Biểu tượng của lòng yêu nước

05/08/2014 09:23

(Baonghean) - Tinh thần trận đầu đánh thắng không quân Mỹ xâm lược đã trở thành điểm tựa cho quân và dân Nghệ An lập nên những chiến công hiển hách,… Trong thời đại mới, tinh thần đó luôn được phát huy. Quân và dân Nghệ An luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, vùng biển quê hương.

Quá khứ hào hùng

Trong không khí náo nức kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu không quân Mỹ xâm lược (5/8/1964 - 2014), chúng tôi đã được theo chân các nhân chứng lịch sử thăm lại chiến địa xưa, đó là: Đại tá Hoàng Thước -nguyên Đội trưởng Đội Ra đa, Đại đội 138 pháo cao xạ, Trung đoàn 280; Ông Nguyễn Trung Hùng - nguyên Xã đội phó Dân quân xã Hưng Dũng.

Dẫn chúng tôi về kho xăng Bến Thủy nằm trên tuyến đường ven sông Lam, ông Nguyễn Trung Hùng cho hay: Trước đây, Công ty Xăng dầu mỡ kiêm Tổng kho có nhiệm vụ cung cấp xăng, dầu, mỡ cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh. Hơn 50 năm trước, Tổng kho cũng nằm đúng ở vị trí hiện nay, cách đó không xa chính là Nhà máy Điện Vinh và 3 cầu phao, Cảng phà Bến Thủy – nơi có vị thế “yết hầu” trên tuyến đường huyết mạch tiếp lửa cho miền Nam. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi khu vực Tổng kho xăng dầu – phà Bến Thủy là một trong những địa điểm đầu tiên ở miền Bắc bị không quân Mỹ đánh phá và bị đánh đến 2 lần trong ngày đầu tiên.

Ngày đó, ông Hùng là Bí thư Đoàn xã, kiêm Xã đội phó phụ trách dân quân. Hàng ngày, ông và các đoàn viên, thanh niên, dân quân trong xã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho kho xăng, cũng như tham gia vận chuyển xăng xuống phà, chuyển vào miền trong… 12 giờ 25 phút trưa 5/8/1964, 8 máy bay A4D của Không quân Mỹ cất cánh từ Tàu sân bay Ticonderoga vào ném bom, bắn phá kho xăng, phà Bến Thủy và các tàu Hải quân neo ở Cửa Hội. Ông Hùng kể: Lúc đó, ông đang ăn cơm ở nhà thì nghe tiếng bom nổ, chạy ra và nghe mọi người hô to máy bay Mỹ ném trúng kho xăng rồi. Nhìn lên trời thấy máy bay địch gầm rú, bổ nhào. Các trận địa pháo, súng máy phòng không của quân và dân Thành phố Vinh đang dệt nên mưa đạn về phía máy bay địch.

Theo phương án chuẩn bị sẵn, ông và các dân quân làng Phong Đình nhanh chóng chạy ra kho xăng, chẳng quản hiểm nguy, cùng lực lượng của kho di dời các phi xăng ra khỏi khu vực cháy đến nơi an toàn. Được một lúc thì hàng trăm dân quân của thành phố đã có mặt để thực hiện việc bốc dỡ. Và đến 15 giờ 30, kho xăng được giải phóng, giảm thiểu thiệt hại. Theo lời ông Hùng: Trong trận đánh buổi trưa này, lực lượng dân quân xã Hưng Dũng chưa trực tiếp chiến đấu. Hỏa lực đối phó với máy bay địch chủ yếu đến từ Trung đoàn Phòng không 280 và tàu Hải quân. Phải đến trận buổi chiều, dân quân Hưng Dũng mới thực sự chia lửa…

Dân quân Thành phố Vinh tiếp đạn cho Bộ đội Phòng không trên núi Quyết. Ảnh tư liệu
Dân quân Thành phố Vinh tiếp đạn cho Bộ đội Phòng không trên núi Quyết. Ảnh tư liệu.

Trong trận đánh này có rất nhiều tấm gương dũng cảm, tiêu biểu là pháo thủ trẻ tiếp đạn Nguyễn Văn Minh, 17 tuổi, Đại đội Pháo phòng không 57. Minh bị bom vùi lấp nhưng đã nén đau, tự bới đất đứng dậy. Khi phát hiện khẩu pháo bị hỏng nặng, các pháo thủ bị thương, Minh chủ động vác hòm đạn sang khẩu đội bạn tham gia chiến đấu. Sau trận này, Minh đã được Trung đoàn đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được ra Hà Nội gặp Bác Hồ.

Đại tá Hoàng Thước cùng chúng tôi về xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi đây Đại đội 138, Trung đoàn 280 từng bố trí trận địa bảo vệ Thành phố Vinh. Trận địa pháo xưa nằm trước chùa Thanh Lương, bây giờ đã thành nhà, vườn dân cư quần tụ. Đại tá Hoàng Thước kể: 16 giờ 30 phút ngày 5/8, 8 máy bay địch A4D đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy và đánh “trả đũa” các trận địa pháo cao xạ của ta. Phát hiện C138 pháo trung cao ở trước đội hình chiến đấu, khả năng bắn máy bay bay thấp hạn chế, chưa có súng máy phòng không bảo vệ, các lực lượng phòng không bờ Bắc sông Lam bố trí xa, khả năng chi viện cho C138 hạn chế, máy bay địch bay là là, phóng rốc két và bắn đạn 20 ly vào trận địa, làm nhiều chiến sỹ bị thương, hy sinh.

Giữa khó khăn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng lên cao hơn bao giờ hết. Trong trận chiến này, Đại đội 138 và quân dân Thành phố Vinh đã chiến đấu anh dũng, trực tiếp bắn rơi thêm 1 máy bay, nâng tổng số "diều hâu sắt" của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An lên con số 3, trên bầu trời miền Bắc trong ngày 5/8 lên con số 8.

Trận chiến thắng ngày 5/8/1964 của quân và dân ta đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây là một chiến thắng mở đầu có ý nghĩa thực tiễn quan trọng về quân sự và chính trị…

Nâng bước ta đi

Sau trận đánh, khí thế đánh Mỹ, niềm tin bắn rơi máy bay Mỹ ở Thành phố Vinh nói riêng, Nghệ An và cả nước nói chung lên rất cao. Quân và dân ta chỉ với vũ khí phòng không thông thường, có loại đã cũ (pháo 88 và 90 mm) và sử dụng cả súng máy, súng trường đã bắn rơi nhiều máy bay phản lực hiện đại, bắt sống giặc lái. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 20/4/1965, Trung đoàn 280 bắn rơi một chiếc A4D. Trong tháng 5/1965 quân và dân đã hạ 17 máy bay Mỹ, chiến công thuộc về Trung đoàn 214, Tự vệ Nhà máy ép dầu, Tự vệ Nhà máy xay, dân quân các khu phố và các xã. Từ ngày 30/7 đến ngày 9/8/1965 quân và dân Thành phố Vinh đã hạ được 11 máy bay Mỹ. Trung đoàn 214 bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của Mỹ tại Thành phố Vinh. Với chiến công là địa phương đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 100 máy bay Mỹ, ngày 14/9/1965, quân, dân Thành phố Vinh vui mừng đón thư khen của Bác Hồ.

Trong cuốn sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu” (NXB Quân đội nhân dân) có ghi: “Ngày 27/12/1967, lực lượng dân quân xã Quỳnh Nghĩa trực chiến tại mỏm Đầu Rồng, bằng 3 viên đạn súng trường quật tan xác một máy bay F4H, máy bay rơi cách trận địa khoảng 300 mét”. Ông Phạm Hữu Hân, một người trong tổ dân quân 3 người trực chiến đấu trên mũi Đầu Rồng kể: “Khi ấy tôi nắm chặt cây súng, mắt không chớp, theo dõi chiếc máy bay lượn qua, lượn lại, chộ rõ cả tên phi công. Vừa lúc nghe tiếng người đội trưởng hô “Bắn”, tôi ngắm thẳng trên đầu máy bay rồi bóp cò. Chiếc máy bay trúng đạn bốc khói, lảo đảo ít giây như thằng say rượu rồi lao thẳng xuống biển. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc viên đạn từ nòng súng của mình bay ra nhắm trúng đích, chiếc máy bay lao xuống, mọi người nhảy cẫng lên hò reo”.

Đó còn là tấm gương của o dân quân nhỏ Nguyễn Thị Hường, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn dùng liền cắt cỏ bắt sống phi công Mỹ to khỏe vào trưa ngày 18/5/1966; là hành động dũng cảm của y tá Hồ Sỹ Châu, Đại đội 32, Sư đoàn 341, Quân khu 4 đã lấy thân mình làm giá súng 12 ly 7 cho đồng đội bắn rơi máy bay A6D của địch trên đảo Mắt anh hùng; là tấm gương anh dũng của Khẩu đội trưởng - Liệt sỹ Đỗ Lương Bằng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 22, Sư đoàn 441, Quân Khu IV. Trong trận chiến bảo vệ cầu Hoàng Mai, anh bị bom cắt ngang đùi, đứt hẳn động mạch, máu ra rất nhiều những cố gượng đứng lên, một tay chống vào thành công sự, một tay vẫn vẫy cờ hô to: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”…

Phát huy tinh thần chiến thắng trận đầu, từ ngày 5/8/1964-17/1/1973, quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 553 máy bay (có 12 chiếc B52, 1 chiếc F111). Số máy bay địch bị bắn hạ ở Nghệ An chỉ đứng sau Quảng Bình (704 chiếc) trong tổng số 4.181 chiếc bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

Nửa thế kỷ trôi qua, chiến công đánh thắng trận đầu vẫn mãi là biểu tượng lớn lao cho tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống lại kẻ thù hùng mạnh của quân dân Thành phố Vinh nói riêng, quân dân xứ Nghệ nói chung. Phát huy truyền thống cha anh đi trước, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh đã và đang tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Biểu tượng của lòng yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO