Xã hội

Những người 'tiếp lửa' sự học trên quê Bác

Diệp Thanh 06/09/2024 09:56

Ở đâu đó, người trẻ có xu hướng lựa chọn đi làm xa hoặc xuất khẩu lao động thay vì học lên cao, nhiều vùng đất học nổi tiếng dần bị mai một theo thời gian.

Còn ở Xuân Hòa - miền quê thuần hậu thuộc huyện Nam Đàn, có không ít người lớn tuổi cần mẫn, miệt mài tìm cách giữ gìn truyền thống hiếu học cho thế hệ mai sau.

Người xây nhà bia khoa bảng

Đó là ông Nguyễn Mạnh Tuyên - một cán bộ hưu trí được người dân xã Xuân Hòa (Nam Đàn) gọi là “từ điển sống” về xã. Ông là người đã kiên trì sưu tập, ghi chép, tổng hợp lại danh sách những người tài, những tiến sĩ, nhân vật xuất chúng của xã Xuân Hòa suốt chiều dài lịch sử. Ở tuổi 80, ông Tuyên trăn trở: “Tôi phải làm, vì tôi muốn thế hệ trẻ trên quê hương mình hiểu được truyền thống hiếu học, hiểu được tầm quan trọng của sự học và tiếp nối truyền thống đó”.

ông Tuyên và công trình Nhà bia bảng Xuân Hoà Ảnh Diệp Thanh
Ông Nguyễn Mạnh Tuyên là người có công lớn trong xây dựng công trình Nhà bia khoa bảng Xuân Hòa. Ảnh: Diệp Thanh

Trong những chuyến đi cần mẫn trên chiếc xe máy cà tàng, ông Tuyên đến từng nhà, hỏi từng người, lục tìm những tài liệu xa xưa để có được danh sách đầy đủ nhất. Có những chuyến đi gần, cũng có những chuyến đi xa, có những ngày đẹp trời, cũng có những ngày nắng, mưa vất vả. Thương ông, gia đình, người thân rất nhiều lần khuyên ông nên nghỉ ngơi nhưng không được. Khi có được thông tin, tài liệu, ông lại sáng đèn thâu đêm viết thành bài hoàn chỉnh.

Cũng từ danh sách này, ông quyết tâm vận động chính quyền, nhân dân xây dựng Nhà bia khoa bảng của xã để tôn vinh sự học. Quyết tâm và sự kiên trì của ông đã thành sự thật. Năm 2021, Nhà bia khoa bảng xã Xuân Hòa được xây dựng công phu, chỉn chu, trang trọng trên nền đất cao, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, phong thủy tốt, nằm ở phía Tây Nam rú Anh, cận kề chùa Hương Lâm, đền Thôn Lễ.

Nhà bia khoa bảng xã Xuân Hoà
Nhà bia khoa bảng xã Xuân Hòa. Ảnh: CSCC

Công trình ghi danh các nhà khoa bảng của xã từ năm 1918 về trước, gồm 12 tiến sĩ phó bảng, 45 hương cống cử nhân, 104 sinh đồ tú tài; đồng thời, ghi danh những người con Xuân Hòa có học hàm tiến sĩ trở lên trong giai đoạn 1919-2017 với 67 tiến sĩ; danh sách sẽ tiếp tục cập nhật. Đây là danh sách hiếm hoi không phải xã nào cũng có được, cũng là công trình không phải địa phương nào cũng có thể làm được.

khuyến học Xuân Hoà Ảnh Thuỳ Dung00002
Tặng quà hằng năm cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc xã Xuân Hòa. Ảnh: Thùy Dung

“Quá trình xây dựng nhà bia, để có được sự ủng hộ, đồng thuận của tất cả mọi người, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Chưa từng có tiền lệ xây dựng nhà bia khoa bảng của một xã, nên có thời điểm chỉ có một mình tôi kiên trì với ý tưởng này. Tôi hy vọng công trình sẽ truyền tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống học tập, khoa bảng, cổ vũ, động viên các thế hệ con cháu học tập, tiếp thêm động lực để các cháu cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ quê hương, đất nước

Ông Nguyễn Mạnh Tuyên, xã Xuân Hòa (Nam Đàn)

Người cựu binh kể chuyện lịch sử

Với nhiều học sinh huyện Nam Đàn, Đại tá Nguyễn Huy Hướng là nhân vật quen thuộc. Ông thường xuyên tham gia vào các hoạt động kể chuyện lịch sử cho các trường học trên địa bàn. Với nhiều con cháu trong dòng họ Nguyễn Huy ở xã Xuân Hòa, ông là người thường xuyên triển khai các chương trình khuyến học, động viên, thăm hỏi tình hình học tập. Sau 40 năm cống hiến cho quân ngũ, ông Hướng trở về quê hương với mong mỏi lớn nhất là được đồng hành cùng thế hệ trẻ trên hành trình giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của địa phương.

Ông Hướng (ngoài cùng trên trái hàng 1) trao quà khuyến học cho các cháu trong dòng họ Ảnh NVCC
Đại tá Nguyễn Huy Hướng (ngoài cùng bên trái, hàng sau) trao quà khuyến học cho các cháu trong dòng họ. Ảnh: NVCC

“Tôi nhập ngũ năm 1969, từng tham gia Chiến dịch đường 9 – Khe Sanh, Chiến dịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch biên giới Tây Nam. Ở 3 chiến trường, tôi bị thương 3 lần, trong đó, lần nguy hiểm nhất là trong trận đánh ở Campuchia, bị địch bắn vào gần tim, đến bây giờ vẫn để lại sẹo. Bà nhà tôi từng hoạt động trong quân ngũ, cũng là một thương binh”, ông Hướng giới thiệu vắn tắt về mình. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông nói rất ít về bản thân dù từng đảm nhận chức vụ như Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục kỹ thuật Quân khu 4, là 1 trong 30 người có công với cách mạng tiêu biểu trong toàn tỉnh. Ông dành phần lớn thời gian để chia sẻ về những trăn trở của mình trong việc tiếp nối truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương, dòng tộc cho thế hệ trẻ.

Trong những cuộc trò chuyện với học sinh, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc được ông “thắp” lên một cách sinh động trong những trận đánh cam go để giành lấy độc lập, tự do. Tấm gương về sự hy sinh, lòng dũng cảm của những người lính Cụ Hồ được “chuyển tải” đầy sinh động.

“Thế hệ cha ông đã kiên cường ngã xuống cho chúng ta được sống ấm no, hạnh phúc trong hòa bình. Các cháu, bằng tri thức, bằng học tập, hãy tiếp tục viết nên những trang hào hùng, giàu mạnh của dân tộc ta. Đó là cách báo đáp thiết thực nhất”

Đại tá Nguyễn Huy Hướng - xã Xuân Hòa (Nam Đàn)

10 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn, ông Hướng đã thực hiện 20 buổi nói chuyện truyền thống cho 30.000 học sinh và thầy, cô giáo các trường THPT và THCS trên địa bàn huyện.

khuyến học Xuân Hoà Ảnh Thuỳ Dung00001
Tổ chức Hội thi "Kể chuyện về Bác Hồ" giúp học sinh hiểu về lịch sử, nuôi dưỡng lòng biết ơn. Ảnh: Thùy Dung

Câu chuyện của ông không chỉ giúp cho các em học sinh hiểu hơn về giai đoạn khó khăn, hào hùng của đất nước mà còn cho thấy những đóng góp không nhỏ của người dân huyện Nam Đàn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Là người phụ trách công tác khuyến học của dòng họ Nguyễn Huy ở xóm Hải Phong, ngoài khen thưởng con em có thành tích học tập tốt, ông Hướng còn đứng ra kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ, động viên các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục con đường học tập…

Có lẽ chính vì những trăn trở đó mà 3 người con trai của ông đều đạt được những thành tích cao trong học tập và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong công việc, các cháu đều theo học ở các trường chuyên của Hà Nội, của tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn.

Năm học mới, những ngày này, đi đến đâu của xã Xuân Hòa cũng nghe bà con rôm rả trò chuyện về ngày tựu trường, ngày nhập học các tân sinh viên. Ở nhiều địa phương, lựa chọn không học đại học, xuất khẩu lao động đã trở thành phong trào, xu hướng của một bộ phận không nhỏ người trẻ, nhưng ở Xuân Hòa, vì những “tre già” kiên trì, cần mẫn giữ nếp, nên học tập vẫn là một lựa chọn được khuyến khích và là con đường đáng tự hào của nhiều gia đình, dòng họ./.

Mới nhất
x
x
Những người 'tiếp lửa' sự học trên quê Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO