Bộ GTVT rà soát nhu cầu xây dựng cầu treo ở các địa phương
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải của 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cung cấp thông tin về nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, mất an toàn giao thông.
Cầu treo Kim Thanh trên địa bàn xã Lộc Nga (Bảo Lộc) là một trong 15 cầu cần thay thế. Ảnh: TTXVN |
Theo số liệu báo cáo của 60/63 Sở Giao thông Vận tải trên cả nước, nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh của 60 tỉnh thành khoảng 7.500 cầu; trong đó số lượng cầu treo do các sở này đề xuất xây dựng là 1.218 cầu gồm 50 tỉnh có vùng dân tộc thiểu số đề xuất 1.215 cầu, 10/13 tỉnh không có vùng dân tộc thiểu số đề xuất 3 cầu (còn lại 3 tỉnh không báo cáo là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp).
Cụ thể, trong số 1.218 cầu trên 50 tỉnh có vùng dân tộc thiểu số, số lượng cầu treo đề xuất xây dựng tập trung chủ yếu ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là 1.196 cầu, 22 tỉnh còn lại là 19 cầu.
Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao Ban Quản lý dự án 3, Tư vấn lập Đề án rà soát lại nhu cầu của các địa phương.
Sau khi rà soát, đối chiếu với các tiêu chí lựa chọn cầu treo, khảo sát trên 50 tỉnh có vùng dân tộc và miền núi, Tư vấn lập Đề án đã đề xuất 236 vị trí phù hợp để xây dựng cầu treo; trong đó có 186 cầu treo trên 28 tỉnh miền núi phía Bắc, Trung du và Tây Nguyên (đã được phê duyệt trong Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên). Các vị trí còn lại đề xuất xây dựng cầu cứng hoặc giải pháp kết cấu khác phù hợp địa hình và giảm kinh phí.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cập nhật và rà soát để hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số.
Theo Vietnam+