Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiềm - Người cán bộ xuất sắc của Xô Viết Nghệ-Tĩnh

08/11/2012 20:39

Đồng chí Nguyễn Tiềm sinh ngày 10/11/1912 tại xóm Hạ, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Cha là ông Nguyễn Danh Chính, một nhà nho hiếu học, yêu nước, lúc còn trẻ đã nhiều lần đi thi ở trường Nghệ nhưng không đỗ đạt, ở nhà làm ruộng và nuôi dạy con cái. Mẹ là bà Võ Thị Tiếu, một người phụ nữ hiền thục, sớm hôm chăm lo vườn ruộng và canh cửi.

(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Tiềm sinh ngày 10/11/1912 tại xóm Hạ, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Cha là ông Nguyễn Danh Chính, một nhà nho hiếu học, yêu nước, lúc còn trẻ đã nhiều lần đi thi ở trường Nghệ nhưng không đỗ đạt, ở nhà làm ruộng và nuôi dạy con cái. Mẹ là bà Võ Thị Tiếu, một người phụ nữ hiền thục, sớm hôm chăm lo vườn ruộng và canh cửi.



Đồng chíNguyễn Tiềm (1912-1932)

Thời niên thiếu, Nguyễn Tiềm học chữ Hán với cha. Khi cha hết chữ, năm 8 tuổi chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường làng rồi chuyển lên học Trường Tiểu học Pháp - Việt Nam Đàn. Hè năm 1926, Nguyễn Tiềm thi đậu vào lớp Đệ nhất B Cao đẳng Tiểu học Trường Quốc học Vinh.


Là một thanh niên yêu nước, sớm có ý thức giác ngộ dân tộc, đầu năm 1927, khi Tân Việt cử người vào Trường Quốc học Vinh lập ra tổ chức Sinh đoàn để đoàn kết tập hợp thanh niên, học sinh nhen nhóm phong trào đọc sách, báo tiến bộ, thơ văn yêu nước, Nguyễn Tiềm hăng hái gia nhập hội kín và được cử vào Ban Chấp hành Sinh hội.


Giữa năm 1929, Đông Dương cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng) sau khi được thành lập đã cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung về Nghệ An xây dựng, phát triển cơ sở đảng và cơ sở quần chúng. Tổ chức Sinh đoàn của Trường Quốc học Vinh được đổi thành Sinh hội, đồng chí Nguyễn Tiềm được cử vào Ban Chấp hành của Sinh hội Quốc học Vinh.

Cuối năm 1929, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư kỳ bộ Đông Dương cộng sản đảng Trung Kỳ, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Trường Quốc học Vinh được thành lập, đồng chí Nguyễn Tiềm được cử làm Bí thư chi bộ. Dựa vào chi bộ làm nòng cốt, Sinh hội Trường Quốc học đã ra tờ báo "Hồng Sinh" lưu hành nội bộ nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, "Đường Kách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cổ vũ cho việc thành lập Tổng Sinh hội Nghệ An. Sau ngày thành lập Đảng 3/2/1930, Tổng Sinh hội Nghệ An được thành lập, gọi là Tổng Sinh hội đỏ, Nguyễn Tiềm được cử làm bí thư.

Tờ báo "Hồng Sinh" đổi thành báo "Xích Sinh". Tuy sức vóc nhỏ nhắn nhưng Nguyễn Tiềm vẫn vừa học tập, vừa lao vào hoạt động công tác hội, công tác đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động của chi bộ cộng sản và Sinh hội Quốc học Vinh đã có tác dụng lôi cuốn được đông đảo học sinh tham gia. Nhưng những hoạt động của Nguyễn Tiềm bị mật thám theo dõi, ngày 3/3/1930, thực hiện lệnh của Công sứ Vinh, hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định đuổi học Nguyễn Tiềm vì tội tham gia "hội kín".


Ngày 25/4/1930, Nguyễn Tiềm cùng Tổng Sinh hội Nghệ An vận động học sinh tẩy chay cuộc diễn thuyết của Tổng đốc Nghệ An- Hồ Đắc Khải.


Tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm được Xứ uỷ Trung kỳ chỉ định làm ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An lâm thời, phụ trách công tác tuyên truyền cổ động. Để dễ bề hoạt động, Nguyễn Tiềm lấy bí danh là Quảng (về sau còn có bí danh là Cát, Nhung), nhuộm răng đen, mặc quần nâu, mang bị cói, khi đóng vai người đi buôn tơ, buôn thuốc lào, len lỏi về các xóm thợ, các làng quê tuyên truyền xây dựng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng.


Cùng với các cán bộ trong Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh uỷ Nghệ An, Nguyễn Tiềm đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Xứ uỷ Trung kỳ tổ chức một phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, khởi đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Vinh-Bến Thuỷ, nông dân Hạnh Lâm (Thanh Chương, ngày 1/5/1930), rồi phát triển thành các cuộc biểu tình, đấu tranh với quy mô toàn huyện ở Nam Đàn (30/8), ở Thanh Chương (1/9) và đỉnh cao là cuộc biểu tình Thái Lão (20/9), trở thành cao trào cách mạng, chính quyền Xô viết dưới hình thức là Xã bộ nông, Thôn bộ nông được thành lập ở nhiều làng xã.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đủ sức chỉ đạo phong trào cách mạng phát triển và chống trả lại sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, giữa tháng 10/1930, Tỉnh uỷ Nghệ An triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất ở làng Đồng Xuân, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Đại hội đã kiểm điểm đánh giá tình hình cao trào cách mạng trong tỉnh, thảo luận các biện pháp chỉ đạo phong trào, chống sự khủng bố của địch, bảo vệ cơ sở đảng và quần chúng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức đầu tiên của Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiềm làm bí thư.


Mười tám tuổi đời, nhận trọng trách Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, giữa lúc kẻ địch sau một thời gian hoảng loạn nay tập trung toàn lực thực hiện cuộc "khủng bố trắng" một cách khốc liệt nhằm phá hoại cơ sở đảng, phá hoại phong trào quần chúng, Nguyễn Tiềm đã phân công các đồng chí Tỉnh uỷ viên trực tiếp về các huyện bám cơ sở, bám phong trào. Cơ quan Tỉnh uỷ được chia nhỏ thành nhiều bộ phận, khi ở Thanh Chương, khi ở Yên Thành, lúc lên Anh Sơn.

Trong những ngày tháng nước sôi lửa bỏng của cao trào cách mạng, Nguyễn Tiềm đã đề ra những chủ trương sáng suốt như vay lúa của các nhà phú hữu cứu đói cho dân nghèo, xây dựng các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng... làm chỗ dựa cho các tổ chức đảng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Tiềm rất quan tâm đến công tác tuyên truyền cổ động. Bản thân ông trực tiếp phụ trách tờ báo "Tiến Lên" của Tỉnh uỷ, vừa tổng hợp tình hình, viết bài, tổ chức in, vận chuyển về các cơ sở. Đối với các đảng bộ huyện, đồng chí chủ trương xây dựng các tờ báo của huyện đảng bộ trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén cổ vũ phong trào, vạch mặt bọn đế quốc phong kiến. Dựa vào quan hệ thân thiết với người bạn vong niên cùng quê là Đặng Chánh Kỷ (bấy giờ đồng chí Đặng Chánh Kỷ làm Bí thư Huyện uỷ Nam Đàn, sau làm phái viên của Xứ uỷ ra chỉ đạo phong trào các huyện Yên Thành, Diễn Châu) sáng tác thơ ca, vè...

Nhờ vậy, báo chí cách mạng phát triển khắp các huyện: Hưng Nguyên có báo "Sản nghiệp", Nam Đàn có báo "Giác ngộ", Thanh Chương có báo "Nhà quê", Anh Sơn có báo "Gương vô sản", Quỳnh Lưu có báo "Tia sáng", "Lao động", Nghi Lộc có báo "Dân nghèo"... Đường lối, chủ trương của Đảng được biến thành báo chí, thơ ca, truyền miệng, trở thành món ăn tinh thần của quần chúng. Chưa bao giờ, báo chí cách mạng và thơ ca cách mạng phát triển như những năm 1930-1931. Đây là những đóng góp xuất sắc của Bí thư Nguyễn Tiềm trên mặt trận tư tưởng chính trị thông qua báo chí, tuyên truyền, mặt trận dùng văn hoá để xây dựng cổ vũ phong trào, giáo dục đảng viên và quần chúng cách mạng.


Cuối tháng 5 năm 1931, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ bị địch khủng bố, nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao bị địch bắt, Nguyễn Tiềm được Xứ uỷ điều lên bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ uỷ phụ trách công tác tuyên truyền. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Viết Thuật- Bí thư Xứ uỷ, cùng các đồng chí Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi đi về các huyện, các tỉnh ở Trung kỳ vượt qua bao gian nan thử thách của thời kỳ thoái trào cách mạng, giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Do làm việc, học tập quá sức, lại ăn uống kham khổ nên Nguyễn Tiềm bị đau phổi nặng, nhưng đồng chí vẫn cố sức làm việc. Khi các đồng chí trong cơ quan biết được thì bệnh tình của đồng chí đã nặng. Các đồng chí trong Xứ uỷ mượn nhà bà mẹ Vệ ở Bến Đền, cạnh bờ sông Cửa Tiền, gần nơi đồng chí trọ học những năm học Quốc học Vinh để chăm sóc thuốc thang cho đồng chí. Bà con các cơ sở trung kiên, các hiệu thuốc bắc ở Vinh và gia đình mẹ Vệ chăm sóc, chạy chữa rất tận tình, sức khoẻ đồng chí khôi phục dần.


Đêm 17/10/1931, bọn mật thám và lính đồn đến vây bắt Nguyễn Tiềm trên giường bệnh. Biết ông là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, là Thường vụ Xứ uỷ Trung kỳ, mặc dù cơ thể còn ốm yếu, nhưng tên chánh mật thám Bi-ê trực tiếp hỏi cung và chỉ huy bọn tay chân ở nhà tù Vinh dùng đủ mọi cực hình để tra tấn làm cho Nguyễn Tiềm chết đi sống lại nhiều lần trong 2 tháng trời, nhưng Nguyễn Tiềm kiên quyết không khai.


Trong phiên toà xử án tù chính trị ngày 18/1/1932, Toà án Nam Triều đã kết tội tử hình đối với đồng chí Nguyễn Tiềm. Ngay tại phiên toà, nhiều chiến sỹ cách mạng, cả những công chức Pháp có cảm tình với cách mạng cũng cảm phục Nguyễn Tiềm mà phản đối bản án, đòi đối xử nhân đạo với những tù nhân bị bệnh nặng. Trước áp lực của quần chúng, ngày 24/6/1932, Khâm sứ Trung kỳ buộc phải ra quyết định giảm án Nguyễn Tiềm xuống khổ sai chung thân. Ngày 23/7/1932, chúng đày đồng chí vào nhà tù Lao Bảo.


Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), nơi rừng thiêng nước độc giáp biên giới Việt-Lào, với người khoẻ mạnh cũng khó qua khỏi chế độ hà khắc của nhà tù, với thân thể bệnh tật ốm yếu như Nguyễn Tiềm lại càng khó khăn hơn. Kẻ địch nhốt ông vào Ca-sô (hầm kín) nhằm làm cho ông chết dần chết mòn. Nhưng Nguyễn Tiềm vẫn điềm tĩnh lạc quan, vẫn tham gia các hoạt động trong nhà tù, lúc khoẻ, đồng chí vẫn sáng tác thơ ca động viên các bạn tù kiên trung giữ vững khí tiết của người cách mạng.


Do bị tra tấn nhiều trong lúc bệnh trọng, đồng chí Nguyễn Tiềm đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Lao Bảo ngày 11/10/1932, khi mới 20 tuổi đời.


Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn, đức hy sinh của một vị lãnh tụ cách mạng tiền bối, Đảng và Nhà nước đã công nhận Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm ở xóm 1, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia, tại Thành phố Vinh có một đường phố ở phường Đội Cung mang tên Nguyễn Tiềm.


Đức Chuyên

Mới nhất
x
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiềm - Người cán bộ xuất sắc của Xô Viết Nghệ-Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO