Biến ruộng hoang thành mùa vàng
(Baonghean) - Mấy năm trước, người dân Hưng Châu (Hưng Nguyên) cho rằng anh Nguyễn Văn Lưu là “gàn”, là “điên”, nhà không có người mà nhận làm tới 40 sào ruộng. Rồi chuyện anh dùng máy cày lắp rơ-moóc thu gom rác khắp các xóm, làm sạch môi trường xã mà chẳng nhận tiền công… cũng khiến nhiều người “dị nghị”. Nay, cái máy cày to của anh Lưu đã trở nên quen thuộc với đồng ruộng Hưng Châu. Sau giờ làm việc ở UBND xã, anh ra đồng làm quần quật cả đêm. Giờ đây, người dân Hưng Châu nói về anh bằng sự cảm phục: “Làm ruộng như anh Lưu khỏe re. Anh ấy cày, bừa, gặt, phun thuốc sâu, tuốt lúa… bằng máy hết”!.
Biến ruộng hoang thành mùa vàng
Về Hưng Châu vào những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán tràn ngập. Đồng bào giáo dân ở đây ngoài làm ruộng còn bao nhiêu nghề như nấu kẹo, làm bún, bánh, chăn nuôi lợn, buôn bán. Hưng Châu có chợ Mý nổi tiếng khắp cả vùng, bao nhiêu sản vật ven sông đều có. Chợ phục vụ các xã Hưng Khánh, Hưng Phúc, Hưng Lam, Hưng Châu, Hưng Phú, Hưng Lợi, Hưng Nhân… Thương mại phát triển, nhà nhà buôn bán, vì vậy, có không ít nhà bỏ ruộng, diện tích ruộng bỏ hoang thời điểm cao nhất là năm 2009 lên đến 5 mẫu. Huyện nóng ruột, xã nóng ruột, vận động nhưng người dân không mặn mà bởi hiệu quả sản xuất không cao, do thủy lợi còn nhiều bất cập. Xã Hưng Châu đã có lúc nhờ người xã khác về cày bừa làm ruộng trên diện tích bỏ hoang, nhưng rồi được 1 vụ họ bỏ cuộc.
Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Lưu - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Châu đứng ra nhận làm 4 mẫu (40 sào) ruộng bỏ hoang của bà con. Gia đình anh có 2 cháu đang học đại học ở Hà Nội, lương phó bí thư xã mỗi tháng chỉ được 3,3 triệu đồng, vợ anh cũng là nông dân, nếu không sản xuất lấy gì nuôi con ăn học. Nhưng sâu trong suy nghĩ của anh, đất đai là vàng, giờ bỏ hoang, lại bị cấp trên phê bình, là cán bộ xã - lại từng là bí thư Đoàn thanh niên, ruột gan anh nóng như lửa đốt. Nhưng lao động không có, anh nghĩ chỉ có thể giải quyết bằng máy móc. Vay mượn thêm anh em, họ hàng, đầu năm 2012, anh đầu tư mua máy cày 4 bánh đa năng của Nhật - là máy cày to nhất xã có thể cày, bừa, kéo, làm đất bãi giá 60 triệu đồng. Loại máy này có thể bò ngang qua bờ cao, mương nhỏ.
Sau khi mày mò học lái, anh lái cái máy cày to đùng ra đồng, mọi người đều “lác mắt”, đến xem anh Lưu cày. Chỉ trong thoáng chốc, máy đã làm gọn ghẽ cả mấy mẫu đất, bờ nhỏ bị xóa hết chỉ còn liền vùng liền thửa. Ngày đi làm ở xã, chiều tối, ngày nghỉ tranh thủ đi cày, bừa, anh mượn thêm nhiều người cấy. Khoảng 4 ngày như vậy, anh đã làm xong phần ruộng nhà mình, ai thuê cày cũng nhận thêm để bù đắp chi phí mua máy, dầu. Chạy đua với thời vụ, để kịp đón nước, đêm anh làm quần quật đến 1,2 giờ sáng. Công việc thuận lợi, nhờ đất được cày bừa kỹ nên lúa tốt bời bời, đến ngày gặt, anh đầu tư máy gặt được vay theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước giá 23,5 triệu đồng, anh lái máy, lúa đổ xuống hai bên như sóng. Bao nhiêu là lúa vàng, phải đến 9 tấn ở 4 mẫu.
Anh như nằm mơ với thành quả của mình. Không thể đưa về hết được, anh lợi dụng nắng to tuốt lúa phơi luôn trên đồng. Lại lắp rơ-moóc vào máy cày, lặc lè chở gần chục tấn lúa về nhà, nhà anh lúc đó không có chỗ để lúa, anh phải gửi nhờ nhà bà con, họ hàng. Lúa xay thành gạo, tính ra tiền được gần 30 triệu đồng/vụ, là số tiền lớn từ đồng ruộng mà anh có. Những vụ mùa tiếp theo, anh đầu tư thêm máy móc như máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước, anh còn đầu tư 20 triệu đồng cải tạo hệ thống thủy lợi dẫn nước từ trên xuống vùng ruộng xóm 1 nơi anh làm. Chị Hoa Thị Tuyến - nông dân xóm 1 đang làm đồng nghe hỏi về anh Lưu, cười tươi: “Nhờ có anh Lưu mà ruộng nhiều người ở xóm 1 mới có nước sản xuất, anh Lưu ngăn thành con đập phía trên, giữ nước tưới cho cả vùng. Anh ấy thật sáng dạ”.
Anh Nguyễn Văn Lưu cày ruộng chuẩn bị cho mùa vụ mới. |
Những người nông dân chân chất ở quê họ nặng tình, nặng nghĩa lắm. Cho con cá, đồng bạc có khi không quý bằng gợi cho người ta cách làm ăn, chỉ cho người ta thấy được cái mới, cái tiến bộ. Nhiều người theo anh mua máy cày để làm ruộng, học anh cày bằng máy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Xóm 4 của anh giờ đã có thêm 4 máy cày. Cả Hưng Châu giờ đã có 28 máy cày, trong đó chủ yếu là máy cày loại nhỏ và được mua trong 3 năm lại nay. Anh vận động từng hộ dân nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy, ai cần chở lúa về anh chở cho, máy cày nhà ai bị hỏng anh sẵn lòng sửa giúp. “Anh Lưu tài thật, máy chi cũng biết sửa. Làm ruộng theo cách của anh Lưu khỏe re. Anh ấy cày, bừa, gặt, phun thuốc sâu, tuốt lúa… bằng máy hết, mà cần cù, nhiệt tình thì không ai bằng!” - ông Nguyễn Đình Chất, Xóm trưởng xóm 4 thổ lộ.
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng giữa làn gió se se cuối đông, anh bộc bạch: “Làm lúa, tôi chú trọng bón lót, không chú trọng bón thúc. Làm đất kỹ, bắc mạ phủ nilon. Mạ phải được đặc biệt quan tâm để cây lúa khỏe ngay từ đầu. Ở quê tôi, buồn là bà con chưa chú trọng khâu phun thuốc phòng trừ. Nhưng ruộng của tôi thì luôn được phòng trừ đầy đủ các bệnh: rầy, đạo ôn, cổ bông, sâu cuốn lá… Xã cũng đã tập huấn 1 năm 2 đợt về kỹ thuật canh tác nhưng vẫn chưa đông người dự. Lúa nhà tôi được mùa cũng nhờ đầu tư đầy đủ: 1 sào tôi bón đến 25 kg NPK, 3 kg kali, 1 kg đạm ure, chưa kể phân chuồng. Vì vậy xã đang chỉ đạo Ban Nông nghiệp, HTX làm tốt khâu tuyên truyền phổ biến cho bà con”.
Thu nhập từ lúa mang lại cho anh khoảng 60 triệu đồng/năm. Trước kia anh còn nuôi chục con lợn, nay không có sức, phụ phẩm anh cho họ hàng, láng giềng. Trong cuộc họp ủy ban, anh đứng lên phát biểu: “Tôi làm ruộng, trừ chi phí còn lãi 50%, đó là mức lãi không phải nghề gì cũng có được”. Mọi người trầm trồ thán phục. Đúng rồi, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được… Cùng với Đảng ủy, Ủy ban, chức trách là phó bí thư trực Đảng ủy, anh đã góp phần vào việc chỉ đạo khép kín diện tích, đề nghị Nhà nước đầu tư, nạo vét kênh mương, chỉ đạo nông dân không gieo sạ để tiết kiệm nước, đồng thời chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy Hưng Châu đã giảm rất nhiều diện tích ruộng hoang, lúa đã khép kín đồng 1 năm 2 vụ, năng suất đạt 6,2 tấn/ha.
Trong xã, ngoài anh Lưu còn có anh Nguyễn Văn Thuần (xóm 4) làm 1,6 mẫu, Lê Văn Thanh (xóm 1) làm 2,4 mẫu, Nguyễn Văn Triều (xóm 1) với 1,5 mẫu và chăn nuôi thêm thủy sản… kinh tế cũng đã khấm khá hơn các hộ khác. Người dân nhìn anh Lưu làm, họ chỉ mong có thêm vốn để đầu tư mua máy cày, máy gặt để giảm công sức lao động. Từ những con người như anh Lưu, anh Thuần, anh Thanh… trên đồng đất này, tôi nhận ra đất đai cần được tích tụ, cần được sản xuất lớn và cần có vốn để đất mãi là “đất vàng”, trong đó sự chỉ đạo, cái nhìn của người cầm lái là rất quan trọng.
Làm đẹp xóm làng
Anh Lưu còn nổi tiếng cả huyện với “cái chức” tổ trưởng thu gom rác, là người đầu tiên lo nghĩ đến môi trường của xã. Xã Hưng Châu có 4.000 nhân khẩu, có chợ Mý là nơi giao lưu buôn bán của 6 xã xung quanh, có Trường THCS Lam Thành trên 500 học sinh, có Trường PTTH Phạm Hồng Thái trên 1.000 học sinh, đường du lịch ven sông Lam chạy qua, Hưng Châu còn có nhiều quán xá. Lượng rác thải xả ra rất lớn, địa phương nhiều năm qua rất lúng túng trong việc xử lý đối với lượng rác tồn đọng thì rác mới lại sinh sôi, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thậm chí, rác thải còn ngập các dòng kênh mỗi khi bơm nước thủy lợi, không ai muốn lấy nước dẫn về ruộng vì phải “nhận” luôn cả rác. Sau nhiều đêm trăn trở, tại hội nghị cán bộ công chức đầu năm, anh Lưu đã mạnh dạn đưa ra giải pháp của mình.
Kế hoạch của anh là làm thí điểm từ xóm 1 đến xóm 4. Anh tham mưu cho xã thành lập tổ thu gom rác thải, anh đứng ra làm tổ trưởng, ông Lê Văn Quang, cán bộ văn hóa làm tổ phó, anh Lê Minh Quang, ủy viên BTV Đoàn xã, là tổ viên. Được xã hết sức ủng hộ, anh lập đề án ban đầu. Xã hỗ trợ cho mỗi tổ thu gom rác 300.000 đồng và 300.000 đồng tiền dầu cho xe vận chuyển từ các xóm đến địa điểm tập kết, hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Vinh thu gom chở về bãi rác của thành phố. Riêng anh Lưu - người có phương tiện vận chuyển xuất xe và trực tiếp đi gom, không nhận tiền công. Chuyện thu gom rác không đơn giản, bởi lượng rác quá lớn, các xóm đều phải có tổ thu gom về một chỗ để xe anh Lưu đến chở về địa điểm tập kết. Anh nhớ lại: “Xác định rõ việc gì cũng phải có sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng thuận của nhân dân, nên tôi đã đề nghị các chi bộ tổ chức sinh hoạt để tranh thủ sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, tổ chức họp xóm để tuyên truyền nói rõ trách nhiệm và lợi ích từ việc thu góm rác thải.
Trong một thời gian ngắn, tôi đã dự 8 buổi, trong đó 4 cuộc họp chi bộ và 4 cuộc họp xóm. Rất mừng là đảng viên và nhân dân đều đồng thuận hưởng ứng không vứt rác bừa bãi mà thu gom trong nhà, chờ đến ngày đưa ra ngõ để tổ thu gom”. Ngày thứ 7, chủ nhật đầu tiên ra quân (tháng 3/2013), đã huy động được trên 600 người đi gom rác tồn đọng trong cả xã khắp các bờ đê, bờ ao, ngõ ngách về địa điểm tập kết. Anh đã phải chở đến 16 xe rác với lượng rác 32m3 đến địa điểm để công ty vệ sinh chuyển về Vinh. Tối về mệt lả người nhưng vui bởi hôm sau cả 4 xóm sạch quang, ai ai cũng cảm nhận được một bầu không khí mới trong lành, mát mẻ.
Những tháng sau, công việc thu gom rác nhàn hơn nhiều bởi rác tồn không còn. Liên tục trong 3 tháng, môi trường ở 4 xóm (xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4) đều phong quang. Rác không còn bị vứt khắp nơi như trước, cỏ mọc ở bờ đê như xanh non hơn, con bò gặm cỏ thong dong hơn, đàn vịt, đàn ngan bơi trong ao cũng an tâm hơn. Không dừng lại ở kết quả trên, anh tiếp tục trăn trở để mở rộng mô hình ra toàn xã, nhưng ai sẽ làm thay anh? Và anh cũng không thể đi thu gom rác mãi được. Sau khi thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của bà con đã rõ, anh tham mưu cho Đảng ủy xã, UBND xã là cần phải có một nghị quyết về việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường triệt để trong xã.
Đó là huy động sức dân, người dân phải chi trả phí dịch vụ vệ sinh môi trường cho những người thu gom rác và công ty vệ sinh môi trường đô thị theo quy định của tỉnh, đồng thời tạo việc làm cho những hộ khó khăn. Đến nay, xã đã có nghị quyết về việc thu phí vệ sinh 3.000 đồng/khẩu/tháng và hợp đồng với Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Vinh để thu gom rác thải cho cả xã. Hưng Châu đã giải quyết được vấn đề rác thải vệ sinh môi trường, một trong những tiêu chí khó khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Anh được xã Hưng Châu và huyện Hưng Nguyên khen ngợi là gương điển hình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã, của huyện. Sinh năm 1967, năm nay đã bước sang tuổi 47 nhưng anh Lưu lái máy cày phăng phăng giữa cánh đồng tràn ngập sắc xuân chuẩn bị cho một mùa sản xuất mới, nhiều người nói anh trẻ hơn tuổi. Dường như trong anh vẫn còn “lửa” của người cán bộ Đoàn cơ sở năm xưa, nay lại được trăn trở thêm bằng công tác Đảng, hai yếu tố đó tạo ra sự cộng hưởng thôi thúc anh tiên phong đi đầu, đảm nhận việc khó, làm gương cho những người khác noi theo…
Bài, ảnh: Châu Lan