Bệnh Glocom (thiên đầu thống)
(Baonghean.vn) Theo bác sỹ Lê Thị Thanh Trà, Thạc sỹ nhãn khoa, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trong những năm qua, có khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glocom tìm đến các cơ sở chuyên khoa Mắt khi đã ở giai đoạn muộn, đặc biệt ở những người cao tuổi.
(Baonghean.vn) Theo bác sỹ Lê Thị Thanh Trà, Thạc sỹ nhãn khoa, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trong những năm qua, có khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glocom tìm đến các cơ sở chuyên khoa Mắt khi đã ở giai đoạn muộn, đặc biệt ở những người cao tuổi.
Đây là một bệnh cấp tính làm nhãn áp tăng cao, có thể phát đồng thời trên 2 mắt nhưng đa số là lần lượt bị một mắt trước sau đó bị sang mắt kia. Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, có khi gặp ở trẻ sơ sinh (gọi là bệnh glocom bẩm sinh). Bệnh này có thể gặp ở những bệnh nhân biến chứng tiểu đường, đục thể thủy tinh quá chín, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt. Những người có bố, mẹ, anh, chị mắc bệnh Glocom có nguy cơ mắc bệnh cao.
Triệu chứng ban đầu của người mắc bệnh Glocom là thấy nhức đầu về đêm, khi nhìn vào đèn thường thấy quầng xanh đỏ, đôi khi mắt mờ như nhìn qua một màn sương. Những cơn cấp tính thường xảy ra sau một xúc động mạnh, bị mệt nhọc hay do cảm lạnh đột ngột. Có người có biểu hiện đau mắt dữ dội, lan lên nửa đầu, buồn nôn, có khi muốn ngất, thị lực giảm nhanh chóng.
Sự nguy hiểm của căn bệnh này mang lại là gây tổn thương rất nặng ở hệ thống thần kinh của mắt mà các tổn thương đó không phục hồi được, nếu không được xử trí nhanh dễ gây biến chứng mù mắt.
Nguyên nhân căn bệnh này do trạng thái tiết dịch vào các phòng trong mắt và sự lưu thông thoát dịch ra ngoài không được điều hòa, dịch ứ lại làm áp lực trong mắt tăng cao gây tổn hại các bộ phận trong mắt. Cũng có thể do cảm xúc quá mạnh, nhất là ưu phiền, mất ngủ, mỏi mệt, tình dục quá độ, một số bệnh toàn thân (sốt, mạch máu, thần kinh...) tác động gây cương tụ máu, kích thích vỏ não và các trung tâm thần kinh ở giữa não.
Để phòng bệnh, nên đi khám định kỳ tại chuyên khoa Mắt nhằm phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt chú ý những người ở nhóm nguy cơ cao. Tránh lo lắng, giận dữ, thức khuya, làm việc điều độ. Kiêng ăn thức ăn cay, chua, tránh táo bón.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Glocom tùy theo dạng bệnh và tình trạng nặng, nhẹ. Điều quan trọng nhất, theo bác sỹ Trà, vẫn là việc đến các cơ sở chuyên khoa Mắt sớm khi có một số triệu chứng kể trên.
T.V (Ghi)