Bầu Uỷ viên Bộ Chính trị hay nông dân là quyền của cử tri

02/05/2016 22:32

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia nói điều này và nhấn mạnh việc ai trúng cử đại biểu Quốc hội là quyền quyết định của cử tri.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 197; địa phương giới thiệu là 673, đạt tỉ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (trong đó có 11 người tự ứng cử).

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc

PV: Có đơn vị bầu cử như ở Yên Bái gồm 5 ứng cử viên nhưng sắp xếp 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 1 Uỷ viên BCH Tỉnh uỷ và 3 nông dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Cũng bình thường thôi, mỗi địa phương chỉ có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị được giới thiệu về. Tôi nhớ Yên Bái chỉ có 2 đơn vị bầu cử thì không xếp ở đơn vị này cũng ở đơn vị kia.

Các ứng cử viên đã đủ tiêu chuẩn rồi thì việc được bầu trúng hay không là quyền của cử tri. Nếu trường hợp 3 người nông dân trúng cử ĐBQH mà không phải là Uỷ viên Bộ Chính trị giới thiệu về thì cũng là bình thường, vì bầu ai là quyền của cử tri, không có sự phân biệt nào.

PV: Các ứng viên ĐBQH sẽ phải xây dựng chương trình hành động khi vận động bầu cử. Nếu sau khi trúng cử, họ không thực hiện đúng “lời hứa” của mình thì sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là bản hành động của ứng cử ĐBQH thì cử tri sẽ xem xét, đánh giá. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri hàng năm, ĐBQH sẽ phải báo cáo cử tri về hoạt động của mình trong năm đó để cử tri đánh giá xem đại biểu mình bầu có thực hiện đầy đủ “lời hứa” hay chưa.

PV: Nhưng nếu có chuyện ứng cử viên ĐBQH bỏ tiền ra mua chuộc lá phiếu thì có chế tài xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đương nhiên, việc vận động trái luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý.

Nếu phát hiện bất cứ hành vi trái pháp luật, như bỏ tiền mua phiếu bầu, vận động không đúng luật trong thời gian từ khi công bố danh sách tới trước khi bầu cử 10 ngày thì sẽ bị xử lý. Còn việc giám sát thuộc quyền của cử tri, người dân.

PV: Khoá này có tới 2/3 ứng viên ĐBQH là mới, vậy việc hướng dẫn hay xây dựng chương trình, quy trình vận động bầu cử cho số ứng cử viên này như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tổ chức các lớp tập huấn cho người mới ứng cử lần đầu; Liên hiệp Hội Phụ nữ cũng tổ chức các lớp tập huấn cho ứng cử viên là nữ để họ có phương pháp khi trình bày chương trình hành động của mình một cách thuyết phục.

Mặt trận Tổ quốc cũng là đơn vị sẽ giám sát, tổ chức cho các ứng cử viên đi vận động bầu cử tại các địa phương.

PV: Có ý kiến cho rằng người tự ứng cử “lép vế” hơn người được giới thiệu?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Nói lép vế thì không hẳn vì công tác tuyên truyền vận động đều đảm bảo sự công bằng, bình đẳng.

Tôi khẳng định không có sự phân biệt nào. Người tự ứng cử và người được giới thiệu đều cùng đoàn, thời lượng giới thiệu chương trình hành động như nhau. Các phương tiện truyền thông đăng bài không phân biệt ai ít hơn, nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Bầu Uỷ viên Bộ Chính trị hay nông dân là quyền của cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO