Bí thư Tỉnh ủy: Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng
(Baonghean.vn) - Để có nền nông nghiệp phát triển hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng là phải xây dựng được các mô hình thực sự hiệu quả để minh chứng, từ đó mới giới thiệu và nhân rộng cho người dân.
Ngày 1/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến và thông qua Tờ trình Đề án “Phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề, mô hình hình tế chất lượng cao nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 -2020”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy. |
Ngày 1/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 công ty TNHH MTV nông nghiệp và 5 công ty lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 2.906 tổ hợp tác với 36.000 lao động tham gia và 596 hợp tác xã với 200 ngàn thành viên tham gia; 6.153 trang trại, gia trại, trong đó có 875 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT; 146 làng nghề và khoảng 150 làng có nghề. Ngành NN&PTNT cũng đã xây dựng 278 dạng mô hình triển khai tại 4.663 điểm
Tuy nhiên theo đánh giá, trong thời gian qua, việc phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề và các mô hình kinh tế chất lượng cao trong nông nghiệp, nông thôn còn một số hạn chế như: việc phát triển còn theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, chưa có nhiều mô hình điển hình tiêu biểu, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả còn hạn chế; chưa có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng nông thôn mới; chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư, đặc biệt là trong nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Với Đề án này, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu trung bình mỗi năm thành lập mới 40 - 50 HTX, trong đó có nhiều mô hình HTX kiểu mới; thu nhập bình quân của các thành viên HTX và người lao động tăng từ 10% -20%/năm; phấn đấu ít nhất mỗi năm phát triển thêm 40 trang trại theo tiêu chí Bộ NN&PTNT.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 có 160 -165 làng nghề, bình quân mỗi năm được công nhận ít nhất 5 làng nghề; đồng thời xây dựng theo khoảng 30 - 40 làng có nghề. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020 xây dựng mới 127 dạng mô hình và nhân rộng 230 dạng mô hình kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại.
Nhấn mạnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá đây là Đề án hết sức quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, Đề án phải đạt được hai mục tiêu là phát triển các thành phần kinh tế, làng nghề, làng có nghề, mô hình kinh tế chất lượng cao và nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần và mô hình kinh tế ở khu vực nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy. |
Đi vào cụ thể, đối với phát triển kinh tế tập thể, Bí thư Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, nhu cầu liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác của nhân dân để sản xuất là cần thiết, do đó yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp, cách thức triển khai để xây dựng các HTX, tổ hợp tác hiệu quả; qua đó thu hút nhân dân tham gia làm thành viên.
Mặt khác, đối với việc xây dựng các mô hình kinh tế nhấn mạnh phải xuất phát từ vấn đề cốt lõi là xây dựng được các mô hình thực sự hiệu quả để minh chứng cho người dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, giai đoạn đầu tiên phải phát hiện, tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình tốt phát triển lớn mạnh hơn; tiếp đó mới giới thiệu và nhân rộng các mô hình này.
Về phát triển làng nghề, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, cần lựa chọn các dự án tốt; ngay cả trong các làng nghề phải tiến hành phân loại, trong đó tập trung xây dựng vào các làng nghề gắn với mô hình kinh tế triển vọng.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, phát triển các gia trại, trang trại rất đúng chủ trương của tỉnh vì các mô hình kinh tế sẽ bắt nguồn từ đây; do đó yêu cầu đặt ra là phải thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư để tạo động lực cho các gia trại, trang trại phát triển hơn.
Thu hoạch ngô bằng máy móc tại vùng nguyên liệu vùng dự án của Trang trại bò sữa TH. Ảnh tư liệu. |
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến và thông qua Tờ trình Đề án tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tư, an toàn cho người, phương tiện của cá nhân, tổ chức hoạt động kinh tế trên biển, hải đảo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2021. Phạm vi của Đề án gồm 34 xã, phường ven biển thuộc 5 huyện, thị xã ven biển và vùng biển Nghệ An có chiều rộng 24 hải lý.
Mục tiêu chung của Đề án là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người, phương tiện, công trình trên biển, đảo, khu vực biên giới trên biển; chủ động phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, đảo; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; nghe và cho ý kiến Báo cáo tổng kết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thành Duy
TIN LIÊN QUAN |
---|