, tiêu diệt, Đảng này được cho là đang tìm cách trả thù, bãi bỏ toà án chiến tranh. Đó là lý do vì sao chính quyền Awami kêu gọi BNP cắt đứt mọi liên hệ với Jamaat và không đưa vấn đề toà án chiến tranh vào chương trình bầu cử của mình.

Phe biểu tình bị cáo buộc phóng hoả các xe bus trong chiến dịch tẩy chay bầu cử.
Phe biểu tình bị cáo buộc phóng hoả các xe bus trong chiến dịch tẩy chay bầu cử.

Có vẻ như kết quả cuộc bầu cử sẽ không có gì ngạc nhiên, với dự đoán gần như chắc chắn rằng Awami sẽ tiếp tục nắm quyền. Một đặc phái viên đặc biệt do Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon gửi đến vào tháng trước nhằm giúp 2 bên đàm phán, giải quyết mâu thuẫn nhưng cũng không đem lại kết quả. Cả Mỹ và Anh đều từ chối gửi đặc phái viên quan sát đến tham dự, càng làm dấy lên mối ngờ vực về độ công minh của cuộc bầu cử. Bởi vì ngay cả khi Awami tuyên bố thắng thế thì không ít luồng tin vẫn cho rằng BNP hoàn toàn có thể lên nắm quyền nếu bầu cử diễn ra công khai và minh bạch. Vậy thì điều mà tất cả đang quan tâm là chuyện gì sẽ xảy ra sau bầu cử? Liệu Awami có đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp và thi hành những biện pháp cứng rắn để phủ đầu các Đảng đối lập? Nói nào ngay, cảnh sát cũng đã bắn chết không ít người biểu tình của phe đối lập. Khó mà nói được ở đây ai mới là người đi ngược lại tuyên ngôn dân chủ, khi mà bên nào cũng có những ngón “cờ gian bạc bịp” của riêng mình…

“Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”, kết quả của cuộc tranh giành quyền lực kéo dài đã 2 thập niên mà vẫn chưa đến hồi kết giữa Khadela Zia và Sheikh Hasina là một Bangladesh của bạo lực, bất ổn và khủng hoảng kinh tế toàn diện. 50 000 quân triển khai trên khắp cả nước nhằm đảm bảo an ninh bầu cử không làm cho người dân yên tâm hơn. Hazera Begum, một cử tri ở thủ đô Dhaka nói với Associated Press: “Tôi rất muốn đi bỏ phiếu nhưng lại sợ bạo lực. Nếu tình hình bình thường trở lại và hàng xóm của tôi đi, có thể tôi sẽ đi”. Awami lên nắm quyền và ổn định được tình hình đất nước? Có thể cũng chỉ là có thể mà thôi!

Nấm Linh Chi

Mới nhất
x
Bầu cử ở Bangladesh: Bạo lực leo thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO