(Baonghean.vn) - Ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, người dân duy trì nghề làm chổi từ các chất liệu đót, tre, giang, góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống gia đình.
|
Nghề làm chổi tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Trường và thôn Sơn. Vào những lúc nông nhàn, các bà, các mẹ, các chị lại cùng nhau làm chổi. Nhờ nghề phụ này mà phụ nữ Thanh Lĩnh có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. |
|
Những năm gần đây do nhu cầu sử dụng các mặt hàng này trong xã hội đã giảm cùng với nguồn nguyên liệu chính là tre, nứa khan hiếm nên nghề đan đã dần mai một. Là những người năng động, hiểu được giá trị của nghề phụ nên nhân dân thôn Trường đã chuyển sang nghề làm chổi giang. |
|
Muốn chiếc chổi bền đẹp thì khâu kỹ thuật cực kỳ quan trọng. Đặc biệt khó nhất là khâu chẻ giang, đòi hỏi người chẻ phải hết sức cẩn thận, khéo léo để chổi đẹp, chắc chắn. |
|
Bên cạnh đó, công đoạn phơi cũng đòi hỏi đúng kỹ thuật, tránh nắng to, giang quá khô, khó bện chổi, từ đó chất lượng sản phẩm cũng giảm đi. |
|
Phụ nữ xã Thanh Lĩnh - Thanh Chương còn làm cả chổi đót để tăng thêm thu nhập. Nghề bện chổi giúp phụ nữ xã Thanh Lĩnh có thu nhập trung bình từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng/ người. |
|
Chổi giang, chổi đót ở Thanh Lĩnh được mang đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Giá mỗi cái chổi tre khoảng 15 ngàn đồng/chiếc, chổi đót có giá 30 ngàn đồng/chiếc. Nghề làm chổi giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của phụ nữ nông thôn. |
|
Từ sự phát triển của nghề chổi giang những người có trách nhiệm đã xúc tiến thành lập HTX với 103 gia đình thành viên, chiếm 70% số dân trong làng. Theo ông Đậu Mạnh Hùng chủ nhiệm, HTX, hiện đang xúc tiến thuê đất làm nhà xưởng để tiện lợi hơn trong việc sản xuất và sẽ mua thêm máy móc thiết bị, thay đổi mẫu mã để nâng cao giá trị sản phẩm. |
Thu Hương - Đình Hà