“Biên độ Tết”

Đó là cách nói của nhiều người khi đón nhận thông tin giá cả các mặt hàng tăng giá trong dịp trước Tết Nguyên đán. Thực ra, từ “biên độ” được dùng nhiều trong giao dịch chứng khoán, còn cách nói “biên độ Tết”, có thể hiểu là biến động tăng giá của hầu hết các mặt hàng dịp Tết. Hãy nhìn vào thị trường những ngày đầu tháng 12 dương lịch và đầu tháng 11 âm lịch năm nay sẽ rõ, “rau xanh đắt hàng, còn vàng tăng giá”…

Rau tăng giá có nguyên do cơ bản là mưa to, gió lớn trước Tết chừng 2 tháng làm nhiều diện tích rau của nông dân khắp mọi miền bị hư hỏng, dập nát hoặc ngập úng. Một vụ rau mới đã được bà con xuống giống để cận Tết tung ra thị trường. Còn vàng là mặt hàng biến động lên xuống thường xuyên, hàng ngày, nhưng thị trường gần Tết năm nay, cả trong nước và thế giới đều tăng sẽ báo hiệu những biên độ giá mới. Cùng đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng đã được treo giá mới so với quý III trong năm. Tết mà! Nhu cầu tiêu thụ tất cả các mặt hàng tăng lên, thế nên giá cao hơn bình thường là lẽ đương nhiên!

Ai cũng hiểu biên độ giá tăng mỗi khi Tết đến là tất yếu. Nhưng rất nhiều người lo lắng. Bởi kinh tế trong năm 2022 có những phục hồi, phát triển, song những tháng cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp lao đao, không có thêm đơn hàng do những khó khăn của kinh tế thế giới sau đại dịch và xung đột vũ trang ở một số nơi trên thế giới. Thế rồi, hàng trăm nghìn người mất việc hoặc bị cắt giảm giờ làm, đồng nghĩa với thu nhập bị giảm hoặc không có thu nhập trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp giúp người dân nhiều vùng ổn định “cái ăn”, còn để mua sắm thêm các đồ dùng, vật dụng khác cho Tết đủ đầy hơn là điều không dễ…

Công tác kiểm soát giá, bình ổn thị trường dịp cuối năm và dịp Tết đã được các bộ, ngành vào cuộc với chỉ đạo tích cực từ Chính phủ. Nhiều giải pháp đưa ra đối với những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng, góp phần hạn chế gia tăng lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhưng điều đó chỉ “áp” được với hàng hóa mà Nhà nước ta kiểm soát, điều tiết được, còn nhiều mặt hàng khác phải tuân theo biên độ dao động của thị trường thế giới, hay như “bó rau, con cá” khó mà “áp” được. Thế nên, “biên độ Tết” tăng giá nhưng tiêu thụ nhiều hay ít, nó phụ thuộc vào túi tiền của mỗi người dân.


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu