Bi kịch một gia đình
(Baonghean) - Người phụ nữ bị chết, kẻ thủ ác bị bắt, 3 đứa trẻ mất mẹ, chồng mất vợ, bố mẹ mất con... Đó là nỗi đau sau một vụ án mạng diễn ra tại xã Hoa Sơn (Anh Sơn), dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự tàn bạo của kẻ sát nhân. Điều đáng nói, họ từng là thành viên của một gia đình…
(Baonghean) - Người phụ nữ bị chết, kẻ thủ ác bị bắt, 3 đứa trẻ mất mẹ, chồng mất vợ, bố mẹ mất con... Đó là nỗi đau sau một vụ án mạng diễn ra tại xã Hoa Sơn (Anh Sơn), dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự tàn bạo của kẻ sát nhân. Điều đáng nói, họ từng là thành viên của một gia đình…
Hôn nhân đầy nước mắt
Thời điểm chúng tôi về Hoa Sơn, sự việc đã diễn ra hơn 2 tuần, người dân nơi đây vẫn chưa ngớt xôn xao, bàn tàn. Họ tiếp tục lên án về sự bất nhân của Phan Văn Tuấn (1978), kẻ đã dùng dao giết chết chị Đặng Thị Vân (chị gái của vợ y) và chém bị thương bé Thái Thùy Linh (con gái chị Vân) mới 6 tháng tuổi. Đồng thời, nhiều người bày tỏ sự chia sẻ mất mát với vợ chồng ông Khương- bà Minh (bố mẹ chị Vân) khi trong vòng vài năm, con trai mất vì ung thư máu, con gái cũng ra đi một cách tức tưởi. Rồi anh Thái Bá Minh bỗng chốc mất người vợ hiền, từ nay phải sống cảnh “gà trống nuôi con”.
Bé Thái Thùy Linh bên bố và bà nội. |
Trong căn nhà của mình, ông Đặng Văn Khương lẩn thẩn vào ra như một chiếc bóng, còn bà Nguyễn Thị Minh đang ốm nằm liệt giường. Sức chịu đựng của họ đã đến tận cùng giới hạn, nỗi đau quá lớn đối với hai thân thể già nua. Nén tiếng thở dài, bà Minh chia sẻ: “Vợ chồng chúng tôi ăn ở hiền lành, ông ấy là cựu chiến binh, tôi là cựu TNXP, không ăn ở bạc ác với ai mà vẫn phải gánh chịu nỗi đau đớn này. Mong pháp luật nghiêm minh trừng trị kẻ gây ra tai họa”. Lúc ấy, anh Thái Bá Minh (chồng chị Vân) và chị Đặng Thị Kiều (sinh 1981, em gái chị Vân, vợ thủ phạm Phan Văn Tuấn) cũng ghé lại an ủi, động viên bố mẹ.
Qua lời trò chuyện của các thành viên gia đình ông Khương, chúng tôi nắm bắt được diễn biến của sự việc đau lòng, suốt đời trở thành nỗi ám ảnh không dễ gì nguôi ngoai. Chuyện bắt đầu từ khi Kiều và Tuấn yêu nhau rồi quyết định chung sống. Tuấn là bạn đồng ngũ với người anh trai (đã mất), lại ở cùng xã nên Kiều hoàn toàn tin tưởng, không mảy may suy nghĩ khi nhận lời yêu và cưới chóng vánh. Sau đám cưới, Phan Văn Tuấn sớm bộc lộ bản chất của một kẻ độc đoán, vũ phu, lại còn thêm thói rượu chè, cờ bạc. Lấy phải một người chồng như thế, Đặng Thị Kiều cảm thấy cuộc sống ngày càng ngột ngạt, bởi liên tiếp phải hứng chịu đòn roi và sự nghi kỵ của chồng. Nhưng con gái đã bước chân theo chồng như con thuyền đã qua sông, Kiều nghĩ thế và chấp nhận chịu đựng tủi nhục để sống và để khỏi phiền lòng mẹ cha. Đặc biệt, khi lần lượt 2 đứa con ra đời, chị càng phải cố gắng nín nhịn, chị không muốn thay đổi cuộc sống để tình mẫu tử phải tan đàn xẻ nghé. Nhưng, thế không có nghĩa là chị được yên, bản chất độc đoán, vũ phu của Tuấn không bao giờ thay đổi, thậm chí còn bộc lộ ngày một rõ hơn.
Những người hàng xóm của Phan Văn Tuấn đã cho hay không ít lần y đóng chặt cửa để đánh đập vợ. Y hành động vô cùng tàn nhẫn, dùng chân tay đấm đá, giẫm đạp một cách không thương tiếc. Sau khi đánh đập xong, Tuấn luôn chửi bới và đuổi vợ ra khỏi nhà. Nghĩ đến các con nên những lần như thế, chị Đặng Thị Kiều đều cắn răng chịu đựng. Khi thoát được ra ngoài, chị chạy sang nhà hàng xóm hoặc về nhà bố mẹ đẻ để trốn kẻ vũ phu. Một lần, bị chồng đánh, Kiều chạy trốn sang nhà bên cạnh, người phụ nữ chủ nhà mở cửa buồng cho chị vào trong. Biết vợ đang ở đây, Phan Văn Tuấn đã ngồi lỳ trước hiên từ đầu hôm đến 5 giờ sáng ngày hôm sau để chờ đánh tiếp…
Lần khác, Kiều đang làm việc sau vườn, điện thoại của vợ đổ chuông, thấy số lạ, Tuấn bốc máy. Xong, y gọi vợ vào, việc đầu tiên là dùng tay đấm vào mặt mấy cái, rồi bảo Kiều gọi lại vào số máy kia. Kiều gọi, nhưng bên kia không có ai trả lời, Tuấn lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay một cách phũ phàng. Chị không hiểu vì sao mình bị đánh, mãi về sau mới biết khi Tuấn bốc máy, phía bên kia là giọng của một người đàn ông nói tiếng Bắc. Máu ghen tuông nổi lên, y đã ra sức đánh đập vợ một cách tàn bạo. Làm vợ Tuấn 5 năm, Kiều không thể nhớ nổi đã bao lần bị chồng đánh đập, hành hạ một cách dã man, biết bao lần tay chân, mặt mũi tím bầm, biết bao lần phải trốn chạy. Đặc biệt, những lần chồng có hơi men, thế nào chị cũng bị dính đòn.
Tuấn từng nói với anh Thái Bá Minh: “Khi đã say rượu, vợ nói gì tôi là tôi đánh, nhưng không nói câu gì tôi cũng đánh”. Đã không ít lần chị Kiều báo sự việc lên chính quyền địa phương qua Hội Phụ nữ và Công an viên nhưng mọi sự giáo dục đối với Tuấn đều vô hiệu, bởi khi đã thành bản chất không dễ gì thay đổi. Cũng đã mấy lần tính chuyện ly hôn, ngặt nỗi trước khi cưới Kiều đề nghị lên xã đăng ký kết hôn nhưng Tuấn cứ tìm cách lần lữa đến tận bấy giờ. Thành ra, tòa án không có căn cử để xét xử lý hôn. Không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng Kiều vẫn không thể dứt ra, bởi Tuấn thường xuyên đe dọa. Chị luôn sống trong nỗi uất nghẹn và thấp thỏm lo âu, không dám nghĩ đến những điều tốt đẹp.
Đặng Thị Kiều vẫn còn nhớ lần bị đánh đập sau cùng cách đây đã hơn 6 tháng. Lần ấy, Tuấn vừa đi làm ăn bên Lào về được mấy ngày, y bảo vợ làm bữa cơm mời bạn bè. Cũng như những lần khác, trong người sẵn có hơi men, y tìm cách gây sự, xúc phạm đến bố mẹ vợ và kiếm cớ để hành hung chị Kiều. Y lại giẫm đạp vợ, những người hàng xóm thương chị Kiều liền chạy đến khuyên ngăn nhưng vô hiệu. Đánh đập chán chê, y đuổi vợ ra khỏi nhà, bảo chị Kiều xếp quần áo ra đi và không được trở về ngôi nhà này nữa. Con giun xéo lắm cũng quằn, sự chịu đựng đã đến giới hạn, lần này chị quyết dứt áo ra đi. Định mang theo 2 đứa con, nhưng Tuấn nhất quyết giữ lại, buộc chị phải ra đi một mình. Đến nước này, Kiều chỉ biết vào miền Nam làm công nhân để kiếm sống, phải xa con và xa người thân nhưng trước mắt chưa có cách nào khác.
“MONG ĐỪNG CÓ BAN ĐÊM...”
Có thể nói, việc bạo hành kể trên của Phan Văn Tuấn và sự ra đi của Đặng Thị Kiều là nguồn cơn của vụ án mạng dẫn đến cái chết của chị Đặng Thị Vân. Bởi lẽ, khi Kiều vào miền Nam kiếm sống, ở nhà Tuấn đến nhà ông Khương để hỏi xin số điện thoại của vợ. Vợ chồng ông Khương bảo rằng từ khi Kiều đi không liên lạc liên lạc về với bố mẹ nên không có số điện thoại. Quay sang hỏi chị Vân, y cũng nhận được câu trả lời tương tự. Không chịu buông tha, y liên tiếp tìm gặp chị Vân để hỏi lấy bằng được số điện thoại của Kiều. Không đạt được mục đích, y liên tiếp khẳng định sẽ giết chết chị Vân. Anh Minh - chồng chị Vân và những người xung quanh nghĩ rằng đó chỉ là lời đe dọa, cùng lắm y chỉ dùng tay chân đấm đá chứ không dám manh động.
Mọi người đã không lường được sự tàn bạo, dã man và vô nhân tính của tên sát nhân này để có cách đề phòng. Chiều ngày 3/1/2015, nhằm lúc anh Thái Bá Minh đi vắng, y lại tìm đến nhà gặp chị Vân để đe dọa. Lần này, y bóp cổ chị vợ và nói sẽ giữ cho đến chết. Hàng xóm thấy thế liền sang can ngăn, buộc Tuấn phải buông tay và lên xe ra về. Nhưng chỉ một lát sau, y đánh xe quay lại, lúc này chị Vân vừa ôm con đi ra đến mép đường để sang nhà hàng xóm trú ẩn. Tuấn dừng xe, rút dao thủ sẵn trong người rồi chém liên tục người chị Đặng Thị Vân. Những người xung quanh không kịp can ngăn, y lập tức lên xe và tìm cách chạy trốn. Nhưng chưa ra khỏi phạm vi xã Hoa Sơn, kẻ sát nhân máu lạnh ấy đã phải tra tay vào còng.
Chị Đặng Thị Vân được đưa đi cấp cứu, nhưng không qua khỏi. Bé Thùy Linh mới 6 tháng tuổi cũng bị một vết chém dài trên mặt. Hôm chúng tôi đến nhà, bé đã được xuất viện, vết thương trên đã bắt đầu liền sẹo nhưng nét mặt và ánh mắt vẫn còn sự hoảng hốt. Bên bàn thờ chị Vân, anh Minh và những người thân không cầm được nước mắt, nhất là mỗi lúc trông thấy vẻ mặt ngây thơ của bé Thùy Linh. Hiện tại, bé đang được bà nội (bà Trần Thị Đông, hơn 80 tuổi) và cô ruột (chị Thái Thị Huy) chăm sóc. Anh Thái Bá Minh tâm sự: “Vợ mất, tôi như mất đi một cánh tay. Trước đây tôi là công nhân Nhà máy Xi măng 12/9, nay thất nghiệp phải về làm thuê kiếm sống. Đến giờ tôi vẫn chưa biết sắp tới phải làm gì để nuôi 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học”. Ôm đứa cháu nhỏ sớm phải gánh chịu nỗi đau mất mẹ, chị Thái Thị Huy chia sẻ: “Tôi làm ăn sinh sống ở tận Sơn La, hay tin gia đình em trai gặp phải hoạn nạn, lập tức soạn sửa về quê. Từ hôm về đến nay tôi không rời nó, thương nó quá, cứ mong đừng có ban đêm...”. Nghĩa là, ban ngày, họ hàng, làng xóm thay nhau đến động viên, chia sẻ, bé Thùy Linh ít khóc hơn. Nhưng cứ đến đêm khuya thanh vắng, nhớ mẹ và khát sữa mẹ bé cứ khóc thét lên, dỗ dành thế nào cũng không nín, có những đêm bé khóc đến tận sáng mới chịu ngủ. Những lúc như thế, chị Huy và anh Minh phải thay nhau bế Thùy Linh dạo đi dạo lại trong nhà…
LỜI KẾT
Trên địa bàn huyện Anh Sơn những năm gần đây, đã xẩy ra không ít vụ án mạng liên quan đến chuyện tình yêu và hôn nhân của lớp trẻ. Ở xã Hoa Sơn, năm 2012, Hồ Hải Tiến (1976) đã đâm chết vợ ngay tại UBND xã vì lý do ghen tuông. Còn ở xã Tường Sơn, năm 2013, Nguyễn Văn Xin (1988) ở xã Tường Sơn đã giết chết vợ và để xác trong một hang đá. Trước đó, vào năm 2010, Phan Văn Ngọc (1989 tuổi) đã dùng dao đâm chết 2 người rồi tự tử cũng liên quan đến chuyện tình yêu nam nữ. Cũng trong năm 2010, tại bến đò xã Đỉnh Sơn, Nguyễn Khắc Long (1978) đã đâm chết vợ là chị Lê Thị Ngân và anh Lê Văn Mạnh (em trai chị Ngân) đang trên đường từ TAND huyện trở về để giải quyết việc ly hôn…
Như vậy, có thể nói vấn đề bạo lực trong tình yêu và hôn nhân gia đình đã đến mức phải báo động. Các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội cần phải lên án và tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này, để không còn xẩy ra những bi kịch gia đình khiến không ít người bàng hoàng, đau đớn!
Tường Anh