Bệnh khảm lá sắn bùng phát ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Vụ sắn năm 2022, Nghệ An đã trồng được gần 10.000ha, trong đó diện tích sắn bị bệnh khảm lá đã lên đến trên 2.000ha ở các địa phương: Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn…
4ha/7,5ha sắn vừa trồng của gia đình anh Trần Văn Nhâm (Thanh Ngọc, Thanh Chương) nhiễm bệnh khảm lá buộc phải nhổ bỏ. Ảnh: Thanh Phúc |
Vụ sắn 2022, gia đình anh Trần Văn Nhâm ở xóm Yên Xuân, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương nhận thầu khoán 7,5ha đất công ích của xã. Trên địa bàn có nhà máy sắn, giá sắn nguyên liệu vài năm trở lại đây đang cao, có thời điểm lên đến 2.000 đồng/kg, mỗi ha sắn thu lãi từ 20-25 triệu đồng nên anh mạnh dạn cải tạo diện tích đất vừa đấu thầu để trồng sắn. Vậy nhưng 7,5ha sắn vừa nảy mầm khỏi mặt đất đã rải rác xuất hiện bệnh khảm lá, đến nay, 4ha sắn đã nhiễm bệnh.
Anh Trần Văn Nhâm cho biết: “41 triệu đồng tiền thuê đất và gần 200 triệu đồng tiền vốn, tiền phân bón, nhân công, tiền làm đất đổ vào 7,5ha sắn. Giờ, hơn nửa diện tích sắn nhiễm bệnh phải nhổ bỏ, tiêu hủy, mất trắng cả trăm triệu đồng. Nay còn tốn tiền thuê nhân công nhổ bỏ, xử lý mầm bệnh trên diện tích đã trồng. Nan giải nữa là bây giờ lấy đâu ra giống sắn sạch bệnh để trồng mới và giờ cũng không kịp thời vụ nữa. Trong khi đó, diện tích đất đồi vệ, xa nguồn nước nên không thể chuyển đổi sang cây trồng khác”.
Sắn vừa lên khỏi mặt đất 20cm đã xoăn lá, quắt cây và không phát triển được. Ảnh: Thanh Phúc |
Trước thực trạng bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại địa phương, huyện Thanh Chương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát các vùng trồng nguyên liệu sắn. Đồng thời, có công văn đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các hộ dân trồng sắn kịp thời nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý diện tích sắn nhiễm bệnh.
Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: “Tổng diện tích sắn toàn huyện hiện nay là 2000 ha. Trong đó, các giống chủ yếu KM94, CT11 ngoài ra có giống NA94… Hiện bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại các xã Thanh Ngọc, Thanh Hòa, Thanh Nho... với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 15 ha. Trong đó, diện tích bị nặng: 2,5ha, trung bình 5,5 ha, nhẹ: 6,5 ha.
Đối với loại bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị nên chỉ có cách nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý mầm bệnh tận gốc để tránh lây lan sang các diện tích khác. Đồng thời tuyên truyền, tập huấn cho người dân sớm phát hiện mầm bệnh, cách xử lý và bố trí cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ nông vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn kiểm tra, giám sát các vùng trồng”.
Sau khi nhổ bỏ, nhiều diện tích trồng sắn đang để trống vì chưa biết trồng loại cây gì thay thế, nhất là những vùng trồng xa nguồn nước. Ảnh: Thanh Phúc |
Ở Tân Kỳ, vụ sắn năm 2022, toàn huyện đã xuống giống 2.400ha sắn nhưng đã có tới 1.700 ha nhiễm bệnh khảm lá. Hiện, người dân đang tập trung nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý đất trồng.
Bà Đặng Thị Vân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Vụ sắn 2021, toàn huyện có 2.000/3.500 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá, năng suất sụt giảm mạnh. Vụ sắn năm nay, nhiều diện tích vừa nhú mầm đã bị nhiễm bệnh buộc phải nhổ bỏ, tiêu hủy, bà con chịu tổn thất lớn, có những hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Theo thống kê sơ bộ từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hiện toàn tỉnh đã xuống giống gần 10.000ha sắn nguyên liệu nhưng đã có đến trên 2.000ha sắn nhiễm bệnh khảm lá. Thời điểm này, sắn vừa lên khỏi mặt đất tầm 15-20cm, nguồn bệnh chủ yếu đang ở trong thân cây, trong các hom giống đã bị bệnh, sắp tới, khi nắng lên, bọ phấn trắng phát triển mạnh thì chắc chắn, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sẽ tăng nhanh nếu không xử lý triệt để, kịp thời.
Người dân ồ ạt mở rộng diện tích nhưng chưa quan tâm đến việc lựa chọn nguồn giống, kỹ thuật canh tác hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguồn bệnh khảm lá sắn lây lan chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng. Do vậy, việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống kháng bệnh là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Tuy nhiên, hiện giống sắn đang trôi nổi, chủ yếu do người dân tự để giống, xin giống của nhau chứ chưa có nơi cung cấp giống đáng tin cậy, nguồn giống chưa được kiểm soát có sạch bệnh hay không.
Trước tình hình bệnh khảm lá sắn bùng phát trên diện rộng, hiện nay, một số địa phương như Anh Sơn, Tân Kỳ đang thử nghiệm mô hình giống sắn sạch bệnh trên một số diện tích, từ đó nhân ra diện rộng. Đồng thời, vận động bà con các vùng trồng chia sẻ giống sạch bệnh trong cộng đồng. Người có giống không bị bệnh chia sẻ cho người có ruộng sắn bị bệnh; tuyệt đối không nhập hom giống từ các nơi khác về, khó kiểm soát mầm bệnh.
Hiện nay, nhu cầu về nguồn giống sạch bệnh đang rất bức thiết. Trong khi chờ các giống mới được nhân rộng thì người dân cần chia sẻ nguồn giống sạch cho nhau. Ảnh: Thanh Phúc |
Hiện, Viện Di truyền nông nghiệp đang nhân giống mới sạch bệnh như: HN1, HN36, HN80, HN97 làm nguồn giống cho các địa phương. Tuy nhiên, trước khi các giống mới kháng bệnh được nhân ra diện rộng thì người dân cần tuân thủ đúng kỹ thuật chuyên môn về phòng trừ bệnh khảm lá sắn, không ồ ạt mở rộng diện tích và chia sẻ nguồn giống sạch cho nhau.
Các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn:
- Không nên trồng sắn liên tục nhiều năm trên một vùng đất và tuyệt đối không trồng lại sắn trên đất vừa nhiễm bệnh khảm lá mà phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
- Chọn và trồng những giống sắn không hoặc rất ít bị nhiễm bệnh khảm lá như: Giống sắn KM94, KM95… Không nên lấy hom giống của những giống sắn vừa qua đã bị bệnh khảm lá để trồng lại và cũng không trồng những giống sắn không rõ nguồn gốc.
- Chủ động phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng để đề phòng bệnh phát sinh, lây lan bằng các loại thuốc như: Pymetrozine (Chess 50 WP, chesstar 50 WG, Sagametro 50WG, Schezgold 500WG…)
- Tùy theo mức độ bệnh, thời kỳ cây sắn bị bệnh để xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV. Trong đó cần lưu ý nhổ và tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh để đảm bảo an toàn cho diện tích còn lại.