Xã hội

'Bí quyết nghề' độc đáo ở làng mộc Tiền Phong

Diệp Thanh 30/03/2025 19:48

Làng mộc Tiền Phong (xã Xuân Hòa, Nam Đàn) chưa phải là một làng nghề thủ công nức tiếng, cũng chưa có được sự đầu tư, phát triển về quy mô. Nhưng giữa những cạnh tranh khốc liệt của thị trường, điều gì đã giúp làng nghề này duy trì sức sống bền bỉ và ngày càng phát triển?

lang moc Tien Phong Ảnh Diep Thanh00003

Tình làng

Ông Nguyễn Trọng Chiến (sinh năm 1973) - chủ một xưởng mộc đầu làng nhớ lại: “Tôi bắt đầu học và làm nghề vào những năm 80 của thế kỷ trước, từ một người anh trong họ. Sau khoảng một năm học nghề, tôi về mở xưởng và tiếp tục truyền nghề cho những người trong làng có nhu cầu. Cứ thế, chúng tôi dạy nhau và hỗ trợ nhau mở xưởng. Vì trong làng cũng nhiều người làm như thế nên dần dà, số lượng người làm mộc ở làng ngày một đông, trở thành một cộng đồng gắn bó mật thiết, rồi thành làng nghề từ lúc nào không hay”.

Clip: Diệp Thanh

Không ai biết chính xác làng mộc Tiền Phong có từ bao giờ, nhưng những người có tuổi trong làng đều nhớ, thời niên thiếu của họ lớn lên với tiếng búa, tiếng bào, tiếng đục đẽo và thanh xuân của họ in dấu trên những con đường hai bên dựng gỗ ván vàng ươm. Và trên hết, họ lớn lên, trưởng thành và phát triển cùng nhau.

Trò chuyện với chúng tôi hôm đó còn có ông Đào Văn Tài (sinh năm 1974). Vốn là “học trò” của ông Chiến, ông Tài hiện có một xưởng với quy mô lớn hơn, nhiều nhân công hơn, nhiều đơn hàng hơn cả “thầy”. Dẫu khi còn khó khăn hay đến nay, khi đã khấm khá, tình “thầy - trò” của 2 ông chủ xưởng vẫn luôn thắm thiết, gặp gỡ, thăm hỏi nhau gần như mỗi ngày.

lang moc Tien Phong Ảnh Diep Thanh00011
Người làm mộc ở Tiền Phong học nghề từ nhau và luôn hỗ trợ nhau trong công việc như anh em trong nhà. Ảnh: Diệp Thanh

Điều đặc biệt của làng Tiền Phong là mọi người rất hay "khen nhau". Người của xưởng mộc này sẵn sàng ca ngợi sự tài giỏi, khéo léo của một xưởng mộc khác và chẳng ngại dẫn khách đến để giới thiệu, đặt hàng. Mỗi xưởng sẽ cố gắng tập trung trau dồi một sản phẩm chủ đạo để khi cần, các xưởng có thể chia sẻ đơn hàng với nhau.

Ông Đào Văn Tài chia sẻ: “Tôi chuyên làm trần, ông Tài chuyên tủ bếp, ông Phương chuyên làm bàn ghế… Mỗi ông một thế mạnh, ông nào cũng làm nghề đàng hoàng nên khách chọn ai cũng được. Nếu cần làm nhà gỗ, nhà sàn, chúng tôi sẽ dẫn khách đến một xưởng lớn nhất làng, họ công nhân nhiều, làm chuyên nghiệp lắm!”. Quả thật, những chủ xưởng mộc này sẵn sàng dành thời gian dẫn khách sang xưởng bạn tham quan một cách nhiệt tình, dù xưởng mình vẫn bộn bề công việc.

ema web tiền phong ảnh Diệp Thanh
Những xưởng mộc ở Tiền Phong đều có sản phẩm chủ đạo riêng. Ảnh: Diệp Thanh

Ông Phan Xuân Hiền - Xóm trưởng xóm Tiền Phong cho biết: “Làng mộc Tiền Phong bắt đầu hình thành từ khoảng những năm 1970, được truyền từ kinh nghiệm dựng nhà gỗ của cha ông. Cho đến nay, làng có hơn 40 hộ làm nghề, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động. Những năm gần đây, đời sống đi lên, nhu cầu của khách hàng lớn nên làng nghề ngày càng thịnh vượng, hàng hóa sản xuất được giao đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều xưởng mộc đã nhanh tay cập nhật xu thế, đầu tư nhà xưởng, các trang thiết bị, máy móc hiện đại để đẩy mạnh tốc độ sản xuất.

Điều đáng quý là người trong làng luôn hỗ trợ nhau như anh em, chia sẻ đơn hàng để cùng nhau làm nghề, không bao giờ có chuyện so đo, kèn cựa hay phá giá… Về phía người dân - những người không làm nghề mộc, họ rất tạo điều kiện và cảm thông với tính chất công việc của nghề này. Làm sơn vốn bụi bặm, ồn ào và mùi khó chịu, nhưng không một ai kêu ca, phàn nàn. Thậm chí những gia đình có người ốm đau hay con nhỏ cũng chỉ tự tìm cách khắc phục chứ chưa bao giờ lấy lý do ô nhiễm để gây khó dễ”.

lang moc Tien Phong Ảnh Diep Thanh00015
Từ sự phát triển của làng nghề, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: Diệp Thanh

Ông Hiền cũng chia sẻ thêm, kể từ khi được công nhận làng nghề, mỗi hộ gia đình làm nghề được cấp một suất đất ở khu quy hoạch sản xuất tập trung của làng. Tuy nhiên, từ đó (năm 2014) đến nay, do nhiều vướng mắc, khu sản xuất tập trung này vẫn chưa thể bàn giao cho dân. “Nếu có thể sản xuất tập trung, với tinh thần đoàn kết của người dân, làng mộc Tiền Phong chắc chắn sẽ ngày càng lớn mạnh và tạo dựng được thương hiệu lan tỏa hơn nữa” – ông Hiền tin tưởng.

Những người phụ nữ làng mộc

Ở làng mộc, bên cạnh vai trò làm chủ của những người đàn ông thì vai trò của những người phụ nữ cũng cực kỳ quan trọng. Một cách lặng lẽ, những người phụ nữ tận tụy, siêng năng ở đây trở thành điểm tựa tinh thần cho cả gia đình, trở thành nhân vật đặc biệt mà chồng con luôn tự hào khi nói về.

langmoc tien phong 1 Ảnh Diep Thanh
Một góc làng mộc Tiền Phong. Ảnh: Diệp Thanh

Với niềm tự hào như bao ông chồng ở làng mộc, ông Đào Văn Tài (sinh năm 1974) nói về vợ của mình: “Ngoài làm mộc, nhà tôi còn có vườn và mấy mẫu ruộng, vừa trồng lúa, vừa trồng hoa màu. Trong khi tôi chỉ chuyên tâm làm mộc và quản lý sản xuất thì vợ tôi cùng lúc đảm nhận công việc cơm nước cho thợ thuyền, quán xuyến nhà cửa, ruộng vườn, chăm sóc con cháu… khi nào hàng hoá nhiều, vợ tôi còn hỗ trợ sản xuất để đảm bảo tiến độ. Khâu sản xuất nào bà ấy cũng nắm vững kỹ thuật và làm được hết nhưng thường chỉ phụ những công việc vừa sức như sơn, mài… Bận rộn túi bụi, làm luôn tay luôn chân nhưng không bao giờ than vãn”.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Chiến cũng thừa nhận, vợ ông là thành viên “nóc nhà” không thể thiếu trong gia đình, là người vợ đảm bảo mọi công việc, mọi mối quan hệ đều thông suốt, thuận lợi.

lang moc Tien Phong Ảnh Diep Thanh00001
Những người phụ nữ làng mộc đóng vai trò quan trọng trong gia đình. Ảnh: Diệp Thanh

Từ vị trí người con, anh Đinh Xuân Tuấn Anh chia sẻ: “Mẹ tôi theo nghề mộc kể từ khi lập gia đình. Từ đó đến nay, mẹ cùng lúc vừa là một cán bộ hội phụ nữ xã, vừa hỗ trợ bố làm xưởng mộc, vừa quán xuyến ruộng, vườn, chăm lo con cái. Không chỉ đa năng, ở vai trò, nhiệm vụ nào mẹ cũng hoàn thành tốt, luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Mà không chỉ mẹ đâu, ở làng Tiền Phong có rất nhiều mẹ, nhiều chị cũng giỏi giang, đáng nể như vậy. Thế hệ của tôi, vợ tôi nói riêng và những phụ nữ trẻ nói chung, không còn cùng chồng làm mộc như trước nhưng cũng luôn ủng hộ, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ với công việc của chồng. Hy vọng truyền thống đó sẽ được gìn giữ mãi”.

Được ca ngợi và tôn trọng nhưng những người phụ nữ làng mộc lại rất khiêm tốn, hiền lành. Bà Nguyễn Thị Phương - một trong những người phụ nữ điển hình của làng Tiền Phong, khẳng định: “Làm vợ thợ mộc làng này vất vả đấy. Sáng ra dậy sớm cơm nước rồi chăm sóc ruộng vườn. Nắng lên thì về xưởng phụ chồng làm gỗ. Hôm nào ít hàng thì chà nhám, quét sơn, hôm nào nhiều hàng thì cưa, vác... cũng đến tay. Đến tối, xưởng nghỉ, thợ nghỉ thì tranh thủ lau dọn vì bụi gỗ phủ trắng khắp nhà... Vất vả là vậy nhưng ai cũng say mê làm, vui vẻ hỗ trợ chồng, nguyện gắn bó với nghề, không ai muốn nghỉ đâu!”.

lang moc Tien Phong Ảnh Diep Thanh00004
Dù công việc vất vả nhưng bà Nguyễn Thị Phương vẫn luôn đam mê và muốn gắn bó với nghề. Ảnh: Diệp Thanh

Chia sẻ của bà Phương cũng là tâm sự chung của hầu hết những người phụ nữ làng mộc, dù họ sinh ra ở làng hay từ nơi khác về đây làm dâu. Ở xưởng mộc nào trong làng cũng có bóng dáng những người phụ nữ với khẩu trang bịt kín, trò chuyện rổn rảng và tay thoăn thoắt làm. Họ không chỉ là thợ, họ còn là nguồn năng lượng tích cực của cả xưởng bởi sự vui vẻ, cởi mở và tình yêu dành cho công việc. Dẫu công việc đó có thể nhiều rủi ro nghề nghiệp, có thể vất vả, bụi bặm, có thể khiến những nếp nhăn của họ nhiều hơn so với tuổi…

Phải chăng chính tình yêu gia đình và tình yêu lao động đã tạo nên những phẩm cách đặc biệt đó?

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

'Bí quyết nghề' độc đáo ở làng mộc Tiền Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO