Bền bỉ một tình yêu thổ cẩm
Cô thiếu nữ Thái ở bản Mác căng đường thêu lên tấm thổ cẩm, nhẫn nại gò sự khéo léo cho đôi bàn tay làm hiện lên các họa tiết hoa văn tinh tế, cầu kỳ. những đường nét ấy như là thước đo về sự chăm chỉ, đảm đang của cô, dệt nên một phần linh hồn, nét văn hóa dân tộc vô cùng ý nghĩa, gắn bó với con người từ khi mới sinh ra, lớn lên cho tới khi về với “mường trời”...
(Baonghean) - Cô thiếu nữ Thái ở bản Mác căng đường thêu lên tấm thổ cẩm, nhẫn nại gò sự khéo léo cho đôi bàn tay làm hiện lên các họa tiết hoa văn tinh tế, cầu kỳ. những đường nét ấy như là thước đo về sự chăm chỉ, đảm đang của cô, dệt nên một phần linh hồn, nét văn hóa dân tộc vô cùng ý nghĩa, gắn bó với con người từ khi mới sinh ra, lớn lên cho tới khi về với “mường trời”...
Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau nhờ chiếc khăn piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn piêu đẹp nhất, như là cầu nối tình duyên của họ. Rồi, trước khi về làm dâu, những thiếu nữ sẽ tự tay làm tặng gia đình chồng những vật dụng từ thổ cẩm như chăn, đệm và gối. Và, mỗi người già trong bản Thái đều chuẩn bị cho mình những vật dụng cần thiết, những tấm thổ cẩm đẹp cho “chuyến đi cuối cùng” của đời mình,…
Bản Mác, xã Thạch Giám (Tương Dương) hiện được tách thành 2 xóm, có khoảng 30 - 40 chị em phụ nữ theo nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh việc đi làm rẫy, thì tranh thủ những lúc nông nhàn, hay những buổi tối, chị em lại miệt mài bên khung cửi; là say mê, nhưng cũng là thêm nghề phụ tăng thu nhập cho gia đình. Chị Lương Thị Lan – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mác cho hay, không người phụ nữ bản Mác nào không biết thêu thùa, dệt vải và đó dường như là một công việc thiêng liêng suốt hàng trăm năm qua, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con gái Thái bản Mác hầu hết lớn lên đã tập cầm kim thoi, cùng người chị, người mẹ của mình dệt nên những sắc màu thổ cẩm kỳ diệu. Bây giờ, chân váy, chăn, khăn piêu, khăn quàng bằng thổ cẩm là những mặt hàng rất được ưa chuộng, bán được giá, đang là một trong những điều kiện để phụ nữ bản Mác say nghề, giữ nghề.
Dệt thổ cẩm ở bản Mác, xã Thạch Giám (Tương Dương).
Trên tuyến Quốc lộ 7 miền Tây Nam xứ Nghệ này, các câu lạc bộ phụ nữ ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn được Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương và dự án Oxfam Hồng Kông hỗ trợ vốn đầu tư phát triển nghề dệt thổ cẩm, góp phần quan trọng giữ gìn nghề truyền thống và đưa thổ cẩm trở lại với văn hoá của đồng bào Thái trên địa bàn. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại và sự hòa nhập về văn hóa len lỏi tới từng bản làng người Thái, thì nghề dệt thổ cẩm lại đối diện nguy cơ mai một. Thương nghề, tiếc nghề, mong muốn giữ lấy bản sắc riêng của tổ tiên bao đời nay đã thôi thúc chị em có ý định nghiêm túc với việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm.
Để lại tìm hiểu những kỳ công trong việc khôi phục, lưu giữ và tạo tiền đề phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở Nghệ An, chúng tôi tiếp tục có hành trình đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Chị Sầm Thị Bích - người tiên phong tập hợp chị em trong bản lập hợp tác xã sản xuất thổ cẩm Hoa Tiến, cho biết: Hầu hết chị em trong bản đã biết thêu, biết dệt rồi, nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường bán thì người ta chưa biết làm. Bản thân chị Bích đã mở các lớp đào tạo dệt thổ cẩm khi 5 - 10 người, khi 20 người, chú trọng áp dụng những cách sản xuất khoa học, kỹ thuật mới làm ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu thị trường.
Bây giờ phụ nữ bản Hoa Tiến ngày đi làm ruộng, tối về dệt thổ cẩm, hàng tháng ít nhất cũng có thu nhập thêm khoảng 1 triệu đồng. Đến nay, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến do chị Bích làm chủ nhiệm đã có hơn hai chục thành viên. Người Thái vẫn thường ví von “úp tay thành vân, ngửa tay ra hoa”. Một tấm thổ cẩm đẹp không chỉ nhờ vào đôi bàn tay tài hoa, khéo léo mà còn quyết định bởi chất liệu sản phẩm. Có lẽ vì thế mà ngày ngày chị Bích vẫn cẩn thận chăm chút cho từng gốc dâu, với hy vọng sẽ có thể hướng dẫn mọi người cùng tham gia trồng dâu, nuôi tằm, tự tạo ra nguồn tơ sợi tốt nhất cho việc dệt thổ cẩm của mình.
Chị Bích còn tích cực sáng tác các mẫu hoa văn và mẫu mã sản phẩm sao cho thật độc đáo, mới lạ mà vẫn mang rõ nét đặc trưng riêng của người Thái. Theo chị thì xã hội ngày càng phát triển, đã đến lúc cần phải cải thiện các mẫu mã hoa văn của ngày xưa. Từ các lễ hội, hội chợ triển lãm, tiếp được ý kiến của khách hàng, hoặc từ các đơn đặt hàng mà khách yêu cầu, các chị đã chuyển hoa văn từ chân váy, chăn sang làm túi, ví, áo cho phù hợp với thời trang bây giờ, cũng từ đó mà sản phẩm thổ cẩm đa dạng và phong phú hơn.
Đối với nghề thổ cẩm ở Hoa Tiến, để tạo ra những tấm thổ cẩm đẹp thì có hai cách, đó là dệt hoặc thêu trên vải đã nhuộm màu. Trải qua nhiều công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, cho đến khi ra sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Một công đoạn không thể thiếu đối với mảnh vải thổ cẩm, đó là công đoạn nhuộm màu cho vải sợi. Từ lâu, đồng bào Thái đã biết lấy các chất liệu sẵn có trong thiên nhiên để nhuộm màu cho vải. Họ tìm cây tô mộc làm màu đỏ, cây chàm làm màu xanh và đen, củ nghệ làm màu vàng, Những loài cây này thường được trồng trong vườn nhà của người Thái. Khi cần nhuộm chỉ cần hái lá, vò nát rồi đặt lên bếp đun.
Sau một khoảng thời gian nhất định, nước và lá được đổ ra chậu, vò kỹ một lần nữa rồi mới lọc lấy nước nhuộm màu. Nhúng vải trắng trong nước một lần sẽ ra màu nhạt. Sau đó người ta phơi khô. Nếu muốn màu đậm hơn thì lại nhúng và phơi khô lần sau, lần sau nữa cho đến khi có được màu ưng ý. Tài hoa hơn là công đoạn tạo hoa văn trên vải. Tuỳ vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau… Có thể nói, chiếc khung cửi đơn sơ là sự sáng tạo vô giá của người Thái, bởi ngay tại đây, người dệt đã tạo được các họa tiết hoa văn đầy tính nghệ thuật…
Thế giới tự nhiên được phản ánh trên thổ cẩm của người Thái rất đa dạng. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, những hình hoa lá cách điệu. Đó là những con chim, con voi hay hình người cưỡi ngựa được thể hiện theo phương pháp tượng trưng, giản lược hóa. Các họa tiết thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp, trường tồn của cuộc sống, về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật… những họa tiết xuất hiện rất nhiều trên gấu váy của người phụ nữ Thái và chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc.
Ngày xưa chưa có dự báo thời tiết nên người ta xem các con vật như chuồn chuồn hay vịt giời bay thấp, bay cao đã trở thành hiện tượng dự báo sớm về mưa, nắng, bão, lũ cho đồng bào. Vì vậy, người ta đã thêu lại các họa tiết con vật ấy để tưởng nhớ ơn của chúng. Hoặc là thêu rồng hoặc voi làm thành những hoa văn họa tiết đưa vào chăn hoặc váy, bởi người ta tin những con vật này đem sức mạnh đến cho con người.
Những hoa văn trên tấm vải rất quan trọng với đồng bào, vì nó bao gồm cả sức mạnh lẫn tình yêu, cả buồn, cả vui. Ngoài cách dệt hoa văn trực tiếp khung cửi, đồng bào dân tộc Thái còn dùng chỉ các màu để thêu nên những họa tiết cầu kỳ và đẹp mắt trên tấm vải đã nhuộm màu. Với kỹ thuật thêu thoáng để lộ nền đen trong các họa tiết, người Thái đã làm giảm độ rực chói của các màu nguyên sắc, tạo cho mảnh vải độ chuyển sắc mềm mại và nhuần nhị…
Đồng bào dân tộc Thái Nghệ An cũng không ai còn nhớ nghề dệt của họ có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi sinh ra và lớn lên người Thái đã thấy người chị, người mẹ của mình bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái Thái vừa chớm thiếu nữ đã thạo cách se vải, nhuộm màu. Thổ cẩm rực rỡ, thổ cẩm lung linh còn đó ở những bản Mác, Hoa Tiến... nhờ một tình yêu bền bỉ bền bỉ.
Bài, ảnh: Anh Vũ