Bên dòng Huổi Hý
(Baonghean) - Đầu năm mới, chúng tôi có chuyến ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ lên xã Nhôn Mai, mảnh đất tận cùng của huyện rẻo cao Tương Dương. Nơi đây, mỗi lần nhắc đến, nhiều người nghĩ ngay tới sự xa xôi cách trở, cuộc sống gian khó và bộn bề. Nhưng lúc đến, chúng tôi được chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của những người thầy và sự vươn lên ở chốn sơn cùng thủy tận này...
(Baonghean) - Đầu năm mới, chúng tôi có chuyến ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ lên xã Nhôn Mai, mảnh đất tận cùng của huyện rẻo cao Tương Dương. Nơi đây, mỗi lần nhắc đến, nhiều người nghĩ ngay tới sự xa xôi cách trở, cuộc sống gian khó và bộn bề. Nhưng lúc đến, chúng tôi được chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của những người thầy và sự vươn lên ở chốn sơn cùng thủy tận này...
Xuân về, tuyến đường thủy trên lòng hồ Bản Vẽ dường như đông đúc, nhộn nhịp hơn. Tại bến Thượng Lưu, hành khách tấp nập kẻ lên người xuống, hàng hóa được chất đầy bên mép đường và trong những ngôi nhà nổi. Gần như con thuyền nào cũng “no” khách và “no” hàng. Khi biết chúng tôi có ý định lên Nhôn Mai, các thầy giáo Trường THCS Bán trú Nhôn Mai liền mời lên một chiếc thuyền chật ních hàng hóa. Chiếc thuyền này được họ thuê riêng để vận chuyển tôn lợp, gạo và thực phẩm. Vậy là chuyến xuất hành đầu năm chúng tôi đã “hên” khi gặp lại và đồng hành với những người bạn trên chặng đường dài. Con thuyền nổ máy rồi lướt nhanh trên mặt hồ phẳng lặng. Hai bên lòng hồ là những dãy núi trùng điệp tưởng chừng như vô tận, thi thoảng bắt gặp những chiếc thuyền chạy ngược chiều chở đầy khách và đưa tay vẫy chào.
Giáo viên Trường THCS bán trú Nhôn Mai giám sát việc tự học ban đêm của học sinh. |
Thuyền chạy được một lúc và khi chuyện trò đã thân mật, chúng tôi bày tỏ sự thắc mắc vì không hiểu các thầy giáo đưa lương thực, thực phẩm với số lượng nhiều như thế để làm gì. Thầy Hiệu trưởng Trần Hưng Thái giải thích, từ năm học 2013-2014 này, nhà trường được thực hiện thí điểm mô hình trường bán trú. Tức là mỗi học sinh có nhà ở cách trường trên 7km (không thể đi về trong ngày) sẽ được hỗ trợ về nơi ở và tiền ăn mỗi tháng 420 nghìn đồng. Nhà ở bán trú của trường đã được đầu tư xây dựng hoàn thành với 15 phòng kiên cố, đảm bảo chỗ ở cho 208 em học sinh đến từ 10 bản xa. Nhưng để đảm bảo chế độ ăn hàng ngày cho chừng ấy học sinh, thật sự không mấy dễ dàng đối với những người “gieo chữ” ở Nhôn Mai.
Nhôn Mai nằm ở vùng Tây Bắc của huyện Tương Dương, tiếp giáp với địa bàn huyện Quế Phong, gồm 12 bản và 3 dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mông, Khơ mú). Từ lâu, Nhôn Mai được biết đến bởi tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao (trên 80%) và sống trong tình trạng “4 không” theo cách báo chí thường nói (không đường bộ, không điện lưới, không chợ, không sóng điện thoại). Vài năm nay, tuyến đường miền Tây nối các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong đi qua địa bàn Nhôn Mai đang được thi công nên nhiều đoạn ô tô, xe máy có thể lưu hành.
Theo nhiều người dân ở Nhôn Mai, đến nay vẫn chưa thể tính là đã xóa được tình trạng không đường bộ. Vì đường chưa thông tuyến, chỉ tạm đi được vào mùa khô, còn mùa mưa chỉ có cách lội bộ, ô tô và xe máy chỉ có cách “bó chân”. Bình thường, không phải ai cũng có thể chạy xe trên tuyến đường này, mà phải là những thanh niên mạnh tay, mạnh chân và mạnh cả gan mới dám điều khiển. Nói cách khác, đường bộ ở đây mới chỉ ở mức “nội bộ”, nghĩa là từ bản này qua bản khác (với những bản nằm gần trục đường), cùng lắm cũng chỉ sang đến xã Mai Sơn bên cạnh.
Hiện tại, vẫn còn 5 bản phải cuốc bộ 5-6 tiếng đồng hồ, đó là Huồi Cọ, Huồi Măn, Phá Mựt, Piêng Luống, Piêng Òi. Cho nên, muốn đến Nhôn Mai, đến nay vẫn chưa có cách nào hơn là ngồi thuyền máy ngược lòng hồ Bản Vẽ. Nếu không gặp trục trặc gì, sau 3 giờ đồng hồ thuyền sẽ cập bến trung tâm xã. Với “3 không” còn lại, đến nay người dân Nhôn Mai chưa có cách nào khác là... chờ đợi. Không điện lưới, khắc phục bằng thủy điện mi ni. Không chợ thì duy trì nếp làm ăn tự cung tự cấp. Không sóng điện loại thì đành... chịu!
Các thầy giáo Trường THCS bán trú Nhôn Mai lợp nhà bếp cho học sinh |
Nói vậy để một lần nữa thấy rằng, việc lo cái ăn cho hơn 200 học sinh là cả một “bài toán” lớn đối với các thầy cô Trường THCS bán trú Nhôn Mai. Từ hạt gạo, miếng thịt, con cá, quả trứng, bát canh trong từng bữa ăn là cả một nỗi lo toan và không hề đơn giản. Để đảm bảo giá “mềm”, tiết kiệm chi phí, các thầy cô phải đặt “mối” lâu dài tận Diễn Châu, các tư thương sẽ gửi lên đều đặn hàng tuần. Khi nào ra thị trấn công tác, lúc trở lại mọi người đều tranh thủ mua nhiều lương thực, thực phẩm để giảm bớt nỗi lo hàng ngày. Bên cạnh đó, trường huy động học sinh lao động tăng gia, mở rộng vườn rau để cải thiện bữa ăn. Số tiền 420 nghìn đồng/tháng chia ra được mỗi em 16 nghìn đồng/ngày. Lại còn phải tính đến cước phí vận chuyển, tiền thuê người nấu ăn nên số tiền này càng sút giảm, may chăng chỉ được ngày 2 bữa (trưa và tối, còn bữa sáng, các em tự túc). Thông thường, các em thường mang theo gạo và mì tôm để ăn bữa sáng. Từ đây, lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là nhà bếp để các em nấu ăn sáng. Thế là phải tìm mặt bằng để dựng dãy nhà bếp 10 gian (mỗi gian dành cho học sinh 1 bản). Để giảm bớt nguy cơ cháy do bất cẩn, các thầy phải nhờ mua tôn lợp. Và hôm nay, tôn lợp cũng được các thầy vận chuyển lên bằng thuyền máy.
Thuyền cập bến Nhôn Mai, các em học sinh được huy động ra vận chuyển lương thực, thực phẩm và tôn lợp lên trường. Ngay buổi chiều hôm ấy, các thầy giáo đã cùng nhau ra lợp nhà bếp cho học sinh, để các em không phải nấu ăn bữa sáng nơi trống trải. Nhìn cách các thầy leo lên mái nhà, tay cầm búa đóng từng chiếc đinh để giữ chặt mái tôn một cách thuần thục, chúng tôi vỡ lẽ rằng đối với giáo viên vùng cao không chỉ biết truyền thụ tri thức mà phải thông thạo nhiều việc khác nữa. Một hồi kẻng báo hiệu giờ ăn tối, học sinh tập trung đến nhà ăn. Hôm nay là phiên trực, thầy Vi Văn Thanh đứng ra dặn dò các em phải giữ trật tự và lần lượt vào lấy suất cơm của mình rồi về phòng ăn. Bữa cơm hôm ấy có thịt kho, trứng rán, rau cải và canh măng. Vì nhà ăn chưa đủ bàn ghế để các em ngồi ăn tại chỗ nên trước mắt đang phải chia cơm theo từng suất vào cặp lồng để các em mang về phòng. Và hàng ngày, các thầy cô giáo thay phiên nhau quản lý việc ăn ở, học tập của học sinh bán trú.
Sau bữa ăn tối, thầy Vi Văn Thanh đánh hồi trống báo hiệu đã đến giờ học. Từ các phòng nội trú, các em mang sách vở sang phòng học. Chưa có điện lưới, điện tua bin không đủ năng lượng phát sáng một lúc nhiều bóng đèn nên buộc phải dùng máy nổ. Hàng tháng, tiền xăng chi phí cho máy nổ cũng là một khoản đáng kể. Xăng ở Nhôn Mai không theo giá thị trường, luôn nằm ở mức xấp xỉ 30 nghìn đồng/lít. Để tiết kiệm năng lượng, thuận lợi trong việc quản lý và nâng cao ý thức tự giác của học sinh, nhà trường phát động phong trào “Tiếng trống học bài”. Đến giờ học buổi tối, nghe hiệu lệnh, học sinh tự giác sang phòng học tự ôn bài, làm bài dưới sự giám sát của quản sinh. Hồi trống hiệu lệnh hết giờ học vang lên, học sinh cất đặt sách vở về phòng ngủ. Thầy Thanh lại đến từng phòng một kiểm tra số lượng, xem có học sinh nào chưa về hoặc trốn ra ngoài hay không.
Từ lúc đặt chân đến ngôi trường này, chúng tôi nhận thấy các giáo viên ở đây không chỉ là người thầy, người cô với nhiệm vụ ươm mầm tri thức mà còn là người cha, người mẹ, người anh, người chị của các em học sinh. Bởi lẽ, họ phải lo từng bữa ăn, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, quản lý giờ giấc học tập và lo cả giấc ngủ cho từng học sinh. Họ đã thực sự dành cho con trẻ những gì tốt đẹp nhất. Học sinh được ưu tiên ở trong những căn phòng khang trang, kiên cố, còn phòng học và phòng ở của giáo viên là những dãy nhà gỗ xập xệ đã qua gần 20 năm sử dụng. Ban đêm, phòng học của các em có điện máy nổ sáng trưng, trong lúc đó các thầy cô giáo phải soạn bài, chấm bài dưới ánh điện “cù” chập chờn, yếu ớt. Chừng ấy cũng đủ thấy sự hy sinh lặng lẽ, âm thầm của những người “gieo chữ” chốn thâm sơn cùng cốc này.
Thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi lên Nhôn Mai nhận công tác, tập thể cán bộ giáo viên chúng tôi phải làm được một việc có ý nghĩa là nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đất “4 không” này. Việc ấy thực sự khó, không dễ làm trong ngày một ngày hai nhưng không phải không làm được. Hiện tại, nhà trường đang thực hiện phương chân “8 đủ, 2 vững, 1 bền”. Đó là đủ ăn, đủ mặc, đủ ấm, đủ sách vở, đủ dụng cụ học tập, đủ số lượng, đủ điện thắp sáng, đủ nước sạch sinh hoạt; vững số lượng, vững chất lượng và phát triển bền vững”. Theo thầy Thái, nhờ thực hiện chế độ bán trú đã duy trì được số lượng học sinh đến lớp, khắc phục tình trạng bỏ học giữa chừng.
Chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn tăng lên rõ rệt, liên tục trong 3 năm học gần đây trường đều có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Trước đây, không ai dám nghĩ ở đất Nhôn Mai xa xôi và heo hút này lại có học trò được công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Bây giờ điều ấy không còn xa lạ. Những cái tên như Và Bá Cử, Vi Thị Giang, Lê Thị Mỹ Thơm đã trở thành niềm tự hào của thầy và trò nhà trường. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vừa qua, trường có 5 em đạt giải, đặc biệt có em Và Y Dí đạt giải Nhất môn Địa lý. Hiện tại, Và Y Dí cùng Và Y Dìa (môn Địa lý), Vi Thị Mùi (môn Văn) đang tích cực ôn tập để sắp tới lên đường dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy Thái và các thầy cô bộ môn tin rằng năm học này trường sẽ tiếp tục có học sinh được ghi danh “bảng vàng” của tỉnh. Có lẽ, họ thực sự hiểu rõ năng lực, sở trường và tính cách của học trò mình nên có được niềm tin mãnh liệt ấy...
Đêm ở Nhôn Mai thật tĩnh lặng, có thể nằm nghe tiếng của vạn vật, tiếng chồi non tách vỏ, tiếng của ngàn hoa đang hé nụ và tiếng thì thầm của mùa Xuân. Đặc biệt, tiếng rì rào của dòng Huổi Hý như là tiếng nhạc rừng ngợi ca những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho các bản làng ở Nhôn Mai!
Bài, ảnh: Công Kiên