Biện pháp ứng phó với vụ xuân ấm
(Baonghean) - Trong thực tế sản xuất, đã có nhiều vụ lúa xuân gặp thời tiết rét đậm, thậm chí rét hại xảy ra ngay từ đầu vụ sau khi gieo mạ và kéo dài nhiều ngày làm cho ở mạ bị chết. Nhưng những vụ xuân như vậy lại được mùa lúa năng suất cao. Điển hình là vụ lúa xuân năm 2011 đã làm cho 9.550,8 ha mạ và lúa mới cấy, 3.56,6 ha ngô mới gieo bị chết rét phải gieo cấy, trồng trỉa lại, năng suất lại đạt bình quân 65,22 tạ/ha, cao nhất trong lịch sử nông nghiệp Nghệ An.
Ngược lại, những năm vụ xuân ấm là những năm năng suất cây trồng thấp. Điển hình là vụ xuân 1998, nhiệt độ không khí bình quân 3 tháng 1+2+3 đạt 20,20C, cao hơn trung bình nhiều năm là 1,60C. Năng suất lúa vụ này chỉ đạt được bình quân 43,62 tạ/ha. Gần đây nhất là vụ lúa xuân năm 2008, nhiệt độ không khí bình quân 3 tháng 1+2+3 đạt 20,50C, cao hơn trung bình nhiều năm 1,90C. Năng suất vụ lúa xuân này đạt bình quân 55,16 tạ/ha, thấp thua năng suất lúa trung bình từ năm 2001-2010 là 4,05 tạ/ha.
Vì sao năm nào vụ xuân ấm ở các tháng 1+2+3 năng suất cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng đạt thấp? Và làm thế nào để hạn chế tình trạng này.
Bất cứ một vụ xuân nào thời tiết cũng có rét vào các tháng 12, tháng 1 và có thể cả tháng 2. Nhưng nếu mức độ rét không nhiều, nhiệt độ không khí bình quân tháng 3 tháng 1+2+3 ở mức trên trung bình nhiều năm thì vụ xuân năm đó được gọi là vụ xuân ấm. Gặp năm vụ xuân ấm, cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng sinh trưởng phát triển nhanh thời gian sinh trưởng (TGST) bị rút ngắn lại. Đối với cây lúa TGST bị rút ngắn lại sẽ gặp 2 bất lợi: Một là do TGST ngắn lại thì mức độ tích lũy lượng vật chất dinh dưỡng cần thiết vào trong cơ thể cây trồng bị hạn chế. Cho nên, khi cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đồng khó có đủ dinh dưỡng để hình thành bông dài, hạt nhiều và tỉ lệ lúa lép sẽ cao…, vì vậy năng suất lúa sẽ thấp. Hai là do TGST ngắn lại lúa sẽ trổ sớm hơn so với năm bình thường, so với lịch thời vụ quy định từ 5 - 10 ngày và có thể còn sớm hơn nữa. Trong khi đó lịch thời vụ điều khiển cho vụ lúa xuân ở Nghệ An trổ an toàn nhất, tốt nhất là từ sau ngày 20/4 đến 5/5. Nếu gặp năm ấm, lúa trổ trước ngày 20/4 thì không an toàn do gặp không khí lạnh tiết thanh minh, nhiệt độ không khí xuống thấp từ 230C trở xuống lúa sẽ bị lép nặng, năng suất giảm nghiêm trọng.
Đầu vụ xuân năm nay, nhiệt độ không khí từ ngày 1/1 đến 10/1 trung bình trên dưới 150C, thấp thua trung bình nhiều năm từ 1,5 - 20C . Nhưng theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ thì vụ xuân năm nay cơ bản là một vụ xuân ấm hơn so với năm bình thường. Vì vậy, khả năng lúa xuân trổ sớm là điều khó tránh khỏi nếu chúng ta không có biện pháp chỉ đạo nghiêm túc quy trình sản xuất.
Hiện nay, nhiều địa phương cho rằng từ đầu tháng 1 lại nay liên tục nhiều đợt gió mùa đông bắc về gây ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 170C và từ đó họ nghĩ rằng vụ xuân năm nay sẽ là vụ xuân rét đậm, lúa xuân sẽ được mùa lớn. Nhưng điều đó khó xảy ra và khả năng sau những đợt rét kéo dài nhiều ngày này, nhiệt độ không khí sẽ tăng cao dần. Nếu gặp nhiệt độ cao, trời ấm nắng thì cây lúa sẽ phát triển rất nhanh và khả năng lúa trổ sớm là tất nhiên.
Theo lịch thời vụ do sở NN và PTNT quy định thì vụ xuân năm nay có 3 giống lúa: AC5, BT-EI và BC15 gieo mạ vào các ngày từ 5 - 10/1, còn lại tất cả các giống lúa khác như: KP1, Nhị ưu 986, Đắc ưu11, Bio 404, Kim ưu 725,D ưu 725, N ưu 69, Nghi hương 2308… gieo mạ từ 15 - 20/1 và các giống xuân ngắn ngày khác như: TH1, Vật tư - NA2, NA 09, Bắc Thơm số 7… gieo mạ từ 25 - 30/1.
Thế nhưng, xem ra trên đồng ruộng của các huyện vùng đồng bằng và ven biển hiện nay, hầu như huyện nào cũng đã gieo xong mạ lúa xuân và gieo trước lịch thời vụ quy định từ 5-12 ngày. Đây là một điều rất đáng lo. Vì vậy chúng tôi đề nghị:
Tất cả các huyện, xã và cơ sở sản xuất cần kiểm tra diện tích mạ đã gieo so với lịch thời vụ quy định của ngành NN&PTNT sớm hơn mấy ngày và hiện tại mạ đã có mấy lá. Nếu gieo sớm quá, lại được phủ kín bằng nilon chống rét thì chắc chắn mạ nhiều nơi đã có ít nhất trên 2 lá và đang chờ trời ấm lên để cấy. Tại thời điểm từ 10 đến 20/1 nếu trà mạ các giống lúa lai đã có từ 2,5-3 lá rồi thì chứng tỏ mạ đã đến tuổi phải cấy và loại mạ này khả năng lúa dễ trổ sớm trước lịch thời vụ quy định, mức độ an toàn thấp, năng suất lúa không cao. Trong trường hợp này, tốt nhất không nên cấy mạ già mà nên thay vào đó bằng cách gieo lại mạ giống lúa ấy hoặc các giống lúa khác vì thời vụ đang cho phép gieo mạ các lúa xuân chính vụ đến hết ngày 20/1 và gieo mạ các giống xuân muộn đến hết ngày 30/1.
Tuyệt đối không nên cấy lúa vào những ngày trời rét nhiệt độ không khí từ 160C trở xuống, lúa khó bén rễ và dễ mắc bệnh nghẹt rễ không phát triển được.
Tập trung bón lót đậm trước khi cấy để lúa đẻ sớm, để tập trung và cấy dày hơn năm bình thường.
Luôn kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn đầu vụ do ẩm độ cao, sương mù nhiều nấm bệnh đạo ôn có cơ hội phát sinh phát triển. Nếu phát hiện sớm được loại sâu bệnh nào thì ngay lập tức triển khai biện pháp phòng trừ tiêu diệt kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương.
Doãn Trí Tuệ