Bi sắt, môn thể thao "bị quên"?!
(Baonghean) - Dù đã được đưa vào huấn luyện, thi đấu thành tích cao và từng giành được những thành tích đáng khích lệ nhưng ở tỉnh ta, môn bi sắt vẫn ít người biết đến và còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Chứng kiến một buổi tập bi sắt tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao Nghệ An vào buổi trưa đầu hè, mới cảm nhận được sự gian khổ của những VĐV ở bộ môn này. Mồ hôi ướt đầm lưng áo dưới cái nắng chói chang, các VĐV bi sắt nữ trông như những công nhân với áo dài tay, nón, giày, khẩu trang kín mít... Mỗi VĐV có 3 viên bi với những bài tập đơn giản, lặp đi lặp lại, trông có vẻ nhàm chán nhưng VĐV nào cũng tập trung cao độ vào những cú đánh bi. Sau mỗi lần thực hiện động tác đánh bi không đạt yêu cầu, các VĐV cùng rút kinh nghiệm dưới sự chỉ dẫn của HLV trưởng Trần Thanh Huy – người gắn bó với bi sắt từ khi bộ môn này được tỉnh đưa vào huấn luyện, thi đấu thành tích cao vào năm 2004.
Qua trò chuyện, được biết, HLV Trần Thanh Huy từng là một VĐV cầu mây, chưa từng thi đấu bi sắt. Anh phải mày mò học hỏi qua tài liệu, qua các HLV bi sắt ở các tỉnh, thành khác để có kiến thức huấn luyện. Anh Huy cho biết: “Bi sắt là môn thể thao có mặt ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc nhưng phải đến năm 2000, bộ môn này mới được đưa vào thi đấu thành tích cao. Đây là môn thể thao không cần đầu tư nhiều, thể hình, thể lực của VĐV môn này không quá quan trọng và luật chơi cũng khá đơn giản. Chỉ cần một sân cát rộng khoảng hơn 70m2 cùng một bộ bi sắt gồm 6 viên là đã có thể tập luyện. Tuy vậy, một VĐV bi sắt chuyên nghiệp lại phải trải qua rất nhiều gian khổ khi phải tập luyện và thi đấu hàng giờ đồng hồ ngoài trời, kể cả dưới cái nắng hè và gió Lào đổ lửa hay mưa phùn gió bấc rét cắt da, cắt thịt. Do đó, rất ít người theo đuổi bộ môn này và đa phần là các vận động viên ở đội tuyển bi sắt tỉnh hiện nay đều xuất thân từ những gia đình nông dân, coi thể thao là cái nghiệp để thoát khỏi cảnh nghèo khó”.
![]() |
Một buổi tập của các VĐV bi sắt. |
Hiện nay, đội tuyển bi sắt Nghệ An có 12 VĐV, trong đó có 8 VĐV nữ, 4 VĐV nam. Từ năm 2006 đến nay, bi sắt Nghệ An mỗi năm tham gia đều đặn 3 giải đấu toàn quốc là Giải vô địch đồng đội toàn quốc, Giải vô địch cá nhân toàn quốc và Giải vô địch trẻ toàn quốc – mỗi giải gia từ 5-6 nội dung, chủ yếu là các nội dung phối hợp như bộ đôi, bộ ba. Năm nào đội cũng giành được huy chương ở các giải đấu này, đáng chú ý là các tấm HCV giải trẻ toàn quốc vào các năm 2011, 2012, HCB Giải vô địch cá nhân toàn quốc năm 2011, 2013. Ở đấu trường quốc tế, bi sắt Nghệ An cũng có được một tấm HCB tại SEA Games 25 tổ chức tại Lào của VĐV Nguyễn Thị Việt ở nội dung bộ ba nữ. Tuy so với các tỉnh, thành có môn bi sắt phát triển mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu…, thành tích trên còn khá khiêm tốn nhưng với một bộ môn khá mới mẻ, số lượng VĐV ít, kinh phí của tỉnh đầu tư cho thể thao thành tích cao còn nhiều hạn chế thì những tấm huy chương kể trên có thể nói rất đáng khích lệ.
Hiện nay, đội bi sắt Nghệ An còn thu hút được một VĐV ngoài tỉnh đến đầu quân là anh Phạm Thế Trung (SN 1973 – nguyên là tuyển thủ bi sắt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từng giành nhiều huy chương ở các Giải vô địch bi sắt toàn quốc). Còn lại các VĐV đều có tuổi đời khá trẻ với hơn 2/3 VĐV đang là học sinh phổ thông. Theo anh Trung, các VĐV bi sắt trẻ của Nghệ An hiện nay đều có sự đam mê và kỹ thuật tốt, vì vậy nếu được quan tâm đầu tư, huấn luyện tốt, họ sẽ tiến xa ở các giải đấu trong nước và cả quốc tế.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển, bi sắt Nghệ An còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo HLV Trần Thanh Huy, hiện nay số lượng biên chế VĐV ở bộ môn này còn quá ít ỏi, mới chỉ có 12 VĐV, con số chỉ vừa đủ để thành lập một đội tuyển tham dự các giải đồng đội toàn quốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sàng lọc VĐV cũng như thành tích của các VĐV ở các giải đấu trong nước. Bên cạnh đó, hiện nay, việc tuyển chọn VĐV cũng gặp rất nhiều khó khăn do các lớp nghiệp dư không còn, các HLV phải dựa vào quan hệ với các cán bộ, thể thao ở các huyện có mở lớp nghiệp dư trước đây như TX Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Đô Lương… để tìm kiếm VĐV.
Hơn nữa, các giải đấu phong trào ở môn thể thao này còn rất hạn chế khi mà bi sắt mới chỉ có một giải đấu cấp tỉnh duy nhất là Đại hội TDTT tỉnh (4 năm một lần), bắt đầu từ Đại hội lần thứ V năm 2006. Hơn nữa, dù môn bi sắt đã được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ năm 2010 nhưng ở tỉnh ta, bộ môn này vẫn chưa được đưa vào các trường học để tạo dựng phong trào. Do đó, để môn bi sắt phát triển, ngành Thể thao tỉnh cần quan tâm tổ chức những giải đấu phong trào thường xuyên để phong trào tập luyện bộ môn này trong nhân dân ngày càng được nhân rộng; đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo đưa môn bi sắt vào tập luyện trong các trường học nhằm “ươm mầm” tài năng, tạo nguồn cho các đội tuyển thành tích cao.
Minh Quân