Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Sáng 18/6, tại Hà Nội, Hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam ra mắt với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và các viện nghiên cứu, trường đại học…
Bách khoa toàn thư Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn gồm 16 thành viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng.
Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 36 quyển, trong đó quyển 36 là quyển sách dẫn biên soạn vào giai đoạn 2 khi xuất bản trộn quyển theo vần ABC, bao gồm đầy đủ các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học quốc phòng, ngoại giao, an ninh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong lịch sử chúng ta đã có nhiều sách mang tính bách khoa nhưng Bộ bách khoa thư mang tính quốc gia vẫn chưa có. Đây là một công việc rất linh thiêng, trách nhiệm lớn với dân tộc, với cộng đồng.
Nếu chúng ta làm đúng và làm tốt sẽ là vinh dự đối với tất cả những người tham gia nhưng ngược lại, trách nhiệm với con cháu, lịch sử và với bản thân khi không còn làm việc nữa là vô cùng nặng nề.
Vì vậy, làm sao để bộ Bách khoa toàn thư phải là tri thức cơ bản về Việt Nam đặc biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, phải đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với các tiêu chí là dân tộc, khoa học, hiện đại, hệ thống và đại chúng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sở dĩ các nước phát triển, các nước có nền văn hóa, văn minh cao đều coi trọng việc biên soạn Bách khoa toàn thư, bởi Bách khoa toàn thư là “sách của các loại sách”, là “trường đại học không có tường bao” phục vụ thiết thực và hữu ích nhất cho công cuộc giáo dục và đào tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng biên soạn khẳng định, Viện rất vinh dự được tham gia biên soạn bộ Bách khoa toàn thư. Đây là công việc mong muốn từ rất lâu, từ những năm 1978. Việt Nam là một nước văn hiến, có nền văn hóa, văn minh phong phú lâu đời với bản sắc riêng của mình không thể không có bộ Bách khoa toàn thư quốc gia.
Trước khi bắt tay vào công việc trọng đại này, Hội đồng đã lược qua về tình hình biên soạn Bách khoa toàn thư thế giới và Việt Nam để có cái nhìn toàn cảnh. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, trong quá trình chuẩn bị, một thực tế quan trọng là Hội đồng cần phân biệt giữa từ điển và Bách khoa toàn thư bởi từ điển mang tính giải thích còn Bách khoa toàn thư là tri thức, mang tính tra cứu.
Một việc nữa là Bách khoa toàn thư Việt Nam thì trọng tâm phải là của Việt Nam, trong khi đó thực tế và những quan điểm biên soạn thì các mục từ thế giới nhiều hơn các mục từ của Việt Nam, nên cần phải phân định rõ ràng vấn đề này. Những tri thức trước năm 1975 sẽ đưa vào bộ Bách khoa toàn thư ở mức độ nào...
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng cần thành lập 35 Ban biên soạn chuyên ngành. Dự kiến có khoảng 2.000 nhà khoa học thuộc tất cả các ngành khoa học trong nước sẽ tham gia, đồng thời hoan nghênh các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tham giam biên soạn công trình đồ sộ này. Sớm nhất là đến năm 2016 Hội đồng mới có thể bắt tay khởi động vào những nội dung đầu tiên của bộ Bách khoa toàn thư.
Theo Tintuc