Bầu Đức và hành trình đầu tư cho bóng đá

Minh Sơn 30/01/2018 16:25

Ngay cả khi HAGL gặp khó khăn, thua lỗ, nợ nần, bầu Đức vẫn tiếp tục chi tiền đầu tư cho bóng đá trẻ.

Trong lần trả lời PV gần nhất, Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) đã nói rằng, nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên thành công của U23 Việt Nam nói chung và những cầu thủ từ Học viện bóng đá HAGL nói riêng, là con người. Nhưng để có được thành quả của ngày hôm nay, quá trình phát triển từ một thập niên trước của Bầu Đức gặp phải không ít gian truân.

Bầu Đức là người đi đầu trong công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng

Trong suốt 10 năm, định hướng hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đã phải xoay chiều liên tục, từ trọng tâm vào bất động sản giai đoạn 2009 - 2012, sang mía đường giai đoạn 2013 - 2014, sau đó đến đàn bò vào 2015 - 2016 và mới nhất là kỳ vọng vào mảng kinh doanh cây ăn trái. Nhưng dù ở thời điểm khó khăn nhất, kể khi gánh khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, Bầu Đức cũng không định đưa Học viện bóng đá vào kế hoạch tái cơ cấu hay thoái vốn.

Năm 2001, Bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League. Vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu đứng đầu quốc gia, cùng với đó là nhiều thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá.

Năm 2007, khi mà hàng loạt những ông bầu mới chập chững vào bóng đá, rập khuôn theo cách mà những ông bầu trước đó đã làm là “ném tiền ăn xổi” thì bầu Đức lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác - phát triển bóng đá bền vững.

Ở buổi trò chuyện với Huấn luyện viên Wenger, trước câu hỏi của Bầu Đức phải làm gì để bóng đá Việt Nam phát triển, huấn luyện viên xuất thân là thạc sĩ kinh tế nói rằng: “Cần phát triển đào tạo trẻ, với nền móng là xây dựng các học viện bóng đá”. Tháng 3/2007 đã đánh dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, khi bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất mà trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã chi hàng chục tỷ đồng để vận hành trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

Trong suốt 10 năm, mỗi năm Bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà Bầu Đức bỏ ra có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Dù vậy, khác với câu chuyện thua lỗ của nhiều câu lạc bộ, hoạt động của Học viện bóng đá ngay những năm sau khi đi vào hoạt động đã có lãi.

Hoạt động của Học viện bóng đá xuất hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đến hết năm 2010, sau đó chỉ còn xuất hiện trên bảng cân đối kế toán các năm tiếp theo. Năm 2009 và 2010, 3 năm sau khi đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm của Học viện bóng đá hợp nhất vào kết quả của Hoàng Anh Gia Lai đạt được trên dưới 40 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận thu về đạt lần lượt 8,7 tỷ và 4,6 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính những năm sau đó, số liệu về Học viện bóng đá HAGL – JMG chỉ còn xuất hiện ở 2 khoản mục chính là chi phí xây dựng dở dang và chi phí trả trước dài hạn.

Tại thời điểm kết thúc quý III/2017, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận hơn 48 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, tăng gần 10 tỷ so với đầu năm, trong khi đó chi phí phát triển cầu thủ ở khoản mục chi phí trả trước dài hạn ghi nhận 48 tỷ đồng.

Học viện bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai đã tuyển sinh lứa cầu thủ thứ 3, sau thành công của giai đoạn trước đó. Ảnh: Đức Đồng

Theo thuyết minh, chi phí phát triển cầu thủ bao gồm các chi phí liên quan đến việc đào tạo và phát triển các cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Khoản chi phí này sẽ được phân bổ trong vòng từ 7 đến 10 năm căn cứ theo thời hạn hợp đồng đã ký kết giữa HAGL-JMG với các cầu thủ.

Ở giai đoạn khó khăn nhất của tập đoàn vào năm 2016, khi HAGL bước vào đợt tái cơ cấu lần hai (lần đầu vào năm 2013), học viện bóng đá của HAGL nhận được lời đề nghị từ một đại gia muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm này, công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arenal JMG được mang ra thế chấp cho khoản vay trị giá 603 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,05-10,5%. Tuy nhiên, Bầu Đức quyết không bán đứa con tinh thần.

Tại phiên họp thường niên khi đó, ông Đức từng nói đến việc gác bóng đá sang một bên để tập trung điều hành tập đoàn qua khó khăn. Nhưng dù chiến lược kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai phải thay đổi liên tục, bán bớt tài sản để đảm bảo thanh khoản thì Học viện bóng đá vẫn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào.

Dù khó khăn với tập đoàn đến nay vẫn chưa qua đi, áp lực nợ vay luôn đè nặng lên hoạt động kinh doanh, nhưng khi nhắc tới bóng đá ông Bầu phố núi vẫn nói rằng "giá mà đầu tư đào tạo bóng đá trẻ sớm hơn, giá mà có chiến lược đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt ở tầm quốc gia sớm hơn, có lẽ Việt Nam đã sớm vươn lên thành con rồng châu Á trong bảng xếp hạng bóng đá, thậm chí có quyền chạm đến suất dự World Cup". Trong khi các chiến lược kinh doanh tái cơ cấu liên tục, thoái vốn liên tục, chỉ có duy nhất bóng đá vẫn là mảng hoạt động đi cùng với Hoàng Anh Gia Lai trong suốt 10 năm qua.

"Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng", Bầu Đức nói vậy khi được hỏi về việc "đơn thương độc mã" đầu tư lò đào tạo học bóng đá trẻ chuyên nghiệp cách đây 10 năm.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Bầu Đức và hành trình đầu tư cho bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO