Bếp ăn tập thể trong trường học: Còn nhiều nỗi lo!

16/09/2014 11:03

(Baonghean) - Năm học mới, bên cạnh việc chăm lo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Để làm tốt, đòi hỏi các nhà trường phải có sự chuẩn bị chặt chẽ cả về trang, thiết bị, nhân lực và ý thức của người chế biến…

(Baonghean) - Năm học mới, bên cạnh việc chăm lo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Để làm tốt, đòi hỏi các nhà trường phải có sự chuẩn bị chặt chẽ cả về trang, thiết bị, nhân lực và ý thức của người chế biến…

Đơn cử vụ ngộ độc tập thể lớn nhất xảy ra tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - Trung học cơ sở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) vào cuối tháng 12 năm 2013: Sau khi ăn xong bữa cơm tối với thực đơn gồm có cơm, canh bí xanh, thịt lợn kho, đến khoảng 20h30 phút, hàng chục học sinh cùng lúc xuất hiện các triệu chứng như: nôn mửa, đau bụng...; có 13 em phải đưa đến trạm y tế xã điều trị. May mắn không có ai tử vong, nhưng cùng lúc có gần 100 học sinh bị ngộ độc khiến giáo viên và phụ huynh hết sức lo lắng. Tuy vụ việc khá nghiêm trọng, số người bị ngộ độc nhiều nhưng qua kiểm tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã không xác định được nguyên nhân, bởi dù là bếp ăn tập thể, mỗi ngày nấu ăn cho hơn 300 học sinh bán trú nhưng nhà bếp không có tủ lưu mẫu thức ăn. Chỉ biết thực phẩm để chế biến cho học sinh trong bữa ăn đó được mua từ buổi sáng tại chợ Huồi Tụ, thịt để từ trưa đến chiều không có tủ bảo quản.

Thực tế, đây cũng là thực trạng chung của nhiều bếp ăn tập thể tại các trường bán trú các huyện vùng cao. Bởi lẽ, ở những vùng này, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, điện yếu, nhiều nơi còn phải dùng nguồn điện chạy bằng các máy phát điện mini nên không có đủ năng lượng để sử dụng cho các thiết bị bảo quản thực phẩm đúng quy định. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm sử dụng nấu ăn cho các nhà trường thường dùng theo các mối quan hệ thân quen, hoặc mua ở chợ theo kiểu buôn bán nhỏ lẻ. Thế nên muốn có một hợp đồng về cung cấp nguyên liệu theo quy định cũng khó. Như ở Trường Tiểu học Yên Na, điểm trường Na Khốm, bếp ăn chỉ là một chái tranh nhỏ, từ khu vực bếp, đến nơi ăn uống của học sinh còn hết sức sơ sài. Để chuẩn bị bữa ăn cho học sinh, hàng ngày bố mẹ đem cơm đến cho con, thầy, cô giáo ở trường thì giúp phụ huynh nấu thức ăn. Bếp ăn ở điểm bản Đình Tài thuộc Trường Tiểu học Xiêng My cũng chỉ là vài tấm gỗ dựng tạm, thực phẩm, rau xanh phần lớn lấy từ nguồn ủng hộ của phụ huynh…

Tại địa bàn Thành phố Vinh, trong năm học này toàn ngành có khoảng 80 trường học mầm non và tiểu học trong và ngoài công lập có bếp ăn tập thể phục vụ cho gần 32 ngàn học sinh. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các công trình phụ trợ, thực phẩm, trang thiết bị và ý thức của người chế biến…Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất vẫn là nguồn thực phẩm đầu vào, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là một trong những nguy cơ dẫn tới tình trạng mất an toàn VSTP tại các bếp ăn tập thể trong các trường học. Thực tế, tại đợt kiểm tra gần đây, ông Phan Xuân Hùng - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế Thành phố Vinh, cho biết: Kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường học, hầu hết các trường đều đạt trên 90% số điểm theo yêu cầu.

Tuy nhiên, có một số trường trong hợp đồng mua bán còn ghi chung chung, chưa nêu được tính chất của thực phẩm... Việc các trường có đầy đủ các văn bản hợp đồng với các đơn vị cung ứng cũng chỉ mới đảm bảo đầu vào về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế, khi các trường đi mua ở chợ có đảm bảo theo đúng như quy định đã cam kết ban đầu lại là một vấn đề khác và ít có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nguồn hàng cung cấp thiếu ổn định, trong khi thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể luôn có số lượng lớn, phải thu gom từ nhiều nguồn khác nhau nên thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực phẩm chủ yếu được vận chuyển bằng xe máy nên dễ bị ô nhiễm trong quá trình đi lại. Ngoài ra, tại nhiều trường học vẫn còn tình trạng khu vực chế biến chật chội, hệ thống đường dẫn nước rác thải thiếu và bố trí không hợp lý nên nguy cơ mất an toàn VSTP cao.

Như tại Trường Mầm non Nghi Đức, hiện tại dù trường đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có bếp một chiều nhưng nơi nấu, rửa dọn... còn chật chội, ẩm thấp. Ở đây cũng chưa có nguồn nước máy nên nhà trường phải sử dụng hệ thống lọc bằng máy; thức ăn mua của người dân địa phương. Cô Phạm Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Việc cung ứng chỉ có cam kết giữa người cung cấp và nhà trường. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch mở rộng khuôn viên bếp lên 1200m2 như trong quy hoạch nhưng nay còn nhiều khó khăn trong đầu tư nên cơ sở vật chất ở khu vực bếp chưa đạt theo yêu cầu.

Khu vực rửa dọn ở Trường Mầm non xã Nghi Đức (TP. Vinh).
Khu vực rửa dọn ở Trường Mầm non xã Nghi Đức (TP. Vinh).

Giám sát các bếp ăn tập thể ở các trường học cũng là một nội dung quan trọng được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quan tâm nhiều năm nay. Tuy nhiên với đặc thù địa bàn rộng, các trường học nằm ở vùng khó khăn nhiều nên để đòi hỏi tất cả các bếp ăn tập thể đều đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo như quy định là một điều hết sức khó khăn, nhất là các tiêu chí về địa điểm, môi trường, thiết bị, dụng cụ đựng thực phẩm, hợp đồng cung cấp nguyên liệu, tủ lưu mẫu, sổ ghi chép thực phẩm theo đúng quy định. Ngoài ra, cần có nguồn nước đảm bảo yêu cầu, hệ thống xử lý chất thải và việc tập huấn kiếm thức vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe cho người tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Ông Đinh Văn Lĩnh, Trưởng phòng Thông tin truyền thông và Quản lý thực phẩm - Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Nghệ An, cho biết: Khảo sát 576 bếp ăn tập thể tại các trường học gần đây cho thấy, có đến hơn 200 bếp ăn chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại nhiều bếp ăn, chưa thực hiện đúng việc lưu mẫu theo đúng quy định, một số bếp ăn chưa trang bị tủ lưu mẫu, sổ theo dõi lưu mẫu. Nhiều nơi, đặc biệt là các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Quế Phong vẫn chưa có các hợp đồng cung cấp nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Một số nơi, vì kinh phí hạn hẹp, một bữa ăn của các cháu chỉ khoảng 10.000 đồng nên khó lựa chọn sản phẩm. Công tác đảm bảo VSATTP cũng gặp trở ngại do giáo viên dinh dưỡng ở một số trường hầu hết đều mới được tuyển dụng, hoặc chỉ được bồi dưỡng sơ khai về kỹ thuật chế biến thực phẩm, hợp đồng tạm thời nên khó chuyên tâm trong công việc. Ý thức giữ gìn vệ sinh dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em của một số phụ huynh còn hạn chế.

Để đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã có văn bản yêu cầu phòng y tế và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý hoạt động của bếp ăn tập thể ở các trường học. Trong đó, phải tập trung thực hiện các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tổ chức tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học. Phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/2012/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo VSATTP tại bếp ăn tập thể của các trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP. Điều tra tìm nguyên nhân, xử lý kịp thời khi có vụ ngộ độc thực phẩm xẩy ra; kịp thời tổ chức cứu chữa bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức của mỗi cá nhân từ người đứng đầu là hiệu trưởng các trường, của người trực tiếp chế biến tại các bếp ăn tập thể, của học sinh, phụ huynh.

Song Hoàng - Từ Thành

Mới nhất
x
Bếp ăn tập thể trong trường học: Còn nhiều nỗi lo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO