Bệnh dại - muộn là không thể

11/07/2011 10:49

(Baonghean) - Trong những năm gần đây,đặc biệt vào các dịp hè, Bệnh viện Nhi Nghệ An thường tiếp nhận một số trẻ bị mắc bệnh dại vào điều trị. Hầu hết các trường hợp này phát hiện ra đều đã muộn, khi trẻ đã lên cơn và lúc đó các biện pháp can thiệp là không thể.

Ngay trong những tuần đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc bệnh đến từ Con Cuông và Quỳnh Lưu. Trong đó trường hợp cháu nhỏ đến từ Con Cuông được người nhà đưa vào viện vì nghi ngờ cháu bị viêm não chứ không nghĩ đến việc cháu bị chó dại cắn và cháu đã tử vong ngay tại Khoa Cấp cứu. Trường hợp thứ 2 của cháu Nguyễn Trọng Hoà, 3 tuổi, nhập viện ngày 10/6, đã được chuyển đến khoa Truyền nhiễm và cũng tử vong tại đây. Cháu Hoà bị chó cắn vào vùng mặt, sau 9 ngày gia đình mới đưa đi tiêm phòng. Khi vào viện, tức là sau 20 ngày bị chó cắn, cháu đã có biểu hiện lên cơn.

Theo tâm sự của các y, bác sỹ thì đây là những trường hợp rất thương tâm, gây nhiều ám ảnh, bởi chứng kiến các cháu vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường cho đến tận lúc chết mà đành bất lực. Như vậy, đối với bệnh dại, chỉ có thể phòng bệnh chứ không thể chữa được bệnh khi người bệnh đã lên cơn.


Tiêm phòng bệnh dại tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
(Ảnh minh họa: NLĐ)

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Nghệ An thì bệnh dại hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. "Không có dại ở chó, mèo, súc vật thì hoàn toàn không có dại ở người. Vì vậy, trước hết cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và mỗi hộ dân trong việc quản lý, giám sát việc tiêm phòng cho súc vật. Và không kém phần quan trọng là nâng cao ý thức đề phòng của người dân khi bị súc vật cắn. Khi bị cắn không được đánh chết hay làm thịt con vật đó mà cần theo dõi biểu hiện của nó trong một quãng thời gian sau đó. Không được tìm thuốc Nam để chữa trị. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần để ý lưu tâm những vết xước trên cơ thể con em mình vì có nhiều cháu nhỏ khi bị chó, mèo cắn thường không nói với bố mẹ".

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết một số điểm lưu ý khi bị súc vật cắn:

Nếu bị cắn vào vùng thần kinh trung ương như vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục, vết cắn sâu hay nhiều chỗ thì phải tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt (nên trước 2 ngày sau khi bị cắn). Nếu bị cắn ngoài các vùng nói trên thì theo dõi con vật trong vòng 10 ngày, nếu con vật đó không chết thì không cần phải tiêm phòng. Còn nếu trong khoảng thời gian đó, con vật bị chết, bị làm thịt, bị mất hoặc không biết con vật nhà ai cắn thì phải đi tiêm phòng. Địa điểm tiêm phòng là tại các Trung tâm y tế huyện, thành, thị và phải tiêm đủ liều (4,5,6 lần tiêm tuỳ thuộc loại văcxin)

Bên cạnh đó, cần phải xử lý vết thương sau khi bị súc vật cắn như sau: Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, sau đó rửa bằng nước muối sinh lý 0,9%, bôi chất sát khuẩn như cồn 700 hay dung dịch iod. Không nên khâu kín da hoặc băng ép quá kín vết thương. Trong trường hợp cần thiết có thể cắt lọc nhưng không khâu ngay vết thương, chỉ khâu sau khi đã xử lý vết thương đúng quy cách. Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn, nếu cần có thể phải tiêm phòng uốn ván.


T.Vinh

Mới nhất
x
Bệnh dại - muộn là không thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO