Bệnh viện Ung bướu Nghệ An: 15 năm - một chặng đường - Bài 1: Trưởng thành từ gian khó
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ra đời là một bước tiến quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong công tác điều trị ung thư tại tỉnh nhà. Dù đối mặt với vô vàn gian khó, những người đầu tiên xây dựng bệnh viện vẫn không lùi bước. Họ dũng cảm nỗ lực, cống hiến hết mình để chữa trị cho bệnh nhân ung thư; góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Y tế Nghệ An giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Diệp Phương• 14/01/2025
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ra đời là một bước tiến quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong công tác khám và điều trị ung thư tại tỉnh nhà. Dù đối mặt với vô vàn gian khó, những người đầu tiên xây dựng bệnh viện vẫn không lùi bước. Họ tận tụy, cống hiến hết mình để chữa trị cho bệnh nhân ung thư; góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Y tế Nghệ An giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Ngược dòng ký ức về những năm đầu của thế kỷ 21, PGS.TS Nguyễn Quang Trung cho biết, ung thư khi đó vẫn là một căn bệnh có phần "huyền bí" trong suy nghĩ của người dân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn, đa phần người dân chưa hiểu biết nhiều về căn bệnh này, ngoài những thông tin đơn giản như "ung thư là bệnh không có thuốc chữa" hay "ung thư thường chỉ được phát hiện khi đã quá muộn". Vì thế, khi nhắc đến ung thư, nhiều người có xu hướng lo lắng, sợ hãi và xem đó là “án tử” vì họ không biết phải làm gì để phòng bệnh, cũng như chữa bệnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2000, tại Việt Nam có 68.810 ca bệnh ung thư và lên tới 126.307 ca vào năm 2010. Còn ở Nghệ An, năm 2009 có 5.592 ca bệnh ung thư các loại. Trong bối cảnh là tỉnh nghèo, dân số đông, diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước. Từ TP.Vinh đi đến các huyện xa nhất của tỉnh như Kỳ Sơn gần 300 km, Quế Phong hơn 250 km… Khi người dân đến cơ sở y tế khám và phát hiện bệnh ung thư đều phải chuyển ra bệnh viện K hoặc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị.
Thời điểm ấy, đa phần các bệnh nhân ung thư đều có thời gian sống thêm rất ngắn (từ 6 tháng - 1 năm) do phát hiện muộn, bệnh đã di căn nên việc chữa trị vô cùng khó khăn; cùng với đó, vấn đề đi lại xa xôi, chi phí điều trị tốn kém đã dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân nghèo bỏ điều trị, ngậm ngùi từ giã cõi trần.
Trước tình hình đó, ngày 27/08/2010, được sự đồng ý của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 3826/QĐ-UBND thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An với 5 nhân viên biên chế, trong đó, PGS.TS Nguyễn Quang Trung được giao đảm nhiệm chức vụ Giám đốc bệnh viện, TS.BSCKII Đậu Huy Hoàn (nay là Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An) giữ chức Phó Giám đốc, cùng 3 nhân viên hành chính.
“Trong quá trình cải tạo và sửa chữa để đưa bệnh viện vào hoạt động, ngày nào cũng có người nhà bệnh nhân đến hỏi thời gian mở cửa để họ có thể đưa người nhà về điều trị. Những mong mỏi đó, như dấy lên hy vọng chưa thể thành hiện thực, càng khiến chúng tôi kiên định hơn. Dù chỉ có năm người nhưng chúng tôi đã quyết tâm tận dụng mọi thời gian, làm việc ngày đêm để giám sát các nhà thầu, sửa chữa từng hạng mục, từ sân vườn cho đến buồng bệnh để hoàn thành nhanh nhất có thể. Cũng trong thời gian này, bệnh viện đã gửi những lá thư kêu gọi nhân viên y tế trên toàn tỉnh về viện công tác. Sau gần một năm, bệnh viện đã quy tụ được thêm 38 bác sĩ, kỹ thuật viên” - PGS.TS Nguyễn Quang Trung nhớ lại.
Đến ngày 8/8/2011, bệnh viện chính thức đi vào hoạt động khám chữa bệnh với quy mô 50 giường bệnh, 50 biên chế, được tổ chức thành 5 khoa phòng và 1 tổ; cơ sở vật chất chỉ có vỏn vẹn 2 dãy nhà cấp bốn lợp mái tôn.
Một trong những bác sĩ tiêu biểu xin về ngày ấy là TS.BS Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Khi đang đương chức Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, có danh tiếng và đầy triển vọng, anh đã tự nguyện viết đơn xin về công tác tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An - với chuyên ngành mới, vừa thành lập còn nhiều thử thách, chưa rõ ràng về tương lai.
Chia sẻ về lý do đầy táo bạo này, bác sĩ Hùng thổ lộ: “Muốn điều trị ung thư, trước hết phải chẩn đoán được bệnh; việc phát hiện ung thư sớm đóng vai trò quyết định kết quả chữa trị, chẩn đoán càng sớm, điều trị càng hiệu quả. Trong khi đó, căn bệnh hiểm nghèo này, nếu điều trị kéo dài, những người giàu cũng có thể rơi vào cảnh túng quẫn, rồi nỗi đau thể xác, ám ảnh tinh thần luôn đè nặng trong tâm trí người bệnh. Vì vậy, tôi mong muốn có thể sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để cùng các đồng nghiệp chẩn đoán bệnh chính xác và kịp thời, mang lại những cơ hội chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, đóng góp sức lực cho công cuộc phát triển chuyên ngành ung bướu tại Nghệ An”.
Bác sĩ Hùng kể, những ngày đầu công tác tại bệnh viện, mọi thứ đều phải bắt đầu từ con số 0. Anh phải mang máy in, máy siêu âm của cá nhân lên viện để làm việc. Dù thiếu thốn trang thiết bị, nhưng bệnh nhân vẫn đông, không đủ giường buồng bệnh, nhiều người phải nằm ngoài hành lang; có những thời điểm phải nằm chật kín ngoài sân.
“Khi không còn chỗ nằm trên hành lang, bệnh nhân phải kê giường nằm dưới gốc cây phượng (nay là khu nhà lưu trữ hồ sơ bệnh án). Mỗi khi ánh nắng dọi xuống lại phải xoay giường theo bóng râm. Hay những cơn mưa bất chợt đến, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều vội vã khiêng giường, tìm chỗ trú. Đó là những khoảnh khắc vừa buồn cười, vừa khó khăn, nhưng cũng đầy nghĩa tình. Chính lúc đó, tình người, tình đồng nghiệp, tình yêu nghề đã được xác định rõ ràng và chúng tôi gọi đó là "vườn bệnh viện" - bác sĩ Hùng chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Hùng, trước khi có quyết định chuyển công tác về Bệnh viện Ung bướu Nghệ, PGS.TS Nguyễn Quang Trung đang giữ chức Phó Giám đốc và TS.BS Đậu Huy Hoàn đang giữ chứcPhó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp tại Bệnh Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Đây là hai bác sĩ ngoại khoa giỏi có tiếng bậc nhất tại tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ và cũng là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Các bác sĩ, kỹ thuật viên tình nguyện về bệnh viện ngày đó luôn tâm niệm, cống hiến là cho đi không toan tính. Đó không chỉ là việc hy sinh thời gian, công sức mà còn là sự tận tâm, tình yêu nghề và tinh thần không ngừng nỗ lực vì cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, khuôn viên bệnh viện những ngày đầu thành lập là một bức tranh đầy gian khó, được cải tạo từ hai khu nhà cũ kỹ của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, xây dựng từ năm 1985 đã xuống cấp nghiêm trọng. Do không có phòng phẫu thuật, bệnh viện đã phải dùng phòng điều trị bệnh nhân ngăn vách, gia cố lại để làm phòng phẫu thuật. Thậm chí, các trang thiết bị y tế cũng đi mượn ở các cơ sở khác.
“Bàn mổ, dao mổ, đèn mổ mượn của bệnh viện Đông Âu; vải, dụng cụ phẫu thuật, nồi hấp tiệt trùng mượn của Trung tâm Y tế dự phòng. Do công suất và thể tích của nồi quá bé nên phải hấp 4 lần mới đủ dùng cho một ca phẫu thuật đại phẫu, vì thế đội ngũ kỹ thuật viên phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị dụng cụ. Máy xét nghiệm cũng đi xin tài trợ của các nhãn hàng để về phục vụ bệnh nhân. Cả bệnh viện chỉ có duy nhất một phòng phẫu thuật, mỗi ngày có khoảng 5 - 7 ca mổ kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Vào một ngày hè, nhiệt độ tăng lên tới 39, 40 độ C, khi tôi và bác sĩ Hoàn đang trong ca mổ thì bất ngờ mất điện. Để có thể tiếp tục, tôi đành chạy qua nhà bác sĩ Hoàn, cách bệnh viện một quãng ngắn, để mượn tạm chiếc máy phát điện dự phòng 3kw. Nó chỉ đủ cung cấp điện cho máy gây mê, đèn mổ và một chiếc quạt nhỏ” - PGS.TS Nguyễn Quang Trung nhớ lại.
Dẫu cơ sở vật chất thiếu thốn ê kíp mổ vẫn không nản lòng. Mỗi thao tác được thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ hơn bao giờ hết, như thể từng cử động của bác sĩ đều mang trong mình một sự sống quý giá. Trong suốt cả quá trình, dưới sự ngột ngạt, căng thẳng của phòng kín, những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, nhưng lòng quyết tâm đã giúp họ vượt qua tất cả. Ca phẫu thuật đã thành công và đó là kết quả xứng đáng dành cho các “chiến binh blouse trắng” tận tâm, chuyên môn giỏi.
Bác sĩ Trung bảo, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, lúc khó khăn nhất, thiếu thốn nhất con người ta mới bộc lộ được sức mạnh. Và có lẽ, khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, con người ta mới thực sự thấu hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe. Ngược lại, với những người thầy thuốc, chính trong khoảnh khắc khắc ấy, họ mới cảm nhận được rõ nhất về sứ mệnh cao cả của nghề. Đó không chỉ là công việc, mà còn là trách nhiệm đối với từng bệnh nhân.
Đền đáp những nỗ lực đó là sự tin tưởng tuyệt đối từ người bệnh. Khi chỉ có 50 giường bệnh kế hoạch nhưng bệnh viện vẫn phải tiếp nhận và điều trị nội trú cho hàng trăm bệnh nhân. Nhu cầu chữa trị ung thư ngày đó vô cùng lớn, dẫu nằm tạm bợ dưới gốc cây, trong nhà xe; ngày mưa lũ, nước ngập lênh láng, bệnh nhân ngồi co ro trên giường. Trong ánh mắt lo âu của họ còn chứa chan niềm tin, hy vọng vào đội ngũ y bác sĩ.
Đứng trước muôn vàn thách thức về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, tập thể bệnh viện, đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Quang Trung đã không ngừng nỗ lực, dốc sức xây dựng và phát triển. Đến cuối năm 2012, nhà Kỹ thuật nghiệp vụ 3 tầng đã được khởi công xây dựng với tổng diện tích sàn 2.274 m².
Cùng với đó, bệnh viện đã tổ chức đấu thầu, mua sắm máy móc và trang thiết bị y tế thiết yếu, phục vụ nhu cầu chữa bệnh, cũng như gắn đặt các thiết bị chuyên khoa hiện đại tại khu nhà Kỹ thuật nghiệp vụ. Các hạng mục quan trọng như: hệ thống khí y tế, phòng phẫu thuật vô trùng, hệ thống ghép tủy, labo giải phẫu bệnh đã được trang bị đầy đủ, tạo nền tảng vững chắc cho công tác điều trị.
Đến tháng 4/2013, Nhà Kỹ thuật nghiệp vụ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đánh dấu bướctiến quan trọng trong sự phát triển của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Từ đây, bệnh viện đã có đầy đủ các khoa Khám Bệnh, Giải phẫu bệnh, Xét nghiệm, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Phẫu thuật gây mê, khu ghép tuỷ và khoa Ngoại; đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh ung thư ngày càng cao của người dân Nghệ An và các tỉnh lân cận.