Ngược lên vùng bán sơn địa của tỉnh hỏi thăm công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, anh lãnh đạo huyện vẻ mặt buồn rười rượi trả lời mà như độc thoại: “Lộc có nhiều loại lộc. Phải biết đâu là lộc ngón để tránh. Lộc ngón ăn vô là chết…”.
Hỏi anh có chuyện gì? Vẫn vẻ mặt rượi rượi buồn, anh đáp: “Huyện mình có cán bộ địa chính dính chàm, vừa bị Công an tạm giữ phục vụ công tác điều tra…”. Động viên anh, bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, mỗi gia đình chỉ hai người con nhưng có phải bố mẹ nào cũng quản nổi. Là công chức, nắm rõ quy định pháp luật mà có sai phạm thì họ phải tự chịu trách nhiệm chứ trách ai được…
Anh gật gật đầu, thì biết là vậy nhưng mà vẫn thấy buồn lòng. Rồi tâm sự, lĩnh vực quản lý đất đai nói chung, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng là công việc khó, nhạy cảm, lắm cám dỗ. Vì vậy, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý… UBND huyện đã liên tục nhắc nhở, cảnh báo trong các cuộc họp, và cả bằng văn bản; Huyện ủy cũng ra Chỉ thị riêng để chấn chỉnh đạo đức công vụ cán bộ làm công tác này. Cá nhân mình là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực, vì vậy, cũng đã nhiều lần cởi lòng với anh em. Rằng đất đai là tài sản lớn nhất của người dân. Tài sản đó thể hiện ở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân rất cần đến nó. Mình là cán bộ, phải làm đúng theo quy định, phải nhiệt tình để người dân được làm chủ đất đai của mình. Nếu người dân cảm ơn, thì xem như là phần lộc có thể dùng được, sẽ không ai phê phán. Nhưng lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để gây khó dễ, vòi vĩnh lấy tiền thì đồng tiền đó là lộc ngón. Dính vào sớm muộn cũng chết, chẳng ai cứu được. Cứ nghĩ nhắc nhiều, cởi lòng như thế thì anh em sẽ nghe, không đến nỗi vướng vào pháp luật. Ai ngờ vẫn mắc…
Nghe tâm tư trĩu nặng của anh thì thuật lại nhận định của ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, khi tham gia góp ý chỉnh sửa Luật Đất đai. Rằng Luật Đất đai năm 2013 tồn tại những bất cập, gây ra những hậu quả to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, và là một trong những môi trường rất thuận lợi để cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ông Nhưỡng đã phát biểu: “Có lẽ không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai. Do đó, không thể không nhanh chóng thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là vấn đề rất bức thiết”.
Anh nghe thì xác nhận Luật Đất đai còn những điều không sát với thực tiễn cuộc sống, còn có những điểm tồn tại, bất cập dẫn đến những điều Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đã nhận định. Như trên địa bàn anh, trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đang gặp những khó khăn. Ví dụ khi phải xử lý những trường hợp hồ sơ có nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng; đất giao trái thẩm quyền sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014, nhưng trước khi được giao đất đã có nhà ở, đất ở tại địa phương; những trường hợp đổi đất để lấy các công trình công cộng khác. Hay như những trường hợp được giao đất trái thẩm quyền đã nộp tiền sử dụng đất nhưng phiếu thu không hợp lệ, hoặc phiếu thu hợp lệ nhưng đã bị thất lạc, cơ quan giao đất không còn lưu trữ được hồ sơ, sổ sách chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất… Vì vậy, anh nói: “Có nhiều vướng mắc trong thực tiễn cần được tháo gỡ thông qua chỉnh sửa Luật Đất đai”.
Nhưng anh nhìn nhận tổng kết: “Qua sự việc cán bộ địa chính ở huyện mình và một số huyện bạn dính vào pháp luật thì thấy mấu chốt quan trọng nhất vẫn là con người. Phải tiếp tục quan tâm chấn chỉnh đạo đức công vụ, và phải làm gì đó để cán bộ thấy được giá trị của vị trí công tác để không dám đánh mất nó. Chứ sửa đổi hoàn thiện luật mà không nâng đạo đức công vụ lên được thì vẫn sẽ có không ít cán bộ sẽ dính vào lộc… ngón”.