Bí thư Huyện uỷ Con Cuông: 'Chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch trên Facebook'

08/02/2017 07:14

(Baonghean) - Thực hiện Đề án "Phát triển du lịch huyện Con Cuông giai đoạn 2013 - 2020", đến nay ngành du lịch của huyện Con Cuông đã có những chuyển biến bước đầu khả quan. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông về vấn đề này.

» Du lịch cộng đồng sẽ là điểm nhấn của Con Cuông

» Dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân làm du lịch cộng đồng

Đồng chí có thể đánh giá tiềm năng về phát triển du lịch của huyện Con Cuông như thế nào?

Con Cuông có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Trước hết là về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Con Cuông là vùng đất trù phú, có núi, sông và diện tích rừng tự nhiên rộng lớn thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát. Giao thông đi lại thuận lợi, là trung tâm của tuyến Quốc lộ 7A thuận lợi cho du khách các tuyến từ Vinh đi Kỳ Sơn hay từ Hà Nội đi Cửa khẩu Nậm Cắn và nối với các địa điểm du lịch tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào.

Toàn huyện đã có 128.000 ha rừng nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với hơn 1.200 loài thực vật quý hiếm, hàng trăm loài động thực vật nằm trong Sách đỏ được thế giới bảo vệ. Đi kèm với thảm động thực vật còn có nhiều thác nước đẹp như: thác Kèm, khe nước Mọc và nhiều hang động kỳ thú: hang Thẳm Ồm, Thẳm Nàng Màn, hang ông Trạng; nhiều di tích lịch sử, văn hóa như bia Ma Nhai, động Ðào Nguyên, thành cổ Trà Lân...

Khảo sát vườn cam ở Yên Khê. Ảnh: Nguyên Sơn
Khảo sát vườn cam ở Yên Khê. Ảnh: Nguyên Sơn

Điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng đem đến cho địa phương nhiều sản vật quý, là những đặc sản được khách du lịch yêu thích như các loại cá sông, suối bên cạnh các loại gia súc, gia cầm được người dân nuôi thả tự nhiên cho chất lượng thực phẩm ngon, sạch.

Một tiềm năng, lợi thế nữa mang đặc trưng địa phương đó là Con Cuông có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng về cả vật thể và phi vật thể.

Con Cuông đã có giải pháp gì để phát triển du lịch và kết quả đạt được đến nay như thế nào?

Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi đó, lãnh đạo tỉnh cũng như Trung ương đã rất quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện Con Cuông, trong đó có việc phát triển ngành Du lịch thành mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện. Năm 2015 tỉnh có Quyết định số 4789/ QĐ-UBND phê duyệt "Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái".

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng, phát triển huyện Con Cuông trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Tây Nam Nghệ An; giai đoạn 2021 - 2025 phát triển Con Cuông trở thành đô thị sinh thái của tỉnh, là đô thị động lực của vùng Tây Nam Nghệ An. Đầu năm 2016, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với lãnh đạo huyện về định hướng phát triển Con Cuông thành thị xã sinh thái, trong đó có phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên rừng.

Thị trấn Con Cuông
Thị trấn Con Cuông.

Về phía huyện, từ năm 2014 đã ban hành Đề án "Phát triển du lịch huyện Con Cuông giai đoạn 2013 - 2020", Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông". Đến nay Con Cuông đã hình thành được các tuyến, điểm du lịch như tham quan, khám phá Vườn quốc gia Pù Mát, thác khe Kèm, rừng Săng Lẻ; sông Giăng - khe Khặng, gắn với phát triển các hoạt động du lịch văn hóa như khám phá lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ.

Chúng tôi cũng giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống đậm bản sắc đồng bào các dân tộc như váy, áo, vải thổ cẩm, rượu cần, các đặc sản ẩm thực… của các hợp tác xã dệt thổ cẩm, làng có nghề truyền thống và phục vụ du lịch ở xã Chi Khê, Lục Dạ. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại bản Nưa ở xã Yên Khê, bản Yên Thành ở xã Lục Dạ, bản Xiềng ở xã Môn Sơn và bản Khe Rạn, xã Bồng Khê…

Riêng năm 2016, ngành Du lịch huyện nhà đã có nhiều khởi sắc, có trên 35.000 lượt khách du lịch đến với Con Cuông, gấp 3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, hiện Con Cuông chưa khai thác hết tiềm năng về phát triển du lịch.

Thời gian tới, huyện có những biện pháp nào để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có để phát triển ngành Du lịch đúng định hướng, hiệu quả và bền vững?

Chúng tôi xác định, muốn du lịch phát huy hiệu quả và có tính bền vững thì cần thay đổi ngay từ trong tư duy làm du lịch cho mỗi cá nhân.

Triển khai theo hướng này, qua một thời gian thực hiện quyết liệt với nhiều biện pháp, hiện nay đã có một số địa phương, bản làng người dân đã có ý thức và bắt tay vào “làm” du lịch một cách thực chất, hiệu quả và có tính bền vững.

Ví như người dân đã tự lập ra các tổ, nhóm tự quản và phối hợp với nhau theo từng công đoạn để xây dựng nên một điểm du lịch cộng đồng dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc và các đặc điểm của địa phương. Không chỉ phát huy các bản sắc văn hóa địa phương, thậm chí người dân còn tự tổ chức lớp dạy và học tiếng Anh cho người dân để đào tạo sử dụng ngoại ngữ, hướng đến việc thu hút khách du lịch không chỉ trong nước mà cả du khách nước ngoài.

Đặc biệt, chúng tôi cũng chú trọng triển khai hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm, đặc sản cây, con theo hướng nông nghiệp sạch, thực phẩm phục vụ du khách phải có chất lượng ngon, an toàn.

Câu lạc bộ Dân ca bản Khe Rạn biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Thu
Câu lạc bộ cồng chiêng bản Khe Rạn biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh việc phát triển kinh tế bằng thu hút khách du lịch thì Con Cuông còn phải có những biện pháp, cách làm để hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, xã hội với việc tuyên truyền cho du khách và người dân cùng có ý thức giữ gìn tài nguyên rừng và bảo đảm an ninh biên giới.

Hai yếu tố đó bổ trợ cho nhau, giữ được rừng, giữ được an ninh trật tự yên ổn thì người dân và du khách mới có thể yên tâm khai thác, thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, khám phá các bản sắc văn hóa của địa phương.

Bên cạnh định hướng dài hơi và đề ra các giải pháp, biện pháp thực hiện thì còn có vấn đề quan trọng khác để đưa Con Cuông thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đó là việc thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác quảng bá “thương hiệu” du lịch Con Cuông.

Đến nay, huyện đang tập trung thu hút đầu tư vào một số nơi trọng điểm như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, du thuyền trên sông Giăng… Trong đó nổi lên là việc Tập đoàn Mường Thanh ngoài xây dựng khách sạn 4 sao còn tiếp tục đầu tư một số địa điểm khác trên địa bàn huyện.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh khâu quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương trên nhiều kênh thông tin, kể cả mạng xã hội Facebook. Lãnh đạo huyện ủy đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm đưa kinh tế du lịch trở thành mũi nhọn phát triển của huyện, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Con Cuông trở thành đô thị du lịch sinh thái của miền Tây Nam Nghệ An.

Hoài Thu

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Bí thư Huyện uỷ Con Cuông: 'Chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch trên Facebook'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO