Bệnh nhân chạy thận - Nỗi đau và khát vọng sống
(Baonghean) - Hiện nay, số bệnh nhân suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ của tỉnh Nghệ An khá nhiều người, trong đó, Khoa Thận BV Giao thông vận tải Vinh tiếp nhận trên 100 bệnh nhân, Bộ phận Chạy thận nhân tạo - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh trên 60 bệnh nhân. Dù bị lấy đi gần như toàn bộ thời gian và sức khỏe, nhưng những bệnh nhân chạy thận mà chúng tôi gặp trong cuộc chiến sinh tử này đã qua những bi quan, tuyệt vọng để nuôi lấy hy vọng, lạc quan.
Chúng tôi đã gặp các bệnh nhân chạy thận ở 2 bệnh viện nêu trên, khi họ đang nằm trên giường bệnh với gương mặt xanh xao, ở trong những căn nhà trọ ẩm thấp sực mùi thuốc kháng sinh… để nghe về những cảnh đời, những nỗi niềm cay đắng, và mong ước vô cùng nhỏ nhoi, giản dị của họ…
Những cảnh đời nơi “xóm thận”
Xung quanh 2 bệnh viện này, từ lâu đã hình thành những xóm trọ dành cho bệnh nhân chạy thận. Quanh bệnh viện GTVT, người dân đã chỉ cho chúng tôi tới 3 “xóm” như thế. Mỗi phòng trọ chừng 10-12 m2, có thể là nơi ở của 1 đến 3 bệnh nhân. Xác định chống chọi với căn bệnh này là một quá trình lâu dài, phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, thế nên các bệnh nhân chạy thận đều hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Họ đều coi căn phòng trọ nhỏ ấy là nhà mình.
Anh Thái Khắc Dần và suất ăn giữa giờ lọc máu.
Anh Thái Khắc Dần sinh năm 1975, quê Kỳ Tân, Tân Kỳ đã có “thâm niên” 7 năm chạy thận và 5 năm sống tại căn phòng trọ đối diện BV GTVT( trước đây là nhà nghỉ của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh) với giá 600.000đồng/phòng trọ cho 3 người tá túc. Lâu lắm rồi, anh Dần không về quê. Năm ngoái, bố anh mới mất, anh chỉ về chịu tang được ít ngày rồi vội vã trở vào. Nhà có mẹ già, các anh chị khó khăn cả, bản thân anh chưa kịp lấy vợ đã bị bệnh nan y, anh một mình chống chọi cùng bệnh tật.
Góc giường của anh chính là một thế giới nhỏ, nơi lưu giữ những kỉ niệm và nơi gửi gắm mọi buồn vui. Anh treo lên đó bức ảnh thời đi lính, cây ghi ta cũ sờn, những trang họa báo vui mắt. Anh vẫn thường ngắm nghía thế giới của mình, đôi lúc gẩy lên một vài âm thanh và ước mong được sống. Anh đã từng chứng kiến người bạn cùng phòng trọ thời trước lả đi trên tay mình và từ giã cuộc đời khi anh vừa chạy đưa vào viện. Cái ước mong được sống luôn trỗi dậy mãnh liệt, nó lớn hơn bao nhiêu lúc buồn nản, buông xuôi. Anh và anh Hồ, anh Quế (2 người bạn cùng phòng), hàng ngày sau giờ chạy thận đã dùng chiếc xe máy cà tàng của anh Quế làm thêm nghề xe ôm trước cổng bệnh viện. Không phải chỉ là để kiếm thêm tiền, mà mục đích cao hơn là các anh còn giúp nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác khi họ gặp khó khăn về phương tiện.
Em Lê Quang Trung, sinh năm 1988, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cũng đã có 4 năm chạy thận tại BV GTVT. Học đến lớp 10, em đành bỏ học để gia nhập làm cư dân của xóm chạy thận. Cũng thuê nhà, một mình chống chọi bệnh tật, hàng tháng bắt xe về Cẩm Xuyên lấy thêm gạo, muối, vậy mà luôn thấy nụ cười hồn nhiên trên gương mặt em. Em nói đã quen với cuộc sống một mình, quen với bệnh viện, coi các cô, các bác cùng chạy thận ở đây như người thân, em thường chạy đi chạy lại giúp những cô bác đã yếu hơn mình mua cái bánh mì, một hộp sữa hay gọi bác sỹ khi cần…
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Hay như chị Phan Thị Ngân quê Yên Thành là bệnh nhân đang chạy thận ở BV Hữu nghị đa khoa N.A cũng là một hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Lấy chồng muộn, được một năm thì chồng mất do bệnh ung thư, con chào đời bị gan mật bẩm sinh, hiện cháu được 14 tuổi và là bệnh nhân ngoại trú của Bệnh viện Nhi TƯ. Con đành gửi bà nội (là vợ liệt sỹ), chị vào đây chạy thận và thuê phòng trọ gần chợ Hưng Dũng (Vinh) cùng một người nữa với giá 500 nghìn một tháng. Đã mấy tháng nay chị chưa được gặp con do bệnh ngày một nặng, và lúc khỏe chị phải tranh thủ đi nhặt thêm ve chai để kiếm tiền thuốc thang.
Còn nhiều lắm, những cảnh đời như thế, những anh Liêm, anh Thiếp đã 10 năm gắn bó cùng BV. Hay như trường hợp Nguyễn Văn Lâm sinh năm 1988, quê Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn, con mới được 2 tháng tuổi đã theo mẹ đi chạy thận cùng bố; bà Nguyễn Thị Hồng cũng vừa chạy thận, vừa nhặt ve chai, đã có lần chết hụt bên đường ray tàu hỏa khi mải chạy theo nhặt vỏ chai nước…
Bám trụ cùng sự sống
Bệnh nhân chạy thận chủ yếu thuộc thành phần nghèo, nhưng theo cách nói của bệnh nhân và các bác sỹ ở đây thì bệnh này sẽ biến người giàu thành nghèo, người trung bình thành kiệt quệ. Một bệnh nhân trung bình một tuần phải lọc máu tới 3 lần (mỗi lần 4 tiếng) để duy trì sự sống. Bệnh nhân có bảo hiểm nhưng những thuốc ngoài thận thì lại phải mua ngoài. Bệnh nhân bị suy thận sẽ dẫn đến suy đa phủ tạng rồi dẫn tới các bệnh khác, thế nên với cảm giác bất lực trước bệnh tật, trở thành gánh nặng, lại không được sự chăm sóc của người thân, là điều dễ hiểu.
Rất hiếm bệnh nhân thận được chăm sóc trong phòng trọ sang như thế này.
Tuy nhiên, những bệnh nhân chạy thận mà chúng tôi gặp, trong cuộc chiến sinh tử này họ đã qua những bi quan, tuyệt vọng để tự biết nuôi lấy hy vọng, lạc quan. Niềm vui của họ là hàng ngày được gặp nhau, chuyện trò, chia sẻ cùng nhau miếng bánh mì, uống cùng nhau một ấm trà nóng vừa pha, có người thân lên thăm nom. Và họ cũng tìm nhiều cách để kiếm kế sinh nhai, có tiền thuốc thang, không trở thành gánh nặng của gia đình mặc dù điều nay là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, họ luôn biết nương tựa, thương yêu, giúp đỡ động viên lẫn nhau.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Mạnh (Trưởng khoa Thận- BV GTVT), bác sỹ Phan Trọng Hòa (Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu- BV HNĐK N.A) đều cho hay: Hàng ngày, phải chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm, thấy được khát vọng sống của bệnh nhân, các y, bác sỹ ở khoa đều dặn mình phải nâng cao chất lượng phục vụ, thực sự là người chia sẻ với họ trong bệnh tật cũng như cuộc sống. Ở đây có rất nhiều bệnh nhân không có người thân, người thăm nom sau tháng ngày dài nằm viện vì đã đến lúc tất cả mọi người đều mệt mỏi, kiệt quệ. Vì vậy, bệnh nhân khoa thận được phép gọi điện thoại cho bác sỹ vào bất cứ giờ nào và đều được nhận sự giúp đỡ. Bên cạnh những nỗ lực từ phía bệnh viện như đầu tư máy móc đồng bộ cho khoa thận, đào tạo bài bản cho đội ngũ y, bác sỹ, hỗ trợ thêm một bữa ăn cho bệnh nhân chạy thận hàng ngày thì các y, bác sỹ cũng mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ, có thêm nhiều tổ chức nhân đạo từ thiện đến với các bệnh nhân này.
Thùy Vinh