Biến phụ liệu thành hàng xuất khẩu
(Baonghean) - Hơn 1 năm nay, anh Phan Xuân Quang ở thị trấn huyện Yên Thành đã sản xuất thành công than hoạt tính từ cành, ngọn cây bạch đàn, keo lai với công nghệ của Nhật Bản. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cành, ngọn keo lai, bạch đàn được đưa vào lò đốt để làm than hoạt tính. |
Anh Phan Xuân Quang sinh năm 1974 ở Thị trấn Yên Thành, trước đây anh làm nhiều nghề nhưng chưa có hiệu quả. Năm 2009, trong một chuyến đi du lịch Trung Quốc, anh được một số bạn bè giới thiệu về “công nghệ sản xuất than hoạt tính từ cành ngọn bạch đàn, keo lai”. Qua nhiều trăn trở, anh Quang đã nghiên cứu, khảo sát và mời được đối tác Nhật Bản về chuyển giao công nghệ sản xuất và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm vào năm 2012.
Với số vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng, anh xây dựng được 2 lò đốt than hoạt tính và hệ thống kho, bãi tại khu vực xóm 1, xã Tăng Thành (Yên Thành). Năm 2013, lò đốt than hoạt tính chính thức đi vào hoạt động với nguyên liệu là cành, ngọn của cây bạch đàn hoặc keo lai, tràm có đường kính nhỏ, từ 6 – 15 cm, không cần bóc vỏ, không cần làm sạch và có thể còn tươi. Sau khi phân loại, nguyên liệu có cùng đường kính được xếp vào mỗi lò riêng để tạo sự đồng nhất trong quá trình than hóa. Anh Quang cho biết: Công nghệ đốt than hoạt tính của Nhật Bản dựa trên kỹ thuật cấp nhiệt và yếm khí dài ngày. Sau khi đã làm chủ được công nghệ này, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây dựng tăng thêm 7 lò đốt đạt công suất 15 tấn nguyên liệu/ngày/lò (tương đương 1,5 tấn than hoạt tính).
Mỗi tháng cơ sở này tiêu thụ phụ phẩm cây nguyên liệu từ 420 - 450 tấn. Nguồn nguyên liệu khá dồi dào, chủ yếu mua của bà con các xã vùng bán sơn địa thuộc các xã Đồng Thành, Kim Thành, Hùng Thành, Quang Thành, Mã Thành (huyện Yên Thành). Giá mua phụ phẩm ngọn keo, lai bạch đàn là 670.000 đồng/tấn (chưa bóc vỏ). Theo một số bà con trồng rừng cho biết, lâu nay giá keo cầm chừng, có thời điểm ế ẩm. Bán keo còn phải bóc vỏ, riêng phần cành, ngọn thì hầu như để làm củi đun. Nay, cơ sở của anh Phan Xuân Quang mua làm nguyên liệu nên tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cho cây keo lai.
Được biết mỗi lò sức chứa từ 8 - 10m3, lò hình chỏm cầu, được xây 2 lớp bằng gạch chịu nhiệt, có thể đến 1.000 độ C. Lò có cửa nạp nguyên liệu và cửa thoát khói đối diện nhau. Các lò xây liền kề tạo thành một dãy, phía trên và khoảng trống giữa các lò được bịt bằng bùn đất để chống thoát nhiệt. Sau thời gian cấp nhiệt từ 25 đến 30 ngày thì ra lò, làm nguội yếm khí, phân loại và đóng gói. Đặc điểm của công nghệ này là sau khi nung sản phẩm giữ nguyên hình dạng của nguyên liệu trước khi nung. Đối với thị trường Nhật Bản còn yêu cầu rất cao là phải đạt kết quả về độ ẩm, hàm lượng tro, cac-bon cố định… Sản phẩm than nung ra lò để nguội, sau đó phải dùng máy để cưa than, chiều dài từ 5 - 10 cm theo đơn đặt hàng sau đó mới đóng gói vào hộp giấy.
Trong quá trình cưa than thì “phế phẩm” than bị “đầu thừa đuôi thẹo” khá nhiều, anh Quang đã tìm được thị trường Hàn Quốc để bán được loại phế phẩm này. Do sử dụng công nghệ đốt than hoạt tính dựa trên kỹ thuật cấp nhiệt và yếm khí chủ yếu “khói nước” nên không gây ô nhiễm môi trường. Theo anh Quang, thì than hoạt tính được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chủ yếu mua sử dụng làm các phụ gia của sơn, đồ mỹ phẩm và phục vụ các nhà hàng đồ nướng sạch… Theo các nhà khoa học thì than hoạt tính dùng lọc sạch môi trường không khí (môi trường nhà ở và làm việc) do có tác dụng khử mùi, khử màu, khử các chất độc có trong không khí, chống nhiễm phóng xạ, diệt khuẩn,… Trong y học, than hoạt tính được dùng chữa bệnh.
Đầu ra sản phẩm ổn định nên dây chuyền sản xuất than hoạt tính của anh Quang hoạt động liên tục. Hiện nay, cơ sở của anh giải quyết việc làm cho trên 35 lao động theo các khâu được chuyên môn hóa: người cưa ngọn, vận chuyển vào lò, người đốt than và ra than, cưa than và đóng gói. Chị Phan Thị Thư, một công nhân cho biết: “Công việc chính của tôi là vận chuyển than từ lò đến bãi tập kết. Lương bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, cao hơn nhiều so với làm ruộng”. Do nhu cầu của than hoạt tính rất cao, trong năm nay anh Quang sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 7 lò đốt, tổng cộng 14 lò đốt. Như vậy cơ sở của anh sẽ tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động và thu mua khối lượng lớn phụ phẩm cây nguyên liệu làm lợi cho người trồng rừng.
Bài, ảnh: Vương Trần