Pháp luật

Bộ Công an cảnh báo người dân không tự cập nhật VNeID, không cung cấp thông tin qua điện thoại hay đường link lạ

Đặng Cường 06/07/2025 08:48

Lợi dụng việc cập nhật thông tin cá nhân trên VNeID sau sáp nhập hành chính, nhiều đối tượng giả danh cán bộ gọi điện lừa người dân truy cập đường link chứa mã độc để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cảnh báo, người dân không cần tự cập nhật, mọi thao tác đều do hệ thống thực hiện tự động; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.

Suýt mất tiền vì tin đường link cập nhật VNeID giả mạo

Những ngày đầu tháng 7, sau khi cả nước chính thức hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính, ứng dụng định danh điện tử VNeID trở thành công cụ quan trọng để người dân tra cứu thông tin cá nhân theo địa giới mới.

Tuy nhiên, lợi dụng tình trạng hệ thống đang trong quá trình đồng bộ dữ liệu và nhu cầu kiểm tra thông tin tăng đột biến, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng triển khai nhiều thủ đoạn tinh vi.

12.ảnh pv
Việc truy cập bị chậm do lượng người dùng tăng đột biến, nhất là tra cứu thông tin quê quán, địa chỉ cư trú sau sáp nhập. Ảnh: Đ.C

Chị N.T.T., trú tại phường Vinh Lộc là một trong những nạn nhân suýt bị sập bẫy. Sáng 2/7, chị nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, đầu dây bên kia là một người tự xưng là cảnh sát khu vực. Người này thông báo do có sự thay đổi địa giới hành chính, toàn bộ công dân bắt buộc phải xác nhận lại thông tin cá nhân trên VNeID để tránh bị “khóa tài khoản định danh điện tử” và “đóng băng quyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.

Để tăng thêm độ tin cậy, đối tượng còn gửi kèm một đường link “truy cập nhanh để xác minh thông tin” qua tin nhắn. Đường link này dẫn tới một giao diện gần giống với ứng dụng VNeID thật, yêu cầu người dùng nhập thông tin tài khoản ngân hàng để xác nhận danh tính, sau đó gửi mã OTP về điện thoại để hoàn tất “xác thực”. Rất may, chị T. đã cảnh giác, không thực hiện bước nhập mã xác nhận.

Chị T. cho biết, thông thường với những cuộc gọi lạ, chị sẽ lập tức cúp máy. Tuy nhiên, do trùng vào thời điểm cả nước đang triển khai việc sáp nhập các đơn vị hành chính, nội dung cuộc gọi lại liên quan đến cập nhật thông tin cá nhân, nên chị có phần bối rối.

“Nếu tôi không kiểm tra lại thông tin từ trang web chính thức của Bộ Công an và xác minh với bạn bè, có thể tôi đã mất tiền trong tài khoản. Họ nói chuyện rất tự tin, lại dùng từ ngữ chuyên ngành nên rất dễ khiến người nghe hoang mang và làm theo”, chị T. kể lại.

23.ảnh pv
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An đăng thông báo để người dân cảnh giác. Ảnh: PV

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong vòng chưa đầy 6 ngày kể từ khi VNeID bắt đầu cập nhật thông tin hành chính theo địa giới mới, nhiều người dân tại các địa phương khác cũng phản ánh nhận được những cuộc gọi, tin nhắn với nội dung tương tự. Kẻ gian thường đánh vào tâm lý lo sợ bị mất quyền truy cập, bị “cắt các quyền công dân điện tử”, hoặc đưa ra cảnh báo tài khoản có nguy cơ bị “đánh cắp danh tính” để hối thúc người dân làm theo hướng dẫn.

VNeID sẽ tự động cập nhật thông tin cá nhân

Từ ngày 1/7/2025, sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính trên cả nước, Việt Nam chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Cùng với thay đổi này, dữ liệu hành chính cá nhân của người dân cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với địa giới mới. Ngay sau đó, ứng dụng định danh điện tử VNeID đã bắt đầu quá trình tự động cập nhật thông tin cho công dân.

Theo thông báo chính thức từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an), việc cập nhật bao gồm các trường thông tin như: nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nơi thường trú, nơi tạm trú và nơi cư trú hiện tại. Tất cả các dữ liệu này được trích xuất và điều chỉnh từ hệ thống quản lý dân cư, hoàn toàn không yêu cầu người dân cung cấp bổ sung hoặc tự cập nhật thủ công. Quá trình cập nhật được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc và sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, do khối lượng dữ liệu lớn và lượng người truy cập VNeID tăng đột biến trong những ngày đầu tháng 7, một số người dân phản ánh gặp tình trạng truy cập chậm, thậm chí thông tin hiển thị chưa chính xác hoặc còn thiếu sót.

C06 cho biết, đây là hiện tượng bình thường trong giai đoạn đồng bộ dữ liệu toàn hệ thống và cam kết mọi sai lệch sẽ được rà soát và cập nhật chính xác. Người dân hoàn toàn không cần quá lo lắng nếu thấy thông tin quê quán, địa chỉ cư trú... chưa phản ánh đúng thực tế trong thời điểm hiện tại.

Để hỗ trợ người dân chủ động tra cứu thông tin cá nhân, C06 cũng hướng dẫn ba cách kiểm tra trực tiếp trên ứng dụng VNeID: cách thứ nhất là truy cập mục “Ví giấy tờ”, chọn “Xem thông tin chi tiết” để tra cứu nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nơi thường trú và cư trú hiện tại; cách thứ hai là vào mục “Thẻ căn cước/CCCD”, xem thông tin căn cước điện tử đã được đồng bộ; và cách thứ ba là kiểm tra mục “Thông tin cư trú” để biết địa chỉ cư trú của các thành viên trong hộ gia đình.

Theo Đại tá Lương Thế Lộc, Trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An: Trong quá trình này, người dân cần đặc biệt cảnh giác với các chiêu trò giả mạo ứng dụng VNeID để lừa đảo. Lợi dụng việc thay đổi địa giới hành chính và nhu cầu cập nhật thông tin cá nhân, các đối tượng xấu đã mạo danh cán bộ công an, cán bộ phường/xã mới để gọi điện, hướng dẫn người dân truy cập đường dẫn giả hoặc cài đặt ứng dụng VNeID không chính thức chứa mã độc. Mục đích của chúng là chiếm quyền điều khiển thiết bị, qua đó đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP ngân hàng hoặc dữ liệu sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản.

4.ảnh pv
Ứng dụng Định danh điện tử giả mạo. Ảnh: Bộ Công an cung cấp
09.ảnh pv
Ứng dụng Dịch vụ công giả mạo. Ảnh: Bộ Công an cung cấp

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi: chúng sử dụng thuê bao di động hoặc tổng đài ảo, gọi điện giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức giới thiệu là cán bộ Ủy ban xã/phường, cảnh sát khu vực… thông báo về việc thay đổi bộ máy hành chính, đề nghị người dân cập nhật thông tin mới. Các đối tượng đã thu thập thông tin cá nhân của người dân từ trước và đưa ra để tạo niềm tin trước khi yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn của chúng.

Đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào đường dẫn do chúng cung cấp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc. Sau khi người dân đã truy cập hoặc cài đặt ứng dụng, chúng đã chiếm quyền điều khiển thiết bị, tiếp tục dẫn dụ người dân làm theo hướng dẫn để tìm cách lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dụ người dân nhìn vào điện thoại nhằm lấy dữ liệu sinh trắc học, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.

Trước thực tế trên, ngày 5/7, Bộ Công an phát đi cảnh báo về việc đối tượng xấu lừa đảo người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại từ những người tự xưng là cán bộ xã/phường, cảnh sát khu vực. Nếu cần cập nhật thông tin, phải trực tiếp đến Công an xã/phường nơi cư trú.

Trường hợp đã lỡ truy cập đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng giả, cần ngay lập tức tắt nguồn điện thoại, liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản và trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

34.ảnh pv
Cán bộ Công an xã Tiền Phong, tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân truy cập ứng dụng trên VNelD. Ảnh: Đ.C

Người dân chỉ nên tải và sử dụng ứng dụng VNeID phiên bản chính thức từ Bộ Công an phát hành, không cài đặt từ nguồn không rõ ràng. Đồng thời, không nên chia sẻ thông tin cá nhân đã được cập nhật mới lên mạng xã hội, bao gồm ảnh chụp căn cước công dân, thông tin nơi cư trú, quê quán, hộ khẩu điện tử... Việc công khai những dữ liệu này có thể tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng giả danh, lừa đảo hoặc xâm phạm quyền riêng tư.

Thực tế cho thấy, các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao ngày càng đánh trúng vào tâm lý thiếu thông tin và chủ quan của một bộ phận người dân. Việc lợi dụng chính sách sáp nhập hành chính để giả mạo cán bộ yêu cầu cung cấp thông tin không chỉ gây hoang mang mà còn đe dọa trực tiếp đến tài sản, quyền riêng tư và an toàn dữ liệu cá nhân. Do đó, mỗi người cần chủ động kiểm tra thông tin từ các nguồn chính thống, nâng cao cảnh giác và kịp thời chia sẻ các cảnh báo đến gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân. VNeID là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng, mỗi người dân cần ghi nhớ nguyên tắc: không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ bên thứ ba nào qua điện thoại hoặc các liên kết không rõ nguồn gốc. Hãy chỉ tin tưởng vào những kênh thông tin chính thống của Bộ Công an và chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quan trọng không kém gì bảo vệ tài sản vật chất. Cảnh giác, tỉnh táo và chủ động là 3 “lá chắn” thiết thực để người dân tự bảo vệ mình trước các hình thức lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi trên không gian mạng hiện nay.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bộ Công an cảnh báo người dân không tự cập nhật VNeID, không cung cấp thông tin qua điện thoại hay đường link lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO