Bố mẹ hãy yên lòng!
(Baonghean) - Khoảnh đất trống phía Tây làng Thượng là nơi gắn bó với những kỷ niệm vui buồn của lũ trẻ quê tôi. Chiều chiều, sau khi ngụp lặn, tắm mát ngoài sông Lam, lũ trẻ lại kéo nhau về đá bóng. Những trưa đá bóng giải cúp mía vàng, mía bạc, cúp khoai luộc, cúp ổi, cúp ngô nếp nướng... Mùa nào, cúp ấy thật không gì tiện bằng. Vui ơi là vui, nhưng cũng có những trận đấu nảy lửa và xảy ra khá nhiều ẩu đả.
Cả bọn tập tành, hẹn mùa giải Tết Trung thu.
Ảnh: Phan Văn Toàn
Những tưởng mùa tranh tài đến gần, ai ngờ trời đổ mưa rào. Mưa tầm tã một ngày... hai ngày... rồi cả tuần. Lũ lớn. Thương cho anh em Tý và Tèo. Bố mẹ nó tốt bụng đưa thuyền đi cứu bà con bị lũ nuốt chửng khi trên đường về.
Khoảng đất trống tự nhiên thành bãi rác. Dần dần, rác chất thành đống thành cồn. Mùa hè, gió Lào oi nồng thổi, cả làng Thượng nhuốm mùi hôi thối.
Căn nhà đơn sơ của Tý và Tèo cũng không tránh khỏi. Có lẽ căn bệnh phổi của ông nội vì thế mà nặng thêm. Rồi một ngày, điểm tựa tinh thần của Tý và Tèo cũng không còn, ông nội thương hai đứa cháu côi cút nhưng lực bất tòng tâm cũng phải rời bỏ cháu mà đi. Tý, Tèo chỉ còn nhờ vào sự che chở của bà con lối xóm và sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.
Bãi rác thành “tâm điểm” của cả làng. Các anh chị thanh niên dọn rác lần này, lần khác. Thành thói quen xấu, một thời gian, người dân lại quẳng rác bừa bãi mặc cho cái biển "cấm đổ rác" vẫn đứng trơ gan.
Hôm ấy, Tý còn nhớ mãi, địa phương tuyên truyền Ngày Bảo vệ môi trường, ti-vi cũng phát sóng chương trình bảo vệ trái đất, chống ô nhiễm, anh em Tý và Tèo chú ý lắng nghe. Đêm sau cả hai bàn bạc chuyện gì, vẻ đại sự lắm, mãi tận khuya.
Cũng là dịp nghỉ hè, cả làng lấy làm lạ khi Tý và Tèo cứ hì hục gom rác. Rác thải rắn và bao ni lông được gom một chỗ để đưa đến bãi rác xử lý. Còn lại, Tý và Tèo trộn thêm phân xanh cùng với vôi và tưới thêm ít nước ủ thành một hố thật to. Dọn sạch rác, hai anh em tập cày bừa như những lão nông. Hai cái dáng tí xíu giữa bãi đất trống làm ngươi đi qua vừa thương vừa ái ngại.
Tý bàn với Tèo:
- Ta trồng lạc, vì lạc dễ bán, Tèo ạ!
- Nhưng tiền giống quá đắt. Hôm kia, mua mười lăm ngàn về làm vừng mà được có một tí. Tèo nói rồi cho ý kiến:
- Thôi, trồng một phần tư thôi, còn lại trồng đậu xanh, đỡ tiền giống.
Khoảng đất trống trở thành khoảng trời mơ ước. Tý và Tèo chờ đợi. Một khoảng đất xanh, lạc và đậu tốt tươi. Đậu đã đến kỳ thu hoạch, Tý, Tèo mới bứt được 1 lứa thì trời lại đổ mưa. Lụt thật rồi, công lênh của Tý và Tèo bị cuốn ra bể. Cả làng ai cũng thương hai anh em.
Tèo nản chí:
- Thôi chẳng thèm làm nữa, anh Tý ạ!
- Nếu bỏ hoang, ít lâu sau bãi đất lại thành bãi rác. Không! Thua keo này ta bày keo khác, mình kiên trì, siêng năng, ông trời ghét được sao?
Vụ này, Tý và Tèo trồng ngô nếp. Được phù sa hai trận lũ bồi đắp lại được phân tro cẩn thận, vườn ngô xanh rờn, hàng hàng thẳng tắp, bậm bạp đầy nhựa sống. Ngô trổ cờ, đâm bông. Hương ngô nếp bay phảng phất đầu làng cuối thôn.
Bà Bảy là mẹ liệt sỹ, còn khỏe. Bà xem anh em Tý, Tèo như cháu ruột. Sáng chiều, bà giúp Tý, Tèo tới chợ thị trấn bán ngô luộc. Món ngô bẻ, luộc ngay thơm lừng, ngon ngọt, khách chuộng lắm. Tý, Tèo ra chiều phấn khởi bởi mỗi ngày lại góp thêm được đồng tiền.
Qua vụ ngô, Tý, Tèo hăm hở. Tý lên kế hoạch:
- Vụ đông này, mình trồng rau Tèo ạ. Phân ủ vẫn còn, mình mua ít NPK nữa trộn vào như ngày xưa bố làm ấy, ta trồng rau cải bắp, xu hào, bầu bí... Đậu côve, cà chua thì ngon thật nhưng khó làm giàn.
Tèo năn nỉ trồng thêm một luống hoa cúc nữa, như thế là mình luôn nhớ về bố mẹ. Tý một lần nữa đau nhói lòng. Tý thương em vô hạn, vì nó còn bé bỏng mà đã biết nghĩ xa quá. Ôm em, Tý ân cần:
- Anh em mình sẽ trồng một luống cúc thật đẹp, em yên tâm!
Nói là làm, hai anh em tranh thủ hết thời gian ngoài giờ học chăm bón, nhổ cỏ, bắt sâu. Tèo bảo, phải trồng “mô hình” rau sạch mới được. Rõ Tèo đã lớn hơn rất nhiều trong suy nghĩ. Thích chăm cây, thành ra Tèo nghiện bắt sâu. Những con sâu bé hơn que tăm trên lá cải, lá xu hào cũng bị phát hiện. Sâu róm ăn lá bầu già, nằm dưới gốc nhan nhản, cũng bị Tèo moi lên, bắt gọn...
Thật bõ công chăm bón. Rau cải non mơn mởn, cải bắp má phính căng tròn tủm tỉm cười, xu hào béo tốt như vận động viên, ngọn bầu sải dài như thi chạy việt dã. Điểm thêm cho màu xanh non là màu rực rỡ của hoa bầu, màu thương nhớ của hoa cúc. Sáng sáng, hoa bầu đỏng đảnh khoe sắc, ong bướm thi nhau hút mật, thụ phấn cho hoa. Tý cũng giúp một tay cho bầu trước giờ đi học.
Gần như cả thị trấn biết tiếng vườn rau sạch của Tý, Tèo. Bà Bảy cũng chẳng phải vất vả đi chợ giúp, bán rau tại vườn khi Tý, Tèo vắng nhà. Nhiều người đến mua còn tặng thêm tiền, cả hai không nhận. Những lúc như thế, không biết học từ đâu, Tèo ta nói gỏn lọn:
- Con cảm ơn bác, con xin gửi lại!
Trong xóm có bà Lợi neo đơn, thi thoảng, anh em Tèo đem biếu bà khi quả bầu, khi nắm rau. Bà xúc động lắm!
Năm học này, Hội đồng đội huyện cũng có những suất quà giúp học sinh nghèo vượt khó. Biết mình trong diện được xét, Tý đã đến đề nghị cô Tổng phụ trách rút mình khỏi danh sách:
- Thưa cô, em nay đã bớt khó khăn, xin nhường lại phần quà đó để giúp bạn hoàn cảnh khó khăn khác. Em xin đề nghị giúp bạn Lành được không cô, vì bố Lành đang bị bệnh chất độc da cam, còn mẹ bạn hiện đang ung thư giai đoạn cuối?!
Cô giáo nghẹn ngào trước những trò ngoan và những mảnh đời bất hạnh. Tý trở về lòng ấm áp vui vui.
Ngày giỗ bố mẹ, hai anh em chọn những bông cúc đẹp nhất đặt lên bàn thờ, một đĩa ngũ quả hái từ trong vườn, một mâm cơm có đầy đủ các món rau trồng được. Ai cũng bùi ngùi trước lời khấn của Tý:
- Nơi xa, bố mẹ ơi hãy yên lòng! Chúng con đã lớn...
Khoảnh đất nhỏ và hai cậu bé nghèo đã làm nên chuyện lạ ở ngay làng Thượng quê tôi!
Nguyễn Việt Hoàng