Bệnh sởi - biến chứng khó lường

(Baonghean) - Bệnh sởi, trong quan niệm của dân gian là một bệnh tự khỏi và không nằm trong danh mục những bệnh nguy hiểm. Nhưng những diễn biến của bệnh sởi hiện nay rất khó lường: Số trẻ bị sởi biến chứng ngày càng nhiều và chỉ  riêng miền Bắc tính đến ngày 17/4 đã có 111 em tử vong.
Cẩn trọng khi dùng thuốc
Liên tục hơn 3 tháng liền chống chọi với các bệnh nhân sởi, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An và các y, bác sỹ trong khoa cảm thấy mệt mỏi. Chính ông cũng không lý giải hết được sự phức tạp của bệnh sởi trong năm nay, nhất là với những trường hợp biến chứng. Đã có hơn 10 bệnh nhân nhi quá nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Đến thời điểm này, ngành cũng chưa thể khẳng định được trong số 110 bệnh nhân đã tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có bệnh nhi được chuyển lên từ Nghệ An hay không?.
 Kiểm tra sức khỏe trẻ bị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thúy Hiền
Kiểm tra sức khỏe trẻ bị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thúy Hiền
Theo dõi trường hợp của cháu Ngô Bá L (Diễn Hoa, Diễn Châu) vừa phải chuyển ra Trung ương vào sáng 16/4 trong tình trạng bệnh nặng, tiến triển chậm sẽ thấy bệnh sởi rất khó lường. Cháu L nhập viện ngày 6/4 khi có những triệu chứng thông thường như sốt, ho, chảy  nước mũi. Sau  2 ngày cháu xuất hiện những mụn đỏ phỏng rộp ở mặt ngoài, cẳng chân sưng phù. Với những triệu chứng trên, ban đầu L được các bác sỹ chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên, viêm tấy cẳng chân phải nghi do côn trùng đốt. Tuy vậy, điều trị đến 6 ngày thì L không đỡ và xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, nổi nhiều ban, sốt kéo dài. Đến lúc này, mới phát hiện L bị viêm phổi nặng do lên sởi. Khi chuyển sang khoa truyền nhiễm thì bệnh thuyên giảm chậm. Đến sáng 16/4, tức là sau 10 ngày nằm ở Bệnh viện Sản Nhi, theo nguyện vọng của gia đình và từ thực tế sức khỏe của L, cháu được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương…
Kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Sởi là một bệnh khó chẩn đoán và chỉ  khoảng 67% trường hợp mắc sởi chẩn đoán được từ ban đầu. Do vậy nên, các bệnh nhân nhi trước khi được chuyển sang khoa truyền nhiễm để điều trị bệnh sởi lại chủ yếu được chuyển từ khoa khác hoặc từ các đơn vị y tế khác đến và phần nhiều là do viêm phổi nặng lên sởi. Cũng bởi khó chẩn đoán, nên trong quá trình điều trị không ít cơ sở y tế, không ít bác sỹ cho trẻ dùng thuốc có chứa corticoid dạng như Hydrocortison, Prednison, Betamethason, Dexamethason, Prednisolon, Salumodin. Đây là một loại thuốc được dùng khá phổ biến, thậm chí một thời người ta xem như “thần dược” bởi bệnh gì cũng dùng được và dùng nhanh khỏi. Những loại  thuốc này cũng được dùng nhiều để chống lại những tình huống nguy kịch như  đau đớn, nhiễm trùng hay chống viêm ở giai đoạn sớm, các bệnh dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, hen suyễn nặng.
Nhưng thuốc dạng corticoit cũng có nhiều tác hại nếu sử dụng lâu dài. Riêng với những trẻ bị bệnh sởi, thuốc gây suy giảm miễn dịch, làm sởi không mọc được, khiến bệnh nặng thêm. Bác sỹ Trần Văn Sơn cho biết thêm: Có tới 30% trẻ bị bệnh sởi nặng đều có tiền sử dùng thuốc corticoit. Bản thân ông đã khuyến cáo tới nhiều gia đình, tới nhiều cuộc hội nghị, tới cả các đồng nghiệp nhưng việc lạm dụng thuốc vẫn diễn ra phổ biến. Điều đó là hết sức nguy hại.
Trẻ trước khi xuất hiện sởi thường chỉ có những triệu chứng thông thường như sốt nhẹ, ho khan, không có đờm, chảy nước mũi, mắt đỏ, đau đầu, đau cổ họng... Theo lời khuyên của bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, tốt nhất khi chưa biết chắc bệnh gì thì chỉ nên điều trị triệu chứng như sốt dùng thuốc hạ sốt, ho dùng thuốc ho, phát hiệu dấu hiệu nhiễm trùng dùng thuốc kháng sinh chứ tuyệt đối không dùng thuốc có chứa corticoid. Không nên vì quá lo lắng khi con mới bị sốt nhẹ đã cho con đến các cơ sở y tế điều trị, không ít trường hợp khi đến lại được chỉ định uống thuốc có corticoit khiến sởi bị kìm hãm, không mọc được. Sau đó chuyển sang biến chứng. Thực tế, sởi có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày nếu trẻ không có những triệu chứng khác biệt như: dùng thuốc hạ sốt nhưng không hạ sốt, trẻ ngủ li bì, khó đánh thức co giật hoặc  khi sởi bay hết nhưng vẫn tiếp tục sốt.
Theo dõi các trường hợp đang được điều trị cho thấy, phần lớn trẻ bị sởi là do trước đó chưa tiêm phòng, trường hợp mới tiêm một mũi khả năng bị sởi cũng khá cao. 
Tăng cường tiêm chủng
Có nhiều lý do khiến cho nhiều trẻ chưa được tiêm phòng, trong đó có tiêm phòng sởi. Chị Lê Thị Liên, phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò có con gái hơn 3 tuổi đang điều trị ở khoa truyền nhiễm thì: Trước đây, những lần chuẩn bị tiêm phòng cháu đều bị sốt nên chần chừ mãi không tiêm được. Ngược lại, có nhiều gia đình, vì lo lắng có biến chứng sau tiêm phòng nên không đưa con đi tiêm phòng. Điều đó, vô hình trung khiến cho trẻ dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Sởi là loại bệnh dễ lây và chủ yếu lây qua đường hô hấp nên dễ dàng phát tán rộng khi không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Bác sỹ Trần Đình Cần - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hà Huy Tập cho biết: “Trong năm 2013, một phần vì việc tiêm chủng bị đình chỉ trong thời gian khá dài, một phần vì lo ngại nên tỷ lệ trẻ được tiêm phòng chỉ khoảng hơn 50%”. Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng hiện toàn tỉnh có khoảng 13.969 trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi cần được tiêm phòng sởi mũi 1 và 19.582 trẻ từ 18 - 24 tháng đang cần phải tiêm phòng sởi mũi 2.
Thực hiện theo Quyết định số 601/QĐ - BYT ngày 20/2/2014 của Bộ Y tế, và công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về “tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi”, công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa con đi tiêm phòng cũng đã bắt đầu được thực hiện tại các địa phương trong gần một tháng trở lại đây.  Theo kế hoạch việc tiêm sởi bổ sung này sẽ được kết thúc vào cuối tháng 4/2014. Ông Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên cho biết: Nếu theo khảo sát huyện chỉ tiêm mũi 1, mũi 2 cho 1.032 cháu nhưng có thêm 79 cháu là trẻ vãng lai cũng đã xin đăng ký để được tiêm cho đủ số mũi. 
Sáng 17/4, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành đã tổ chức tiêm vét 810 liều vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi. Để đợt tiêm vét vắc xin sởi lần này đạt mục tiêu đề ra, Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ đạo tại mỗi điểm tiêm chủng phải  bảo đảm các điều kiện về an toàn tiêm chủng như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, phương tiện cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế; bố trí ít nhất 2 cán bộ đã được tập huấn và có giấy chứng nhận. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung rà soát đối với số trẻ từ 9 -24 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi; trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi trước khi tiêm vét trên 1 tháng; phối hợp với xóm trưởng để rà soát lập danh sách các đối tượng vãng lai đưa vào danh sách tiêm, phấn đấu số trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng sởi đạt kết quả 100%.
Ông Phan Nguyễn Truyền - Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế khẳng định: Sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để việc tiêm phòng được thực hiện an toàn, ngành cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc và các loại kim tiêm, bơm tiêm. Trước đó, một cuộc thanh kiểm tra về các điều kiện để đảm bảo cơ sở tiêm chủng an toàn cũng đã được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Những trạm y tế nào chưa đảm bảo các điều kiện đã được nhắc nhở và khắc phục kịp thời. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức điểm tiêm chủng lưu động ngoài trạm.
- Theo số liệu đến thời điểm này đã có 111 em nhỏ tử vong do bệnh sởi. Lo ngại về diễn biến của bệnh sởi, ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số mắc bệnh và tử vong. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả bệnh nhân, khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng. 
- Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, trẻ được khuyến cáo nên tiêm mũi chủng ngừa sởi đầu tiên khi 9 tháng tuổi. Trẻ được tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 12 tháng tuổi. Ở một số nước khác, trẻ được bắt đầu tiêm chủng ngừa sởi khi 12 tháng tuổi. Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh nguyên nhân nhiễm sởi do không tiêm phòng, vẫn không thể loại trừ các trường hợp đã tiêm đủ mà vẫn bị nhiễm sởi vì không có một loại vắc-xin nào có thể cho tỷ lệ miễn nhiễm 100%. 
Mỹ Hà

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.