Chổi tre giang Nậu Bắc

(Baonghean) - “Ai về Nậu Bắc mà coi,
Bắc niêu lên bếp, xách oi ra đồng”
Đó là câu ca xưa, nói về vùng quê nghèo Nậu Bắc, nay đổi tên là thôn Trường (xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương). Về thôn Trường hôm nay, ấn tượng đẹp mắt là đường làng ngõ xóm đã đổ bê tông sạch sẽ, nhà cửa khang trang, và điều này nữa là nhà nào cũng có người gắn làm nghề chổi tre giang. Sản phẩm chổi tre giang thôn Trường có mặt từ thành phố đến nông thôn...
Một ngày nắng oi đầu tháng 10, tôi về thôn Trường, nơi lâu nay đã nức tiếng với sản phẩm chổi tre giang. Từ đầu thôn, đã thấy rất nhiều chổi tre giang cắm ngược, bày bán hai bên con đường lớn, nối từ cầu Dùng lên đến đường Hồ Chí Minh vào khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, vừa được nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tôi ghé vào một quán nước bên lề đường, người phụ nữ có dáng người khỏe khoắn đang ngồi hoàn thiện những chiếc chổi giang mộc mạc. Hóa ra, đây chính là gia đình của anh Đậu Mạnh Hùng - Chủ nhiệm HTX sản xuất và kinh doanh chổi tre giang thôn Trường - Thanh Lĩnh. Khi tôi hỏi nghề chổi tre giang của làng, anh Hùng từ chỗ dè dặt bỗng bật hứng khởi, kể cho tôi nghe...
Người già thôn Trường tham gia làm chổi tre giang.
Người già thôn Trường tham gia làm chổi tre giang.
Nghề làm chổi tre giang của thôn Trường manh nha cách đây 5 năm. Trước đó, một người phụ nữ tên Hồng, của thôn Trường, lấy chồng về xã Thanh Tường, vốn có đức tính chịu khó, hàng ngày chị mang chổi giang tự tay mình làm ra, về quê ngoại bán. Nhìn chiếc chổi được kết một cách đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, một số người trong thôn học để bắt chước cách làm. Từ chiếc chổi đó, một số cụ ông trong thôn tỉ mẩn sáng tạo, cải tiến, nên có sản phẩm đẹp và chắc hơn. Bây giờ, chổi tre giang của thôn Trường được kết 2 lớp, lớp bên trong, dùng nan ngắn, lớp bên ngoài, dùng nan dài, khi kết thành chổi, mép chổi sẽ bằng nhau, sử dụng mới bền. Từ nhiều năm nay, chổi tre giang thôn Trường được người ưa chuộng, “cung chưa đủ cầu”.
Anh Hùng cầm chiếc chổi đã hoàn thiện, tỉ mỉ giới thiệu: Nguyên liệu dùng để làm ra chiếc chổi là giang, hóp (hoặc vầu, nứa), thép ly, đinh 3 và dây chun. Giang chẻ mỏng từ 0,8 - 1mm làm nan; hóp, vầu, nứa to bằng cán liềm, thẳng đòng, cắt giữ hai đầu mắt, dùng làm cán chổi, dây thép ly dùng để kết chân rết, dây chun buộc chặt vào cổ chổi, đinh dùng để đóng cự. Đơn giản vậy thôi, nhưng đòi hỏi con người phải chịu khó, kiên trì mới làm ra được chiếc chổi như ý. Để chổi sử dụng được lâu bền, người ta kết thành 2 lớp, giang phải già, chẻ mỏng đều. Trong quá trình sử dụng, không nên cho nước mưa ngấm vào, khi quét xong, cần treo chổi nơi khô ráo. Nếu bảo quản tốt, có thể sử dụng tới 6 tháng. Giá mỗi chiếc chổi, người dân thôn Trường bán nhập 10 nghìn đồng, bán lẻ 12 nghìn đồng. Với người sản xuất, mỗi chiếc chổi tre giang lãi được từ 4 – 6 nghìn đồng. Khác với chổi đót là dùng để quét trong nhà, với chổi tre giang, người dân chủ yếu dùng để quét sân và cổng rất tiện lợi. Bởi chổi được bện dày, nan chổi cứng, nhưng dẻo, không bị dính đất. Vì thế chổi tre giang được dùng nhiều nhất ở vùng nông thôn.
Sản phẩm được bày bán trên đường lớn, đoạn qua  thôn Trường.
Sản phẩm được bày bán trên đường lớn, đoạn qua thôn Trường.
Với trách nhiệm là Chủ nhiệm HTX, anh Hùng làm điểm thu mua tre giang, cán chổi, và tiêu thụ sản phẩm. Giang mua về, những gia đình có người già nhận về chẻ nan, sau đó nhập nan lại cho anh kết chổi. Là “trung tâm” sản xuất chổi, do vậy, trong nhà luôn có trên 10 nghìn chiếc cán, ngày nào cũng có người từ miền ngược chở giang tươi về nhập cho anh. Khi khách hàng cần số lượng chổi nhiều, anh dễ chủ động cung cấp. Bởi thế những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không cần có vốn cũng tham gia làm nghề, miễn là kiên trì. Chị Lan, vợ anh Hùng là một trong những người kết chổi giỏi nhất thôn. Trao đổi, chị Lan bộc bạch: Nghề này không lao lực, nhưng đòi hỏi chịu khó, do vậy trẻ em và người già, kể cả người tàn tật cũng có thể phụ giúp một số phần việc, như chẻ nan, lau cán. Với chị, vừa bán hàng, vừa lo việc nội trợ, mỗi ngày kết được trên 20 chiếc chổi. Khi sản phẩm chổi lên đến 300 chiếc, anh Hùng chở vào Thành phố Vinh, ra Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc... nhập cho các cửa hàng.
Đang mải mê tìm hiểu nghề chổi tre giang với vợ chồng anh Hùng, tôi không để ý đến một người đàn ông đã đến và lặng lẽ lắng nghe câu chuyện. Hóa ra, anh là Nguyễn Văn Kỷ - Bí thư Chi bộ, kiêm thôn trưởng thôn Trường. Anh Kỷ tự hào:  Thôn có nhiều thuận lợi để phát triển nghề chổi tre giang, đó là vị trí địa lý thuận lợi, bởi có đường giao thông lớn chạy qua; hơn nữa người dân chịu khó, động viên nhau làm ăn. Thôn Trường có 275 hộ, trong đó 70% số hộ làm nông nghiệp, nhưng có tới 90% số hộ tham gia làm nghề chổi tre giang. Nhiều gia đình có ông bà nghỉ hưu cũng tham gia làm nghề. Ngoài thêm thu nhập, còn tạo được tình đoàn kết láng giềng, cuộc sống thêm thêm vui, nhất là với người già, người tàn tật. Anh Kỷ nhẩm tính: Bình quân mỗi tháng, thôn Trường bán ra thị trường trên 100 nghìn chiếc chổi. Cứ tính với giá 10 nghìn đồng/chiếc, bà con thu về hàng tỷ đồng. Tối nào cũng vậy, thôn Trường mãi tới 11 giờ khuya mới tắt điện đi ngủ. Chỗ này chẻ giang, chỗ kia kết chổi, tiếng cười nói râm ran. Người xa mỗi lần về quê hương, đều cảm nhận điều thú vị này. Có nghề làm thêm, cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Anh Hùng ngồi bên cho biết thêm: Với số lượng chổi hàng tháng làm ra như vậy, chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng ngày, khách hàng mọi nơi gọi điện đặt hàng liên tục, có khi phải... khất. Ví như chiều nay, khách ở Nghi Lộc đặt 300 chiếc chổi, quá nửa chiều mới gom được hơn 100 chiếc. 
Nói rồi, anh Kỷ đánh xe máy đưa tôi đi một vòng quanh thôn. Dọc con đường lớn nối từ Thị trấn Dùng lên đường Hồ Chí Minh, chạy qua thôn, người ta bày bán vô số chổi tre giang. Chổi tre giang mộc mạc, đơn giản, cách bày bán mặt hàng này cũng giản đơn...
Vượt con dốc ngắn phía trong thôn, chúng tôi vào nhà bà Trần Thị Nhuần. Lúc này, tại sân gạch nhà bà Nhuần, có 5 cụ ông, cụ bà đang làm chổi. Trên thềm nhà là ấm nước chè xanh đặc, cùng với cạu đựng trầu cau. Mỗi người cầm một con dao bổ cau, ngón tay trỏ quấn mấy vòng vải (tránh đứt da), lưỡi dao lách nhẹ vào thanh giang, cho ra những chiếc nan mỏng đều. Cụ Nhuần, cụ Tân, cụ Tứ, cụ Hợi, cụ Lương… ai cũng ngoài tuổi thất thập, nhưng mắt vẫn tỏ, tai vẫn tường. Trong số đó, có cụ Nhuần và cụ Lương được hưởng chế độ chính sách hàng tháng của nhà nước, còn lại là nông dân. Trò chuyện, cụ Nhuần, cười, nói: “Cánh người già chúng tôi trước đây không có nghề này, hàng ngày chỉ biết rủ nhau đi uống nước chè, ăn trầu. Từ ngày có nghề chổi giang, hôm nào cũng vậy, khi con cháu đi làm, người già chúng tôi tập trung về đây, mỗi người kèm theo con dao và mấy ống giang. Vừa trò chuyện, vừa chẻ giang, vui vô kể. Cuối mỗi buổi, có người đến thu gom nan, không tiền trăm, tiền triệu chi mô, nhưng được cái cuộc sống thấy vui, khỏe hơn. Con cháu thấy vậy, luôn động viên ông bà...”.
Ông Nguyễn Quang Mợi - Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh, hồ hởi: Làng nghề có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đặc biệt góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay. Trước đây, Thanh Lĩnh có nghề chổi đót, đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Thế nhưng, do nguyên liệu khan hiếm nên nghề chổi đót có thời điểm trong năm chững lại. Với nghề chổi tre giang thôn Trường, mặc dù chưa được các cấp ngành công nhận là làng nghề, nhưng thực sự mà nói, nghề này phát triển mạnh, thu hút được nhiều lao động, tăng thu nhập cho dân. Là nghề phụ, thu nhập thì chính, góp phần vào tiến trình xây dựng NTM của địa phương. Thanh Lĩnh đang phấn đấu hết năm 2014 này hoàn thành 19 tiêu chí NTM, vì thế nghề chổi tre giang đang được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện, khuyến khích mọi người tham gia làm nghề. Trước mắt, địa phương đề nghị các cấp ngành công nhận đây là làng có nghề, làm tiền đề để được công nhận làng nghề.
Nghề làm chổi tre giang không nặng nhọc, cầu kỳ, mà đơn giản, gần gũi với người nông dân. Nhờ biết trân trọng, gìn giữ và phát huy được thế mạnh của mình mà người dân thôn Trường giữ nghề được sống khỏe, sống có ích. Chẳng thế mà về thôn Trường, đi đến đâu cũng chỉ nghe chuyện làm ăn, hay chuyện con em học hành đỗ đạt, mà không mấy khi có tệ nạn xã hội, cờ bạc. Trong thôn xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá, giàu, những hộ nghèo chỉ rơi vào những gia đình không may bị ốm đau, bệnh tật. 
Chia tay làng trong nắng chiều vàng rực, hình ảnh những cụ già tóc bạc phơ, miệng cười tươi, lộ hàm răng đen nhánh, ngồi tỉ mẩn bên những thanh giang mềm mại, khiến tôi có cảm giác yên bình...
Bài, ảnh: Xuân Hoàng

tin mới

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.

Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu từ ngày 1/4 đến nay UBND xã đã lập chốt ngay tại cửa rừng ở xóm Xuân Sơn, nhằm kiểm soát người ra vào rừng. Điểm chốt này luôn có lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ lâm nghiệp túc trực 24/24h. Ảnh: Văn Trường

Nghệ An: Căng mình canh trực lửa rừng những ngày nắng rát

(Baonghean.vn) - Những ngày vừa qua Nghệ An nắng nóng cao độ, có những nơi nhiệt độ lên tới 41°C đến 43°C, nguy cơ cháy rừng rất cao. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các địa phương, lập chốt kiểm soát người vào rừng, canh gác lửa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

Các huyện vùng cao ngăn suối để chắt nước cứu lúa

(Baonghean.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài liên tục những ngày vừa qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong bị thiếu nước. Đơn vị quản lý thuỷ lợi cùng bà con nông dân phải ngăn suối để chắt nước, sử dụng máy bơm dầu dã chiến dồn sức chống hạn cứu lúa.