Bê tông hóa đường bản ở Mỹ Lý
(Baonghean) - Bê tông hóa giao thông nông thôn, đối với miền xuôi đã khó, thì ở vùng rẻo cao như Kỳ Sơn càng khó gấp bội. Nhưng khi có hỗ trợ của Nhà nước rồi, thì ở một số địa phương trong huyện đã nỗ lực lớn góp công sức, tiền của để bê tông hóa đường thôn, bản khang trang, kiên cố.
(Baonghean) - Bê tông hóa giao thông nông thôn, đối với miền xuôi đã khó, thì ở vùng rẻo cao như Kỳ Sơn càng khó gấp bội. Nhưng khi có hỗ trợ của Nhà nước rồi, thì ở một số địa phương trong huyện đã nỗ lực lớn góp công sức, tiền của để bê tông hóa đường thôn, bản khang trang, kiên cố.
Khi nói về chuyện làm đường bê tông thôn bản, ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nhắc nhiều đến xã Mỹ Lý, là vã vùng sâu biên giới có trên 75% hộ nghèo, mặc dù không phải là xã điểm của huyện về xây dựng NTM, nhưng người dân đã chọn làm đường bê tông trước. Theo ông Xử, đó là một “kỳ tích ở bản mường”, cần được động viên, khuyến khích kịp thời cho đồng bào.
Nhiều con đường vào bản ở xã Mỹ Lý đã được đổ bê tông sạch, đẹp. |
Mở đầu câu chuyện làm đường bê tông thôn bản, ông Kha Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, tự hào rằng: Khi có chủ trương làm đường bê tông thôn bản, biết nhân dân còn nghèo, nhưng Đảng ủy, chính quyền địa phương quyết tâm phát động toàn dân làm đường giao thông, xây dựng NTM, và vui là hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ. Các bản gần trung tâm xã địa thế thuận lợi hơn lập tức đăng ký nhận xi măng về làm đường. Nhưng xã đã chọn bản Xốp Tụ, là bản xa “cửa ngõ” của xã làm điểm. Từ đó, rút kinh nghiệm, triển khai đến các bản khác. Việc đóng góp làm đường, ngoài xi măng do Nhà nước hỗ trợ, còn do dân bản bàn bạc, thống nhất việc đóng góp cát, sỏi. Xã Mỹ Lý có sông Nậm Nơn chảy qua, cát sỏi nhiều, nên bà con bản Xốp Tụ thống nhất mỗi nhân khẩu đóng góp 0,5m3 cát, sỏi, máy trộn bê tông và cuốc xẻng do huyện hỗ trợ. Chỉ trong vòng 15 ngày, 1 km đường chính của bản được hoàn thành như trong mơ!. “Học tập” bản Xốp Tụ, các bản khác thi nhau đăng ký nhận xi măng về làm. Huyện hỗ trợ cho xã mua 2 máy trộn bê tông, nhưng khi phải chờ lâu, một số bản hô nhau trộn bê tông bằng sức người... Khí thế bê tông hóa đường bản thật rộn ràng.
Tiếp đó là bản Xiềng Tắm, Hoa Lý, Yên Hòa và Xằng Trên, mỗi bản đều có cách làm riêng. Chúng tôi đến bản Xiềng Tắm, những con đường nội bản đã được đổ bê tông, xe máy, người đi bộ qua lại dễ dàng. Anh Lô Bù Xá, người dân ở bản, bộc bạch: “Xem ti vi thấy nhiều địa phương đầu tư đóng góp làm đường, ưng quá. Do vậy, khi Nhà nước cho xi măng đổ bê tông làm đường tại bản mình, ai cũng phấn khởi. Bản đã họp và thống nhất giao khoán cho mỗi nhân khẩu đóng góp 0,7m3 cát, sỏi”. Nhà anh Xá có 6 người, đóng góp tới 4,2m3 cát, sỏi. Con đường từ bản xuống sông Nậm Nơn nhỏ hẹp, khó đi, nên bà con dùng gùi chuyển cát lên. Đủ cát rồi, bản tổ chức đổ bê tông theo từng tuyến. Thanh niên được giao trộn bê tông, những người biết nghề xây thì lo khâu kỹ thuật. Trưởng bản Vi Văn Luận cho biết: Những đoạn đường hẹp, cong, bản vận động các gia đình hiến đất vườn, mở rộng lòng đường, ai cũng tự nguyện hiến đất. Khi đổ bê tông, ai cũng nhiệt tình tham gia, như một ngày hội làm đường của bản. Mỗi người một việc, chỉ trong vòng tháng 6/2013, dân bản đổ được hơn 1.200 m dài đường bê tông, mặt đường rộng từ 1,5 đến 3,5 m (tùy từng đoạn), dày 13 cm. Giờ đây, người dân bản Xiềng Tắm hàng ngày bước chân trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, ai cũng mừng cái bụng, tự hào lắm.
Năm 2013, xã Mỹ Lý đã tiếp nhận 700 tấn xi măng, tổ chức đổ bê tông đường bản và một số hạng mục như: sân trường THDT bán trú, trường tiểu học, trường mầm non, sân bóng chuyền, nền nhà văn hóa bản… Năm 2014 này, kế hoạch của địa phương đăng ký với huyện làm bê tông 4 km đường tại 2 bản: Piêng Pèn, Xốp Dương và cấp bổ sung cho 5 bản đã triển khai làm trong năm 2013. Xã Mỹ Lý có 12 bản, với 1.160 hộ, trong đó đồng bào Thái 8 bản, Mông 3 bản, Khơ Mú 1 bản. Theo Chủ tịch UBND xã cho biết, thì 4 bản đồng bào Mông, Khơ Mú sinh sống dọc tuyến biên giới Việt – Lào là khó khăn nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí làm đường bê tông là đặc biệt khó khăn. Bởi những bản này chưa có đường ô tô, vào bản chủ yếu đi bằng đường sông, nên việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn, phức tạp.
Bài, ảnh: Xuân Hoàng