Bộ mộc bản quý tại Nghệ An
Tại Thư viện tỉnh Nghệ An hiện đang lưu giữ bộ mộc bản “Trần Đại Vương chính kinh” do cụ Trần Hiêng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hiến tặng. Đây là những tấm ván bằng gỗ thị, khắc lại lời giáo huấn mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn “giáng bút” vào giờ Mùi, ngày rằm, tháng 11 năm Tân Mão đời vua Thành Thái (1891), tại đền vọng Hà Lạc.
(Baonghean) - Tại Thư viện tỉnh Nghệ An hiện đang lưu giữ bộ mộc bản “Trần Đại Vương chính kinh” do cụ Trần Hiêng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hiến tặng. Đây là những tấm ván bằng gỗ thị, khắc lại lời giáo huấn mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn “giáng bút” vào giờ Mùi, ngày rằm, tháng 11 năm Tân Mão đời vua Thành Thái (1891), tại đền vọng Hà Lạc.
Giáng bút là một loại hình sáng tác văn học của những Thiện đàn ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào đầu thế kỷ 20. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo cầu Phật - Thánh cho mình những bài thơ, thông qua một người có năng lực đặc biệt là giao cảm được với Phật - Thánh. Nhằm kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và chấn hưng văn hóa dân tộc, nhiều Thiện đàn được mở ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Các chí sĩ yêu nước mang trên mình màu áo phật tử để dễ dàng tập hợp hoạt động và tránh bị khủng bố. Họ lấy danh nghĩa và dựa vào uy thế của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng dân tộc duy nhất được nhân dân phong Thánh để tuyên truyền, vận động tầng lớp thanh niên và trí thức trẻ đi theo con đường cứu dân cứu nước.
Bên cạnh đó, các thiện đàn còn có những đóng góp đặc biệt quan trọng đáng kể nhất chính là công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc: xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hóa theo chuẩn mực của bản sắc văn hóa truyền thống và tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hoá, tâm linh tín ngưỡng. Đặc biệt, các Thiện đàn đã cho in ấn các kinh sách mà sau này trở thành một hệ thống di sản tư liệu hết sức quý báu nhằm việc nghiên cứu tìm hiểu về giai đoạn đầy biến động trong dòng chảy lịch sử đất nước.
Mộc bản Trần Đại Vương chính kinh.
Toàn bộ Mộc bản “Trần Đại Vương chính kinh” khắc lời giáng bút của Hưng Đạo Đại Vương gồm 365 chữ, nội dung giáo dục khuyên bảo người đời về đối nhân xử thế, về nghĩa vụ của người đệ tử. Đặc biệt, những lời giáo huấn mang hơi thở dân gian, không cầu kỳ ở ngôn ngữ, cũng không ảnh hưởng bởi kinh điển nên rất ngắn gọn, hàm súc mà không hề xa lạ sáo rỗng. Mượn lời Phật – Thánh, nhưng không hề yếm thế, tích cực khuyên mọi người hãy sống tốt ở cuộc đời thực tại, tự giác ngăn ngừa các thói xấu thường ngày, tự tu dưỡng mình để ngày càng hoàn thiện, trở thành những con người gánh vác non sông Tổ quốc. Chính vì vậy, nó dễ dàng cảm hóa và đi sâu vào tâm tư tình cảm của con người lúc bấy giờ.
Chính kinh nhấn mạnh đến các phạm trù đạo đức cơ bản: làm con phải hiếu thảo, làm dân phải trung thành, anh em phải hòa thuận, vợ chồng phải kính trọng, bạn bè lấy chữ tín làm đầu. Chính vì nội dung có ý nghĩa như vậy, Chính kinh đã được đông đảo quần chúng đón nhận. Bộ mộc bản kể trên được đệ tử của Văn Thiện đàn, thuộc đền Phượng Giang, thôn Ngọc Long, xã Vân Tụ, nay thuộc xã Công Thành, huyện Yên Thành rước về, khắc in ấn bản vào mùa xuân năm Tân Tỵ (1944), tính đến nay đã 70 năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều bộ mộc bản như bộ mộc bản gồm 95 tấm tại đền Thiện xóm Tây Lộc (thuộc xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu); bộ mộc bản tại chùa Cần Linh (Thành phố Vinh), bộ mộc bản đền vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn)… trong đó “Trần Đại Vương chính kinh” là bộ mộc bản còn nguyên vẹn và đầy đủ nhất. Bộ mộc bản này đã được Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An (thuộc Thư viện tỉnh Nghệ An) phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An cho in ấn, biên dịch và giới thiệu trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)