Biểu tình “Áo vàng” kêu gọi Hà Lan rời khỏi EU; Nội bộ Philippines lủng củng vì biển Đông
(Baonghean.vn) - Nội bộ Philippines lủng củng vì biển Đông; Biểu tình "Áo vàng" kêu gọi Hà Lan rời khỏi Liên minh châu Âu; Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi đàm phán ngừng bắn; Nga và Iran thảo luận về việc khởi động Ủy ban Hiến pháp Syria; 1 triệu người Venezuela tuần hành ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Nga và Iran thảo luận về việc khởi động Ủy ban Hiến pháp Syria
Toàn cảnh vòng đàm phán hòa bình Syria do Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải tại Astana, Kazakhstan ngày 15/5/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Ngày 3/2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, phái đoàn nước này do Đặc phái viên của Tổng thống Nga Alexander Lavrentyev và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin dẫn đầu, đã thảo luận về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria tại thủ đô Tehran, Iran. Thông báo nêu rõ giới chức hai nước đã thảo luận nhiệm vụ nhanh chóng thành lập và khởi động Ủy ban Hiến pháp tại Geneva. Ngoài ra, nội dung chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh 3 bên sắp tới theo khuôn khổ Astana cũng đã được đề cập. Các bên đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề liên quan tới diễn biến tình hình tại Syria cũng như khu vực Trung Đông.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Thứ trưởng Vershinin và đặc phái viên Lavrentyev cùng các đại diện của Bộ Quốc phòng Nga, đã có cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran Ali Shamkhani, đồng thời tham vấn với Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề Arab và châu Phi Hossein Jabari Ansari. Bộ này cho biết, các cuộc đàm phán đã diễn ra vào ngày 2/2.
1 triệu người Venezuela tuần hành ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc mít tinh kỷ niệm 20 năm cuộc Cách mạng Bolivar, do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng ở Caracas ngày 2/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Căng thẳng trên chính trường Venezuela leo thang đến đỉnh điểm từ ngày 23/1, sau khi thủ lĩnh phe đối lập Guaido, cũng là Chủ tịch Quốc hội, tự phong là "tổng thống lâm thời" cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.
Biểu tình 'Áo vàng' kêu gọi Hà Lan rời khỏi Liên minh châu Âu
Khoảng 800 người theo phong trào "Áo vàng" đã xuống đường biểu tình trong ngày 2/2 tại thành phố Maastricht, miền Nam Hà Lan, nhằm kêu gọi quốc gia Tây Âu này tiếp bước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Những người biểu tình tại Hà Lan mặc áo vàng, tương tự phong trào "Áo vàng" ở Pháp, mang theo quốc kỳ cùng biểu ngữ với nội dung phản đối EU đã tuần hành trên quãng đường dài 6km nhằm kêu gọi Hà Lan ra khỏi EU tương tự như Vương quốc Anh.
Theo những người biểu tình, lý do chủ yếu họ tổ chức cuộc tuần hành là vì Hiệp ước Maastricht được ký tại thành phố này, sự kiện đặt nền móng cho sự ra đời của EU và đồng tiền chung châu Âu (euro). Một số người biểu tình đến từ Bỉ, Đức và Pháp cũng tham gia.
Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi đàm phán ngừng bắn
Đặc phái viên LHQ về Yemen Martin Griffiths (thứ 2, phải) trong cuộc họp báo tại cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi tại Johannesberg Castle, cách Stockholm, Thụy Điển, 60km về phía Bắc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Ngày 3/2, người đứng đầu phái bộ của Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen đã khởi động các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Yemen và lực lượng nổi dậy Houthi để thảo luận việc thực thi một thỏa thuận ngừng bắn, từ đó chấm dứt cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng tại nước này. Cuộc gặp diễn ra trên một con tàu của LHQ ở ngoài khơi bờ biển của thành phố "điểm nóng" Hodeida, vì lực lượng Houthi không đồng ý đàm phán ở khu vực do chính phủ kiểm soát. Tướng về hưu người Hà Lan Patrick Cammaert chủ trì cuộc họp.
Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ thảo luận việc thực thi một thỏa thuận đã đạt được tại Thụy Điển tháng 12/2018, trong đó kêu gọi ngừng bắn ở Hodeida, nơi đang bị Houthi chiếm đóng, rút các lực lượng quân sự khỏi thành phố cảng này và mở các hành lang nhân đạo. Đây là cuộc gặp thứ ba của một ủy ban hỗn hợp về thực thi thỏa thuận.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhằm vào Thái tử Saudi
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP |
Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman vẫn là nghi can chính trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, một cây bút của tờ Washington Post. Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cho biết như vậy sau cuộc gặp với đại diện Liên Hợp Quốc điều tra vụ sát hại.
Ông Yasin Aktay, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại đảng cầm quyền AK cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép Báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp Quốc Agnes Callamard nghe băng ghi âm vào những giây phút cuối cùng của nhà báo Khashoggi. Báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp Quốc Callamard có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét các tình huống liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nhiều tranh cãi, Saudi Arabia cuối cùng đã thừa nhận ông Khashoggi bị giết bởi bàn tay của các quan chức nước này nhưng không giao lại thi thể và bác bỏ vai trò của Thái tử Mohammed Bin Salman.
EU sẽ bồi thường cho nông dân Ireland nếu không đạt thỏa thuận Brexit
Theo Reuters, tờ Sunday Times bản tiếng Ireland ngày 3/2 dẫn các nguồn tin Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Ireland cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhất trí bồi thường cho nông dân Ireland vì sự sụt giá bán thị trường trong trường hợp Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận.
Tờ Sunday Times cho biết, người nông dân sẽ được bù đắp khoản viện trợ khẩn cấp hàng trăm triệu euro do sự sụt giá thịt bò và các sản phẩm từ sữa. Chi tiết kế hoạch đã được Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Michael Creed và Cao ủy EC phụ trách nông nghiệp Phil Hogan thông qua.
Nội bộ Philippines lủng củng vì biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: Facebook |
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin tuyên bố nước này sẽ phản đối việc Trung Quốc mở một trung tâm cứu hộ hàng hải trên biển Đông. Ông Locsin nói, ông ủng hộ lập trường của thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng Philippines phải phản đối trung tâm cứu hộ do Trung Quốc xây dựng ở Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam). "Chúng tôi sẽ phản đối nếu tin tức trên chính xác. Tuy nhiên, tôi lại thiên về phương án giải quyết công khai với họ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc" - ông Locsin viết trên Twitter.
Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, họ đang chờ đánh giá của cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon vì chính phủ không thể xử lý công việc dựa vào thông tin trên báo chí. Được biết, tin tức Trung Quốc xây trung tâm cứu hộ được Tân Hoa Xã đưa tin ngày 29/1. Điều đáng nói là vào tuần trước, phát ngôn viên Salvador Panelo của Tổng thống Rodrigo Duterte lại nói rằng Philippines nên cảm thấy "biết ơn" Trung Quốc vì trung tâm cứu hộ có thể giúp đỡ tất cả mọi người.