Bền bỉ làng nghề Đông Phú

05/09/2014 16:44

(Baonghean) - Đến làng nghề mây tre đan (MTĐ) Đông Phú, xã Khánh Thành (Yên Thành) vào những ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh những người thợ đủ mọi lứa tuổi đang say sưa tỷ mẩn đan những chiếc hộp, khay, lồng đèn… bằng sợi lùng chẻ mỏng. Dù nghề MTĐ giờ đây không còn “vang bóng” như một thời đã qua, nhưng sức sống bền bỉ của làng nghề thì vẫn đang hiện hữu...

Bà Nguyễn Thị Thuyết say sưa với nghề đan lát.
Bà Nguyễn Thị Thuyết say sưa với nghề đan lát.

Chiều mưa, một ngày cuối tháng 8, men theo tuyến đường đê đã được đổ bê tông phẳng phiu, rộng rãi, nối từ Tỉnh lộ 538, chúng tôi về với làng nghề MTĐ Đông Phú, xã Khánh Thành. Làng nghề MTĐ Đông Phú nằm ngay cạnh con sông Vũ Giang thơ mộng, đã bao đời gắn bó với cuộc sống người dân nơi đây. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến làng nghề Đông Phú là những con đường nội làng đã được đổ bê tông, bởi thế không khí của làng nghề ven sông trở nên lặng lẽ, nhẹ nhàng và thoáng mát. Thời điểm này, bà con nông dân đang thu hoạch lúa hè thu, nhưng mấy hôm nay trời mưa liên miên, việc thu hoạch lúa đành phải bỏ dở, nhiều người dân vì thế có thời gian ngồi ở nhà làm nghề đan lát...

Căn nhà của ông Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Lý khá kiên cố, khang trang, nằm sâu phía trong xóm. Ông Lý là sỹ quan quân đội nghỉ hưu, được chi bộ bầu làm bí thư đã 2 khóa nay. Trước đây, 3 đứa con của vợ chồng ông đang học ở trường làng, vợ con ông cũng “bám” nghề đan lát để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Từ ngày các con của ông có gia đình riêng, vợ ông không đủ sức để duy trì nghề đan lát nữa. Nói về nghề đan lát của làng mình, ông Lý cởi mở: Phóng viên về làng nghề vào ngày mưa như thế này chắc dễ gặp cảnh bà con đang làm nghề, nếu không bà con ra đồng thu hoạch lúa hết. Lúa hè thu bấp bênh lắm, khi nào đổ hạt lúa vào quầy mới ăn chắc. Bởi thế khi bông lúa chín được 2/3 số hạt là lật đật mang liềm ra đồng gặt ngay, nếu không mưa lũ về ngập trắng đồng, coi như mất mùa. Cách đây hơn 10 năm, người dân xóm Đông Phú được tiếp cận với nghề MTĐ xuất khẩu và được tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2008.

Từ đó đến nay, mặc dù kinh tế thị trường tác động mạnh vào đời sống thường ngày của người dân, nhiều nông dân nơi đây vẫn say mê, gắn bó với nghề đan lát, thủy chung như cây lúa gắn với cha ông bao đời nay vậy. Xóm Đông Phú có 202 hộ, 825 nhân khẩu, phần lớn làm nghề nông. Ở vùng đất chiêm trũng này, mặc dù làm nông nghiệp nhưng hầu như nhà nào cũng làm ra tiền hàng ngày bằng nhiều nghề khác nhau, như bắt lươn, cua đồng, buôn bán lợn đường dài. Con cua đồng nhiều năm nay bán được giá, chỉ cần ra đồng vài tiếng đồng hồ, có thể bắt được vài cân, nhập cho thương lái ngay tại ruộng, được hơn trăm nghìn đồng. Những người có nghề bắt lươn, tối đến, cầm đen soi ra đồng, dạo một vòng, có hơn cân lươn, sáng mai đã có trăm nghìn đồng. Cánh đàn ông khỏe mạnh, sử dụng xe gắn máy, sáng sớm bỏ vào rọ một lúc 4 - 6 con lợn choai chở vào Vinh, hoặc lên miền ngược, tiền lãi ngang tạ thóc. Bởi vậy, dù nghề đan lát thu nhập đều, ổn định, nhưng lại đòi hỏi con người cần phải có tay nghề, với bàn tay khéo léo, kiên trì và chịu khó, nên nhiều người nản chí. Chỉ có những gia đình con chí thú học hành, rất phù hợp với nghề đan lát, bởi ngoài học ở trường, các con còn tranh thủ thời gian giúp mẹ làm nghề. Với lý do đó, dù nghề MTĐ không còn “đắt giá” như trước, người dân Đông Phú vẫn bám nghề, giữ lấy nghề.

Cách nhà ông Lý 3 cánh cổng là gia đình bà Nguyễn Thị Thuyết. Ngôi nhà ngói 3 gian, nền lát gạch men của gia đình bà Thuyết lúc này bề bộn, bởi lúa gặt về đổ thành đống ngay giữa nhà. Phía trong một góc nhỏ, bàn tay khéo léo của người phụ nữ thôn quê, quanh năm lấm lem bùn đất đang hoàn thiện những chiếc hộp khay, còn dậy mùi thơm chất liệu của cây lùng. Bà Thuyết bộc bạch: “May có cái nghề ni, vợ chồng tui nuôi được 2 đứa con theo học đại học một lúc. Gia đình có 6 sào ruộng lúa, ở vùng đất trũng này, hầu như năm nào cũng bị ngập lụt, nên sản xuất chủ yếu dựa vào vụ lúa đông xuân là chính. Từ ngày có nghề MTĐ về làng đến nay đã hơn 12 năm, gia đình tui bám lấy nghề, mặc dù nghề này thu nhập không cao so với các nghề “ăn xổi” ngay tại địa phương, như bắt cua, lươn, đi buôn lợn… nhưng được cái tranh thủ thời gian nhàn rỗi trong ngày lại có điều kiện quán xuyến nhà cửa, quản lý con cái. Không những một mình tui làm, cả 4 đứa con gái, đứa nào tui cũng truyền nghề cho, nên những lúc nghỉ học, các con phụ giúp mẹ làm ra sản phẩm, kiếm thêm thu nhập...”.

Sản phẩm bà Thuyết là những chiếc khay được đan lát bằng nguyên liệu lùng, chẻ mỏng, đều và chuốt trơn. Thời điểm này, 2 đứa con gái của bà về nghỉ dịp hè, bà có thêm người phụ việc. Trời mưa rả rích cả mấy ngày liền, bà nhận thêm mấy ki-lô-gam lùng về, chồng bà giúp phần việc chẻ nan thật mỏng, còn 3 mẹ con mỗi người một phần việc, mỗi sản phẩm được hoàn thiện chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Bà Thuyết cho biết thêm: Một lúc nuôi 2 đứa con theo học đại học, mỗi tháng ít nhất phải gửi cho chúng 4 triệu đồng, những ngày bận bịu đồng áng, tối về tranh thủ chong điện ngồi tới 11 giờ đêm mới nghỉ. Hễ rảnh việc là đưa lùng ra đan lát, mỗi tháng nhập được 60 đến 70 sản phẩm. Theo bà Thuyết, cái khó của nghề đan lát này là đòi hỏi con người phải cẩn thận, chịu khó, nếu không sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, phía công ty nhập hàng sẽ loại bỏ. Hỏi về thu lãi từ làm nghề, bà Thuyết tính toán: Mỗi chiếc hộp khay tui đang làm, nhập cho Công ty TNHH Đức Phong 46.000 đồng, trừ chi phí nguyên liệu 12.000 đồng, còn lãi 34.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng bà có số tiền lãi trên 2 triệu đồng. Với gia đình làm nông nghiệp như bà Thuyết, mỗi tháng có thêm khoản tiền như thế đã là hạnh phúc...

Chúng tôi gặp bà Phan Thị Oanh, trưởng ban quản lý tổ hợp MTĐ làng nghề Đông Phú, tại kho chứa hàng, được xây dựng trong khuôn viên trụ sở UBND xã Khánh Thành. Trong kho hiện tại có khoảng hơn 200 sản phẩm là khay, hộp và lồng đèn được xếp đặt cẩn thận. Bà Oanh cho biết: “Cứ sau 1 tuần tôi thu gom hàng một lần. Nhà nào được bao nhiêu sản phẩm, tôi ghi chép cẩn thận vào sổ sách. Thời điểm này, bà con bận việc thu hoạch lúa nên sản phẩm ít hơn mọi bận, chứ bình thường mỗi tuần tôi thu gom nhiều gấp đôi như ri. Khi nào số lượng hàng đủ cho một chuyến xe ô tô, Công ty TNHH Đức Phong có trách nhiệm đến thu mua một lần. Về công ty, người ta kiểm tra từng sản phẩm, chiếc nào không đạt yêu cầu là trả về làm lại. Bởi thế, khi nhận hàng tại kho, tôi yêu cầu các gia đình ghi tên mình vào sản phẩm, cho tiện lợi mỗi khi hàng bị trả về. Mặt hàng xuất khẩu khắt khe là thế, không thể “chín bỏ làm mười”, phải gần như tuyệt đối về mặt kỹ thuật và mỹ thuật. Người làm nghề phải là những phụ nữ chịu khó, cẩn thận, đam mê với nghề. Bà Oanh bộc bạch: Khi nghề đan lát mới du nhập về làng, gia đình nào cũng hăm hở với nghề. Thế nhưng, càng về sau số hộ làm nghề MTĐ giảm dần, hiện chỉ còn vài ba mươi nhà theo nghề nữa thôi. Không phải vì không có nguyên liệu, hay ế hàng, giá cả thấp, mà chủ yếu là do tâm lý của người dân muốn làm việc gì đó đơn giản, có tiền trao tay. Cái nghề đan lát này đòi hỏi khắt khe, lại hơn nửa sau 1 - 2 tháng phía công ty mới thanh toán tiền một lần!

Trao đổi về hướng phát triển của làng nghề, Chủ tịch UBND xã, ông Phan Đình Hải vẫn còn hào hứng. Với địa phương làm nông nghiệp là chính, nên khi có nghề MTĐ về làng, địa phương rất quan tâm, động viên bà con học nghề và bám lấy nghề, giữ nghề. Có nghề phụ, mỗi người đều có việc làm khi nông nhàn, thêm thu nhập, hạn chế tình trạng gây mất an ninh trật tự thôn xóm. Để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, ông Hải cho hay, nhiều năm qua, xã có chính sách hỗ trợ 3,5% doanh thu cho người làm nghề MTĐ xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ý kiến ông Hải, khi Công ty TNHH Đức Phong thu mua hàng cho bà con, cần kiểm tra ngay tại chỗ, sản phẩm nào không đạt yêu cầu thì trả lại cho bà con, chứ vận chuyển vào công ty mới lựa chọn, sau đó trả sản phẩm không đạt yêu cầu, là bà con không yên tâm.

Mỗi nơi chọn một nghề phụ riêng cho phù hợp, với đồng quê chiêm trũng như Khánh Thành, nghề MTĐ xuất khẩu dù khắt khe, cầu kỳ với khách hàng “khó tính”, nhưng nhẹ nhàng, không ô nhiễm môi trường, là điều để người dân bám giữ lấy nghề trong tương lai. Bởi thế, hơn 10 năm qua, những đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, chịu khó của người phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn, những sản phẩm trang trí bằng MTĐ được xuất khẩu sang nước ngoài, phần nào làm tô đẹp thêm cho vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và sức sống trên vùng đất lúa Yên Thành.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Bền bỉ làng nghề Đông Phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO