Biển nhớ…
(Baonghean) - Bữa đó, mình lên đảo Tiên Nữ, Trường Sa, lẩn thẩn bước vào một căn phòng trên đảo chìm, thấy treo cây đàn guitar cũ trên vách tường, sát cạnh giá súng… Những khẩu súng thì bóng loáng, như mới xuất kho: AK, RPD, B41, sẵn sàng nhả đạn. Chúng được bộ đội Trường Sa lau chùi, bảo quản hàng ngày…
Còn cây đàn guitar thì, mình cầm nó, bấm phím đàn, thấy sai hết cả 6 dây. Mình lẩm bẩm chỉnh dây, xong chạy bài romance. Thì bất ngờ, một chiến sĩ ùa đến:
- Anh nhà báo biết chơi guitar hả? Anh dạy cho em với…
Chiến sỹ Trường Sa tên Thi, quê ở Hải Phòng. Và theo lời tâm sự, thì anh chàng này yêu, rất thích đàn guitar, quyết tâm học bằng được. Trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, anh mua một cây đàn ở Nha Trang mang ra đảo tập. Chính là cây đàn này. Chuyến tàu chuyển quân đi trong bão tố, sóng đánh tung tràn trên boong, anh ôm cây guitar bọc kín trong túi ni lông, như ôm một người tình…
Nhưng ra ở đảo chìm, chỉ có mười mấy người. Anh thất vọng vì chẳng ai biết đàn cả. Chẳng ai có thể bày dạy cho anh một vài hợp âm cơ bản, một vài ngón đàn guitar. Trong khi, anh chàng cũng không biết tí gì về đàn sáo, tất cả là số không…
Hàng ngày sau phiên gác, anh ôm cây đàn ngồi ở trong góc phòng kín gió, bật lên từng âm thanh thô mộc, khô khốc, bất lực nhìn những ngón tay, những dây đàn trơ lỳ…
Thi thoảng, anh được xem những chương trình văn nghệ trên ti vi, thấy những nghệ sỹ, nhạc công trình tấu guitar đến mê mẩn. Anh ngồi cứng đơ trước màn hình vừa xem vừa nuốt ừng ực cơn khát khao được làm chủ thực sự cây đàn, vừa ước ao đến một ngày anh có thể chơi được dù chỉ một vài bản đàn đơn sơ… Chỉ cần trên hòn đảo chìm cô đơn giữa đại dương này, có một ai đó biết đàn, thì anh sẽ học hành cẩn thận, và chắc chắn anh sẽ…
Nhưng suốt nhiều năm tháng sau đó, có nhiều cán bộ, chiến sỹ đến rồi rời khỏi đảo, vẫn chẳng có ai biết đàn guitar… Người nào đến đảo công tác, anh cũng hỏi thầm, có biết chơi đàn guitar không. Nhưng ai cũng lắc đầu!!!!
Có những buổi chiều chạng vạng, bầu trời rực đỏ, hải âu tung cánh, gió nồm đại dương mát rượi. Khung cảnh tuyệt đẹp khiến anh không cầm lòng được, gỡ cây đàn treo đã lâu rồi trên vách, sát cạnh mấy khẩu súng, trèo lên sân thượng. Và anh… chơi! Những ngón tay anh cứ bấm tự do trên phím đàn tạo nên những chùm hợp âm lạ tai và ngẫu hứng và bất quy luật…
Nhưng có sao đâu, bạn hãy hình dung xem hình ảnh một người lính Trường Sa phong trần, đứng trên tầng thượng ngôi nhà 3 tầng giữa đại dương trong ráng chiều mỹ lệ! Anh cứ chơi đàn theo suy nghĩ và xúc cảm của riêng mình, chỉ cho một mình mình và gió, và những cánh hải âu đang chao liệng giữa bầu trời, khi thủy triều đang dâng dần lên, và đàn cá dìa từ ngoài rìa đào đã bơi sát vào chân móng đảo chìm, tung tăng như một đàn trẻ…
- Anh tập cho em một bài đi anh!
Mình cầm tay anh lính Trường Sa đặt lên cần đàn, sắp những ngón tay thô vụng của anh thành thế bấm hợp âm La Thứ, và hát:
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”.
Chỉ một lúc trong chiều hôm đó, anh lính được mình tập, đã bấm được Am, Dm, E7, để có thể đệm được trọn vẹn bài hát “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn…
Trước khi rời đảo, lên xuồng trở về tàu HQ 936 đang chờ ở ngoài kia, mình nói: Khi nào về đất liền, anh sẽ gửi cho em giáo trình tự học guitar.
Anh lính Trường Sa vội nói: “Không cần đâu anh, em cũng đã hoàn thành thời gian phục vụ Trường Sa rồi, ngày mai em cũng theo tàu 936 trở về đất liền… Vậy là em đã toại nguyện rồi. Suốt gần hai năm qua ở trên đảo chìm, rốt cuộc em cũng đã đánh được đàn guitar rồi. Cảm ơn anh rất nhiều!!!”
Mình trở về tàu. Tối đó, trăng sáng, mình lên mượn thuyền trưởng cái ống nhòm nhìn vào đảo chìm Tiên Nữ, nhìn thấy rõ ràng trên sân thượng ngôi nhà chiến đấu, chơi vơi giữa sóng nước đại dương yên bình, bóng anh lính đang ôm đàn, khắc lên nền trời một dáng vẻ của riêng mình. Và không nghi ngờ gì nũa, anh ấy đang hát:
“Ngày mai em đi
Biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn
Bàn tay nghe ngóng tin sang”
(Biển nhớ)
Ở bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu, bạn luôn cần nương tựa. Hãy lựa chọn cho mình ai đó hoặc điều gì đó có thể làm bạn vững tin mà cứu vớt những mất mát, thiệt thòi…
Trần Hoài