Bệnh viêm da hay gặp ở trẻ

07/01/2013 18:14

Nhiều bà mẹ lo lắng vì con có những vảy nhờn trên da đầu mà dân gian gọi là “cứt trâu” hay trẻ lớn hơn thì khó chịu, mặc cảm vì da đầu có nhiều “gàu”.

Một dạng khác là những mảng vảy kèm với nổi hồng ban ở các vị trí như: chân mày, sau tai, hai bên má, cổ… hoặc vùng nách, bẹn, rất dễ lầm tưởng là nổi sảy do nóng nhưng thực được chẩn đoán là bệnh viêm da tiết bã.

Viêm da tiết bã là bệnh gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Huấn, đây là bệnh viêm da thường gặp, mạn tính, với đặc trưng có hồng ban tróc vảy nhờn, giới hạn tương đối rõ, tập trung chủ yếu ở các vùng da nhiều tuyến bã như trên da đầu, ở mặt và vùng thân trên cơ thể, vì vậy được gọi là bệnh viêm da tiết bã.

Nguyên nhân có thể do tăng đáp ứng viêm với vi nấm Malasssezi furfur, là loại vi nấm ái mỡ thường sống ở các tuyến bã nhờn, và các yếu tố gene di truyền và môi trường cũng có ảnh hưởng đến khởi phát và diễn tiến của bệnh viêm da tiết bã.

Hình ảnh viêm da tiết bã ở trẻ em. Ảnh:SKDS.

Biểu hiện bệnh

Chẩn đoán chủ yếu dựa lâm sàng, xét nghiệm hiếm khi cần thiết. Thường chia 2 nhóm tuổi với các biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ: thường thấy nhất là nhiều vảy nhờn, dính, tập trung ở đỉnh đầu, và có thể tạo thành lớp dày, lan tỏa khắp da đầu tạo hình ảnh giống như chiếc mũ (dân gian gọi là "cứt trâu"). Vị trí thường gặp thứ nhì là viêm da vùng tã lót, thường biểu hiện đỏ da nhiều hơn là có vảy. Ngoài ra có thể gặp ở mặt, vùng nếp gấp (vùng sau tai, vùng nách, vùng bẹn). Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm thêm nấm candida hay vi trùng.

Bệnh thường khởi phát sớm lúc 2 - 10 tuần tuổi và nhìn chung sẽ hết lúc 8 - 12 tháng tuổi trước khi có thể xuất hiện trở lại ở tuổi dậy thì. Tất cả nhóm tuổi của trẻ đều có thể bị tình trạng này, ngay cả khi chúng không tạo nhiều tuyến bã như người lớn.

Trẻ lớn vị thành niên và người lớn: hầu hết biểu hiện dưới dạng vảy da đầu, dân gian gọi là "gàu". Có thể dưới dạng mảng vảy kèm ít hồng ban ở các vị trí nhiều tuyến bã nhờn như giữa lông mày, giữa trán giữa 2 lông mày, nếp gấp mũi má, quanh mí mắt, sau tai, trước xương ức, giữa xương bả vai, dưới nếp gấp vú, rãnh sau tai, ống tai ngoài...

Bệnh có nguy hiểm và kéo dài không?

Bệnh không gây nguy hiểm, chỉ gây ít nhiều khó chịu và ảnh hưởng thẩm mỹ. Viêm da tiết bã ở trẻ nhũ nhi có tiên lượng tốt, tự giới hạn và hầu hết đáp ứng rất tốt với điều trị tại chỗ thích hợp. Với trẻ lớn vị thành niên và người lớn thì thường cần phải điều trị kéo dài hơn.

Điều trị cho trẻ nhỏ như thế nào?

"Cứt trâu" hay vảy da đầu:

Có thể bôi dầu khoáng hay dầu dành riêng cho bé như Baby Oil để làm mềm các vảy bám trên da đầu trước khi gội đầu vài giờ. Có thể dùng lược chải đầu có lông chải mềm dành riêng cho bé để chải nhẹ nhàng hàng ngày khi gội đầu giúp loại bỏ bớt các vảy trên da đầu.

Nếu các cách trên không hiệu quả: có thể dùng các dầu gội có các chất chống tiết bã như pyrithione zinc hay selenium sulfide. Các dầu gội kháng nấm như ketoconazole cũng có hiệu quả cao.

Các chế phẩm có chứa acid salicylic không nên sử dụng vì có thể gây kích ứng và ngộ độc salicylic.

Nếu da đầu viêm nhiều: corticoid thoa tại chỗ loại nhẹ như hydrocortisone 1%. Nếu bội nhiễm vi trùng (rỉ dịch, đóng mày vàng..): dùng kháng sinh chống tụ cầu trước khi điều trị corticoid bôi tại chỗ.

Sang thương ở da:

Có thể dùng corticoid bôi tại chỗ tác dụng nhẹ như hydrocortisone 1% hay 2,5%, desonide 0,05%, bôi da 2 lần mỗi ngày khi có viêm nhiều.

Ketoconazole là chọn lựa thay thế cho điều trị viêm da tiết bã ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ để tránh tác dụng phụ khi dùng corticoid tại chỗ trong thời gian dài hay trên vùng da rộng lớn.

Trẻ lớn vị thành niên và người lớn điều trị như thế nào?

Vảy da đầu:

Để kiểm soát vảy da đầu: dùng dầu gội chống tiết bã có hoạt chất như pyrithione zinc, selenium sulfide, ketoconazole, tar hay acid salicylic. Để kiểm soát hồng ban: bôi corticoid tác dụng nhẹ như fluocinolone, triamcinolone... lúc đi ngủ tối.

Da:

Hydrocortisone 1% hay 2,5%, và/hoặc kem ketoconazole bôi da 2 lần mỗi ngày nếu cần thiết. Kem ketoconazole hay ciclopirox olamine bôi 1 - 2 lần mỗi ngày có hiệu quả điều trị, ngay cả các trường hợp khó và sang thương lan rộng. Itraconazole uống có tác dụng với những ca viêm da tiết bã trung bình - nặng.

Viêm da tiết bã vùng mặt ở trẻ vị thành niên thường được điều trị với kem hydrocortisone từng đợt và/hoặc với kem ketoconazole. Một số thuốc có thể sử dụng như mỡ pimecrolimus 1%, metronidazole 0,75%...

Viêm quanh bờ mi mắt:

Xoa nhẹ bờ mi và rửa thường xuyên với dầu gội trị gàu có chứa kẽm hay tar. Kem ketoconazole bôi một lần một ngày có giá trị trong những ca kháng trị. Hạn chế corticoid thoa tại chỗ kéo dài vì có thể gây cườm nước (glaucome).

Tất cả các cách điều trị trên nên được thực hiện dưới sự thăm khám và chỉ định của thầy thuốc.


Theo Sức khỏe & Đời sống - NT

Mới nhất
x
Bệnh viêm da hay gặp ở trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO